Theo pháp luật hiện hành, cụ thể tại điều 246 của Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến một năm và cao nhất là bị phạt tù đến 5 năm. Đây thực ra không phải là vấn đề mới mà từ mấy trăm năm trước, pháp luật phong kiến đã có những quy định rõ ràng, cụ thể đối với việc xử lý các hành vi vi phạm tội danh này.
Trong đời sống xưa, ông cha ta thường nói: “Sống cái nhà, già cái mồ”, ý nói rằng khi còn sống mỗi người dân đều được pháp luật bảo vệ về chỗ ở và khi chết đi cũng được pháp luật bảo vệ “nơi an nghỉ cuối cùng”. Bản thân ai cũng mong được “mồ yên, mả đẹp”, tuy nhiên trong thực tế lại nảy sinh các yếu tố phức tạp khiến chính quyền phải ban bố các luật lệnh nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến mồ mả với những động cơ khác nhau, nhất là xử lý nghiêm những kẻ thất đức, đê hèn, ác độc.
Vào thế kỷ XI cùng với sự phát triển của chế độ phong kiến trung ương tập quyền, nền kinh tế, văn hoá và xã hội Đại Việt đã có những bước tiến quan trọng tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động lập pháp phát triển, thể chế hoá và ngày càng hoàn thiện hơn. Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ Hình thư được ban hành năm Nhâm Ngọ (1042) trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền; tiếc là bộ luật này cùng với các bộ luật khác được ban hành dưới triều Trần, Hồ như Quốc triều thống chế (1230), Hình luật thư (1290), Hình thư (1344), Đại Ngu quan chế hình luật (1401) đều bị giặc Minh đốt phá, cướp bóc trong thời gian chúng xâm lược nước ta, nay đã thất truyền hết vì vậy chúng ta không rõ được nội dung của nó cũng như các điều luật liên quan đến tội xâm phạm đến mồ mả được quy định như thế nào?
Từ khi nhà Hậu Lê được thành lập, đặc biệt là dưới thời gian trị vì của hoàng đế Lê Thánh Tông, hoạt động lập pháp được tích cực đẩy mạnh và mang lại những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực pháp luật và điển chế, đủ khả năng điều chỉnh giải quyết các quan hệ xã hội phức tạp trên mọi lĩnh vực đời sống. Đối với việc xử lý các hành vi xâm phạm mồ mả, triều đình đã ban hành các quy định khác nhau, được thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp để dần dần tạo thành luật lệ có tính ổn định, nghiêm minh. Tùy động cơ, mục đích, tính chất mà áp dụng các hình thức xử phạt như đánh roi, phạt trượng (đánh bằng gậy), phạt tiền, biếm (giáng chức, hạ tư cách), đồ (bắt đi làm người hầu hạ, phục dịch), lưu (đi đày), xử chém.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 19 tháng giêng năm Tân Sửu (1481) quan Đô cấp sự trung Vũ Mộng Khang dâng sớ tấu trình các việc, trong đó có phần đề xuất xử lý hành vi chặt phá tre, cây ở vườn và khu mộ đề nghị phạt đánh trượng và biếm; nếu cày và phá mộ của người xưa thì đều xử tội lưu. Vua Lê Thánh Tông xem tấu xong liền phê chuẩn. Đến ngày 29 tháng 4 năm Giáp Thìn (1484), vua lại định lệnh cấm mồ mả chôn sau không được che lấp hướng của những mồ mả chôn trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết nguyên do như sau: “Trước đó, phó sứ Thanh hình hiến sát sứ ty xứ Yên Bang là Nghiêm Quang tâu rằng: "Mộ của quan viên và dân chúng chưa có phân biệt, cho nên kẻ dân mọn ngu tối thấy người có quan tước thì cho là do mạch đất mà được thế, khi có người nhà chết thì đua nhau chôn ở đằng trước, sát phạm đến nấm mồ. Con cháu nhà có mồ bị vi phạm, thường đem việc đó kiện tại cửa quan thì lại chưa có quy định riêng, nên cũng khó lòng xét rõ phải trái. Vậy có nên chiếu theo chức phẩm cao thấp mà quy định đất để mồ mả rộng hẹp hay không?". Đến đây Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo bàn rằng: "Đất để mồ mả của quan viên và dân chúng trong nước, có khi là ruộng đất công, có khi là ruộng đất tư. Nếu kẻ nào lấy ruộng tư làm đất để mồ mả thì kích thước rộng hẹp cũng phải theo hướng đất trước sau cho phải. Người để mồ sau không được cậy là ruộng đất tư của mình mà chôn sát, che lấp mồ chôn trước. Kẻ nào cố ý vi phạm thì con cháu họ hàng nhà chôn trước kiện tại quan tư sở tại, bắt mồ chôn sau phải dời đi chỗ khác và bắt phải nộp tiền tạ lễ theo như luật pháp". Thấy hợp tình hợp lý, Lê Thánh Tông chuẩn y theo lời bàn ấy.
Khám nghiệm xương cốt (tranh khắc gỗ dân gian). |
Bấy giờ, để trọng đãi nhân tài khoa cử, triều đình còn phong chức tước cho cả cha mẹ những người đỗ đạt, vừa là để động viên họ gắng sức cho quốc gia lại có dụng ý nhắc nhở đến phần âm đức của cha mẹ đã nuôi dạy con cái trưởng thành, đó cũng là cách cho người con báo hiếu để vinh hiển phụ mẫu. Do trong dân gian quan niệm về địa trạch, phong thủy có quan hệ đến may rủi, hung cát của đời người, cho rằng mồ mả cha ông chôn ở nơi huyệt địa tốt, hình thế đẹp kết phát giúp con cháu vinh hiển phú quý nên dẫn tới tình trạng xâm lấn mồ mả của những gia đình giàu có, quyền lực vì tin rằng táng hài cốt người thân nhà mình ở gần vị trí đó cũng sẽ có ngày kết phát. Còn những gia đình quyền quý thì sợ nhất là người ngoài vô tình hay cố ý phạm vào long mạch mà phá hư ảnh hưởng tốt, khiến có thể mình và con cháu gặp những tai ương khủng khiếp. Bởi đó, sau khi bàn định với triều thần, Lê Thánh Tông cho vẽ hẳn hình một khuôn viên ngôi mộ gọi là “mộ địa bộ đồ” để kèm vào chỉ dụ cấm phạm tới địa ranh của mộ. Người nào có hành vi chặt hạ cây cối, xẻ rãnh đào mương hoặc lén chôn người chết trong vòng khuôn viên sẽ bị phạt tiền cỗ và nộp tiền tạ lỗi 20 quan. Từ nhà vua ban hành luật lệ đến dân chúng được luật lệ bảo vệ quyền lợi, tất cả đã có niềm tin vào ảnh hưởng huyền bí của âm phần, cho dù ảnh hưởng ấy có thực hay không, nhưng việc tin tưởng ấy chính là nòng cốt tinh thần cái tâm đức, cho đạo hiếu là đạo hệ trọng nhất của con người.
Theo sách Hồng Đức thiện chính thư thì tùy theo chức phẩm cao thấp mà khuôn viên mộ rộng hay hẹp: “Quan nhất phẩm thì bốn phía quanh mộ rộng 90 bước chân; Nhị phẩm 80 bước; Tam phẩm 70 bước; Tứ phẩm 60 bước; Ngũ phẩm 50 bước; Lục phẩm 40 bước; Thất phẩm 30 bước; Bát phẩm, Cửu phẩm và dân thường là 18 bước”. Sau đó, trong Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức có quy định thêm về nội dung hạn định phần mộ như sau: “Con nối dõi là quan Nhất, Nhị phẩm thì đất mộ được 2 mẫu; quan Ngũ, Lục phẩm được một mẫu; quan Thất, Bát phẩm thì được 40 thước 5 thốn; quan Cửu phẩm cho đến quan không có phẩm trật được 12 thước 5 thốn”.
Bên cạnh đó luật cũng rất nghiêm khắc đối với những vụ việc liên quan đến phần mộ, đặc biệt là xâm phạm lăng mộ của vua chúa, chẳng hạn “kẻ ăn trộm cây cối trong lăng nhà vua sẽ bị tội đánh 100 trượng, đồ 3 năm” (Hồng Đức thiện chính thư). Trong Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) có một số điều luật quy định cách xử lý với các hành vi phạm tội xâm phạm lăng mộ vua chúa với các mức khác nhau: “Những kẻ không có phép mà lẻn vào quanh Thái miếu, vào cửa Sơn lăng, mộ vua thì bị tội đồ làm khao đinh. Leo tường vào thì bị tội đồ làm tượng phường binh” (điều 50); “Ai chặt tre, gỗ, đào đất ở các vườn lăng miếu thì bị lưu đầy châu ngoài” (điều 85); “Ai gây hỏa hoạn trong sơn lăng, mồ mả vua thì bị lưu đầy châu gần. Làm cháy lan đến cây cối thì bị xử thêm một bậc, bồi thường tổn hại ấy” (điều 86); trường hợp “ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, tượng thánh, áo mũ thờ thì xử chém, tịch thu điền sản sung công” (điều 431).
Đối với việc xâm phạm mồ mả của quan chức, dân thường thì tùy theo trường hợp cụ thể mà có cách xử lý tương ứng, “nếu ăn trộm cây cối ở phần mộ nhà khác sẽ bị tội trượng 80. Ai cố ý phá hủy phần mộ của người khác sẽ bị phạt tiền tệ 30 quan, bị tội trượng 90 và bị khép tội lưu” (Hồng Đức thiện chính thư). Điều 358 bộ luật Hồng Đức quy định: “Nếu chặt đốn tre gỗ trong vườn mộ kẻ khác thì biếm một tư, phải nộp tiền tạ lỗi 10 quan. Lấn chiếm ranh giới mộ phần kẻ khác cũng xử như thế; phải đền những nơi lấn chiếm. Nếu xâm lấn mộ nhà quyền quý thì thêm tội”. Tại điều 359 quy định: “Cày cấy trộm vào đất mộ kẻ khác thì biếm một tư. Lấn phạm vào mộ thì biếm ba tư. Kẻ sai phạm không phải quan thì đồ làm khao đinh, nộp 30 quan tiền tạ lỗi. Chôn xác trộm vào đất kẻ khác thì bị phạt đánh 80 trượng; chôn vào đất mộ của người ta thì biếm một tư, buộc phải dời mả đi nơi khác. Nếu không biết kẻ chôn trộm là ai thì quan xã dời mả đi nơi khác; không trình quan xã mà dời mả chôn trộm thì bị phạt đánh 60 trượng”.
Sách Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức, là cuốn sách quy định về thể thức làm đơn từ, biên bản được công bố dưới thời Hồng Đức, trong đó có thể thức lập biên bản về việc xâm lấn phần mộ như sau:
“Vào giờ…, ngày…, tháng…, năm, triều đại
Xã trưởng xã…, huyện…, phủ… là mỗ thấy có người bản xã là Nguyễn mỗ trình bày người bản xã …là Trần mỗ đã cày lấn phần mộ làm cho mộ của ông nội bị nhỏ lại. Vì vậy xã trưởng Lê mỗ đã cùng mọi người đến đó, đồng thời bắt Trần mỗ đến theo, thấy thửa ruộng (bao nhiêu sào) có phần mộ ở giữa, bốn bên bị cày lấn, mộ bị thu nhỏ. Bốn phía đông, tây, nam, bắc chỉ còn (bao nhiêu tấc). Đúng là Trần mỗ đã cày lấn phần mộ, chứ không có chuyện gì khác.
Ngày…, giờ… lập biên bản
Xã trưởng Lê mỗ ký tên”.
Ngoài các mẫu làm đơn ra, Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức còn có một số quy định khác gọi là tạp loại, trong đó có những điều liên quan đến tội xâm phạm mồ mả được quy định như sau: “Để mộ trộm vào ruộng người khác, bị đánh 80 gậy, phải dời mộ, nếu không biết ai chôn trộm vào ruộng thì phải báo với xã quan để di dời. Nếu không báo bị đánh 80 gậy, chôn trộm vào ruộng người khác bị biếm 3 tư, không phải là người làm quan thì bị xử đồ làm khao đinh, truy thu 30 quan tiền”; “Cày lấn vào mộ phần, bị đánh 80 gậy, xử tội đồ, phải nộp tiền tạ 30 quan. Nếu cày, phá cũng xử như vậy”; “Chặt cây cối xung quanh mộ, bị phạt 10 quan tiền tạ lễ”; “Phần ruộng của mình đã bán rồi, trong ruộng có phần mộ đã được giới hạn phần đất 4 hướng xung quanh mộ là 18 bước. Nếu người mua lại cố ý hoặc lấn đất, hoặc phá thì phạt 33 quan tiền tạ lễ. Còn nếu mua lại, không nói tới phần mộ thì thế nào gọi là phá hoại, như vậy cũng khó, thậm chí còn nói khống sẽ bị trị, cũng bị định tội như tội lấn mộ”.
Dẫn giải tù nhân (tranh màu). |
Nếu hành vi xâm phạm là chủ ý vì mục đích hám lợi thì bị khép tội rất nặng, tại điều 442 bộ luật Hồng Đức quy định: “Ai đào trộm mồ mả người khác, lấy đồ vật, gạch ván thì xử lưu đi châu xa. Nếu đã cạy nắp quan tài thì xử chém, làm hư hay lấy trộm thi thể thì xử nặng tội thêm một bậc. Phải nộp tiền tạ tội như tội đánh người có quan tước”. Trường hợp phạm tội do vô ý thì mức xử phạt nhẹ hơn: “Đào đất gặp tử thi mà không chôn lại thì xử biếm hai tư, nếu đốt xông hang chuột, chồn ở mồ mả kẻ khác để cháy lan đến quan tài thì xử đồ, cháy tới tử thi thì đồ làm tượng phường binh. Nếu là mồ mả của bậc tôn trưởng từ hàng ti ma (người có họ với người chết, phải để tang 3 năm) trở lên thì mỗi bậc tăng một bậc tội. Con cháu đốt xông hang chuột, chồn ở mồ mả ông bà, cha mẹ; đầy tớ xông khói bắt chuột ở mồ mả của chủ thì đều xử đồ làm tượng phường binh. Làm cháy quan tài thì lưu đi châu gần, cháy tới tử thi thì lưu đi châu xa. Tất cả đều phải nộp tiền tạ lỗi và phạt tiền theo tội nặng nhẹ, nếu mộ nhà quyền quý thì xử riêng” (Điều 443).
Theo các quy định nói trên, chúng ta thấy pháp luật phong kiến đã có sự phân định rõ tính chất, mức độ, hành vi cũng như việc phạm tội do cố ý hay vô ý để tương ứng với nó là các hình thức xử phạt phù hợp, điều đó thể hiện sự tiến bộ nhất định. Có thể nói dù còn có những hạn chế, nhưng xét theo phương diện chung thì trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự được quy định trong các văn bản pháp luật ban hành dưới chế độ phong kiến, các quyền dân sự của cá nhân, chủ thể được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó được chính quyền bảo vệ khi các hành vi vi pháp pháp luật bị phát hiện hoặc họ có thể chủ động tự bảo vệ quyền của mình theo quy định bằng cách yêu cầu chính quyền có các biện pháp ngăn chặn, buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc kẻ phạm tội phải tạ lỗi, bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất cho mình và gia đình.