Triệt phá băng nhóm Trung Quốc sản xuất ma túy qua lời kể tướng Công an
8 người Trung Quốc tìm các nhà xưởng nơi vắng vẻ để đặt máy sản xuất ma túy. Khi đột kích, cảnh sát thu được gần 30 tấn tiền chất hóa học có thể chế ra một tấn ma túy đá.
Triệt xóa đường dây sản xuất ma túy do người Trung Quốc tổ chức tai Kon Tum và Bình Định, trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an), thở phào nhẹ nhõm.
Ông bảo đây là lần đầu tiên C04 cùng các đơn vị nghiệp vụ phá vụ sản xuất ma túy đặc biệt lớn, xuyên quốc gia do tội phạm người nước ngoài cầm đầu, gây án trên lãnh thổ Việt Nam.
Những vị khách bí ẩn
Trưởng ban chuyên án Phạm Văn Các chia sẻ hồi đầu năm, đơn vị nhận được thông tin một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mang theo lượng lớn trang thiết bị nghi để sản xuất ma túy.
Những người này nhập cảnh bằng visa du lịch, với vỏ bọc là chủ tập các đoàn nước ngoài đi tìm kiếm cơ hội đầu tư.
|
Trùm đường dây ma túy chứng kiến cảnh sát khám xét. Ảnh: Cục C04 cung cấp. |
Sau khi vào Việt Nam, chúng tìm các doanh nghiệp có nhà xưởng ở nơi hẻo lánh nói để sản xuất phân bón, thử nghiệm thuốc trừ sâu hoặc chế hóa chất diệt côn trùng. Có được địa điểm, nhóm cầm đầu đường dây câu kết một số người Việt gốc Hoa để vận chuyển máy móc phục vụ sản xuất hàng cấm.
Cục trưởng C04 cho hay ban đầu, toán người nước ngoài này đến TP Quy Nhơn (Bình Định) thuê xưởng rồi đặt máy móc. Thấy dễ bị lộ, họ đưa thiết bị vào TP.HCM rồi Bình Dương nhưng không vận hành máy vì thấy chưa an toàn.
Sau đó, chúng ngược miền cao nguyên thị sát khu vực thị trấn Đắk Hà (Kon Tum) và tìm được dãy nhà kho của Công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên, rộng hơn 2.000 m2.
Khu vực này ban ngày có một số cơ sở sản xuất hoạt động nhưng đêm đến vắng vẻ, không có người ở. Sau khi thuê nhà xưởng với giá cao, nhóm cầu đầu đã quây kín bằng tôn.
Giữa tháng 7, các trinh sát nhận thấy nhiều xe tải ra vào khu xưởng vào những thời gian thất thường. Một số ôtô chở thiết bị, máy móc từ TP.HCM đến rồi nhanh chóng ẩn sau những tấm tôn.
Tướng Các chia sẻ quá trình thu thập thông tin, ban chuyên án phát hiện những kẻ cầm đầu đường dây chỉ cho đồng bọn vào xưởng điều chế chất cấm. Tiếng máy móc vận hành xuất hiện vào ban đêm nhưng ngày lại im ắng.
"Người ngoài không được vào xưởng, kể cả chủ nhà và phiên dịch viên", Cục trưởng C04 nói và cho biết nhóm người Trung Quốc chỉ sản xuất ma túy vào ban đêm.
|
Trung tướng Phạm Văn Các. Ảnh: Hải Nam. |
Cuộc đột kích lúc rạng sáng
Kiên trì theo dõi và thu thập chứng cứ, ban chuyên án cùng công an 10 tỉnh, TP và Bộ tư lệnh CSCĐ quyết định phá án sau 8 tháng đấu tranh. Rạng sáng 6/8, gần 100 cảnh sát thuộc nhiều lực lượng đột kích nhà xưởng ở thị trấn Đắk Hà, bắt giữ 8 người Trung Quốc đang sản xuất trái phép ma túy.
Trong đó, 2 kẻ cầm đầu đường dây gồm Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng (cùng 56 tuổi) bị khống chế. Riêng Lực có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy nhưng được mãn hạn tù. Còn Hoàng có trình độ, kinh nghiệm trong việc sản xuất hàng trắng.
Cục trưởng C04 cho hay sau cuộc đột kích, cơ quan chức năng thu 140 lít dung dịch ma túy đá dạng sệt, hơn 13 tấn tiền chất và 20 tấn máy móc, thiết bị. "Với lượng hóa chất và tiền chất này, các đối tượng sẽ cho ra khoảng 1 tấn ma túy tổng hợp dạng đá", tướng Các nhấn mạnh.
Quá trình điều tra mở rộng, ban chuyên án xác định một lượng lớn tiền chất để sản xuất ma túy được Lực và đồng bọn tuồn vào từ Trung Quốc. Nửa hóa chất còn lại chúng thu mua tràn lan tại Việt Nam.
Lời khai của nhóm này cho thấy sau khi sản xuất ma túy, chúng sẽ tuồn hàng cấm sang Campuchia rồi tìm cách đưa sang nước thứ 3 tiêu thụ.
“Giá trị của chuyên án là chọn đúng thời điểm khi các đối tượng đã sản xuất ra chất ma túy. Nếu phá án sớm hơn có thể các tiền chất chưa thành chất ma túy”, tướng Các cho hay.
|
Bên ngoài nhà xưởng nơi chứa 13 tấn tiền chất ma túy. Ảnh: T.N. |
Trả lời Zing.vn tại buổi cung cấp thông tin về việc vì sao tội phạm ma túy nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi trung gian để hoạt động sản xuất, mua bán và vận chuyển hàng cấm, Cục trưởng C04 đánh giá tội phạm ma túy thường có tính chất xuyên quốc gia, liên tịch.
Các băng nhóm trong nước cũng móc nối với giới tội phạm ma túy để đưa hàng cấm đi tiêu thụ nhiều nơi. Do đó, việc đấu tranh với tội phạm ma túy người nước ngoài gây án trên lãnh thổ Việt Nam phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng như biên phòng, hải quan.
Ông cũng nhấn mạnh đây là chuyên án đầu tiên C04, Bộ Công an phối hợp cảnh sát nước ngoài triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia.
"Đường dây sản xuất ma túy này được đánh giá lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay, thu được hết dây chuyền máy móc và bắt toàn bộ kẻ chủ mưu gây án", trung tướng Phạm Văn Các chia sẻ.