Kết thúc năm 2020, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận một năm khả quan dù chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản bị ảnh hưởng.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố lợi nhuận sau thuế tương đương năm ngoái với 18.447 tỷ đồng, tín dụng vẫn tăng trưởng tới 14%, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,6%, còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục 380%.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 45% lên mức 13.679 tỷ đồng nhờ tín dụng và các hoạt động ngoài lãi đều tăng trưởng tốt. Cụ thể, tín dụng hợp nhất của VietinBank tăng 7,7% so với 2019, huy động tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng khoảng 130%.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) dù chưa công bố con số cụ thể song nhà băng này cho biết các chỉ tiêu chính trong năm 2020 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng tài sản đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,47 triệu tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại suy giảm lợi nhuận khoảng 15% so với năm 2019 khi hợp nhất chỉ đạt 7.137 tỷ đồng dù vượt kế hoạch đề ra. Theo BIDV, do ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo định hướng, chỉ đạo của NHNN. Còn tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2019.
Ngoài ra, các ngân hàng khác cũng cho thấy những tín hiệu lợi nhuận năm 2020 khả quan như Techcombank, ACB, HDBank, TPBank…
Đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng đã có một năm 2020 tăng trong hứng khởi mà nhiều năm trước đây là nhóm cổ phiếu này khiến nhà đầu tư "khóc ròng". Đơn cử như cổ phiếu SHB tăng tới hơn 200%, hay VIB tăng 122%, KLB tăng 114%, LPB tăng 97%...
Nhìn chung, trong bối cảnh khó khăn, ngành ngân hàng đã đạt được những thành tựu đáng kể khi tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 mặc dù không đạt như kỳ vọng đặt ra đầu năm là 14% nhưng đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Còn nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó việc thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng thực hiện đạt kết quả tích cực. Mặc dù đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 2,07% nhưng vẫn kiểm soát dưới 3%. Nếu tính tất cả các khoản nợ xấu bao gồm nợ bán cho VAMC chưa xử lý hết, các khoản nợ nguy cơ qua đánh giá phân tích có thể tỷ lệ nợ xấu khoảng 4%, nghĩa là vẫn được kiểm soát dưới 5%.
Ảnh minh hoạ |
Tín dụng sẽ phục hồi mức tăng 13-14% năm 2021?
Định hướng năm 2021 của NHNN đặt ra là tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng khi cần thiết phải kiểm soát tín dụng để đảm bảo tỷ lệ lạm phát hài hoà chung.
Trong khi đó, theo dự báo của hầu hết các công ty chứng khoán, tăng trưởng tín dụng năm 2021 có chiều hướng khả quan hơn con số mà NHNN đưa ra, đạt mức 13-14%.
Đơn cử như Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường tín dụng sẽ phục hồi theo các hoạt động kinh tế, đạt mức 11,4-14,7% trong kịch bản cơ sở. Tương ứng, huy động khách hàng dự kiến tăng trưởng 9,2-12,3%. NIM sẽ mở rộng trở lại sau một năm hầu như đi ngang, dẫn dắt bởi sự phục hồi của nhóm ngân hàng quốc doanh. Chi phí dự phòng dự kiến sẽ duy trì mức cao nhằm hỗ trợ đợt “hạ cánh mềm” của nợ xấu.
Khả quan hơn, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13-14%. SSI cho rằng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy mở rộng bảng cân đối kế toán và ổn định chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2021. Theo kịch bản cơ sở của SSI, nợ xấu nội bảng sẽ không đổi so với năm 2020, nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm 39 điểm cơ bản xuống 0,17% do BIDV, VietinBank, HDBank, LienVietPostBank và MSB đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến thuận lợi hơn trong năm 2021 nhờ cầu tín dụng phục hồi sau đại dịch cùng với việc các ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc cho vay khi các điều kiện vĩ mô được cải thiện giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu.
KBSV cho rằng, NHNN sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát dự báo không có biến động bất thường, kéo theo NIM của các ngân hàng được giữ ở mức cao, nhóm ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện thuận lợi để gia tăng thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó là thu nhập về phí, dịch vụ được hỗ trợ bởi mảng bancassurance, tiếp tục xu hướng tăng trưởng.
Với nợ xấu, mặc dù khi thông tư 01/2020 hết hiệu lực có thể làm gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng của các ngân hàng, nhưng theo KBSV với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, những tác động này sẽ không quá lớn và các ngân hàng sẽ có sự chủ động trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng.
Cùng quan điểm NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, theo Chứng khoán VNDirect (VND), mặc dù NHNN có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, và cũng sẽ không nâng lãi suất lên trong năm 2021. Thay vào đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.
Còn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, năm 2021, định hướng của NHNN đối với các NHTM sẽ tiếp tục tập trung vào chất lượng thay vì tăng dư nợ. Bởi vậy tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ thấp hơn năm 2016-2017, nhưng gần tương đương năm 2018-2019. Theo đó, tín dụng sẽ tập trung phần lớn vào các tổ chức tín dụng có chất lượng tài sản tốt, và tín dụng sẽ kém khả quan đối với các ngân hàng chưa xử lý xong nợ tồn đọng.
Về lãi suất huy động, VCBS dự báo lãi suất huy động giảm 50 điểm so với cuối năm 2020 và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Còn lãi suất cho vay có thể giảm 30-50 điểm do độ trễ giữa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ mất ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn khi các ngân hàng ưu tiên chất lượng tín dụng.
Nhìn chung, dù hiện vẫn còn nhiều khó khăn khó đoán trong năm 2021, song tình hình đã khả quan hơn khi mà có nhiều thông tin tích cực về tình hình dịch bệnh và sự phục hồi của nền kinh tế, bên cạnh một nền lãi suất thấp. Đặc biệt, nhóm ngân hàng quốc doanh đã có một năm 2020 chuẩn bị bộ đệm dự phòng thay vì tăng trưởng bất chấp, hay một số ngân hàng tư nhân lớn cho thấy khả năng chống chịu trong kịch bản xấu. Đó sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để ngành ngân hàng đối phó với các rủi ro của nền kinh tế, duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới”.