Trào lưu này nối tiếp trào lưu kia, không ít trong số đó biến tướng thành những trò đùa vô ý thức, thiếu văn hóa, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Trào lưu gây tranh cãi
Giới trẻ từng rầm rộ theo trào lưu Falling Stars được chia sẻ trên mạng xã hội (chụp hình tạo dáng “ngã sấp mặt”). Nội dung của các bức ảnh là nhân vật tạo dáng ở tư thế ngã sấp mặt bên những món đồ xa xỉ như siêu xe, tiền, trang sức, mỹ phẩm cao cấp, túi xách hàng hiệu… rồi tung lên mạng.
Dù phản cảm và bị lên án nhưng trào lưu Kiss Cam vẫn được nhiều bạn trẻ thực hiện. Ảnh: ITN. |
Rất nhanh chóng, giới trẻ Việt cũng đua nhau đăng hình ảnh mình đang “ngã sấp mặt” cùng với những “đạo cụ” hàng hiệu vây xung quanh để “khoe của”. Không chỉ các bạn trẻ, nhiều sao Việt cũng tỏ ra hào hứng với trào lưu này, thậm chí biến tấu theo kiểu “ngã mọi lúc mọi nơi” hay mải tạo dáng mà không chú ý đến sự hớ hênh.
Đây chỉ là một trong hàng trăm trào lưu du nhập vào nước ta thời gian gần đây. Giới trẻ tiếp cận chúng một cách hào hứng mà không cần suy xét. Một số trào lưu chỉ mang tính chất “vui là chính” như “vòng tay chạm rốn”, “vừa ăn chanh vừa hát”, “dội nước đá lên đầu”, “Be like me”… nhưng một số khác lại vô bổ.
Trước đây, có một trào lưu mang tên “Tạo sự kiện nhảm nhí trên Facebook” đã thu hút được hàng ngàn thanh niên tham dự. Rầm rộ nhất là sự kiện “Cầm chảo chạy quanh phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội)” thu hút 14.000 người quan tâm và 2.500 người đăng ký tham dự.
Nó dường như “châm ngòi” cho hàng trăm sự kiện tương tự xuất hiện trên Facebook Việt Nam với những cái tên “khó đỡ” như “Chạy kiểu Naruto”, “La hét như Songoku”, “Đánh nhau như Chaien”, “Móc túi như Doremon” hay “Ký tên vào sổ Deathnote quanh Bờ Hồ”…
Các trào lưu dường như đang đi quá xa khi ảnh hưởng đến tính mạng của các bạn trẻ và gây phẫn nộ trong cộng đồng. Kiss Cam, trào lưu phổ biến của giới trẻ trên thế giới được lấy cảm hứng từ clip First Kiss ra đời năm 2014 của đạo diễn Tatia Plleva.
Tuy nhiên, khi sang đến Việt Nam, Kiss Cam đã đi chệch hướng so với ý nghĩa nhân văn ban đầu của nó khi các bạn trẻ cả nam và nữ, đã hào hứng thực hiện hành động hôn trộm những người khác giới không quen biết ở công viên, trên đường phố… trong đó có cả những đôi đang ngồi tâm sự hay chụp ảnh cưới chỉ để ghi hình lại chia sẻ trên YouTube, Facebook.
Thiếu sân chơi lành mạnh
Cầm chảo chạy quanh bờ hồ Hoàn Kiếm là một trong những trào lưu nhảm nhí của giới trẻ. Ảnh: ITN. |
Không quá lời khi gọi đây là trào lưu nhảm nhí bởi thay vì tìm đến các trò chơi để giải trí, thư giãn, giải tỏa sau giờ học tập, làm việc căng thẳng, người chơi lại mang sức khỏe và tính mạng của bản thân ra để đùa bỡn.
Thách thức dội nước đá lên đầu, cầm chảo chạy quanh phố đi bộ không phạm pháp, không gây nguy hiểm cho ai, nhưng hôn người lạ có thể bị xem là hành vi sàm sỡ, trèo lên tầng cao để selfie là một hành động cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng: “Thanh thiếu niên không thể phát triển và hình thành nhân cách của bản thân nếu không được tham gia các hoạt động xã hội nhưng trên thực tế dường như các em đang quá thiếu sân chơi cho lứa tuổi mình.
Không những ở bậc phổ thông mà cả đại học, những sân chơi thu hút học sinh, sinh viên rất hiếm do hình thức tổ chức nghèo nàn, không hấp dẫn.
Trong khi đó, giới trẻ hiện nay dễ rơi vào trạng thái cô đơn do không thể chia sẻ với người thân. Vì thế, những sự kiện ảo, những người bạn ảo trên mạng có sức thu hút dữ dội với họ”.
Cùng quan điểm, ThS Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight (Hà nội), cho rằng: “Từ đặc điểm lứa tuổi thích khẳng định mình nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sống, nếu không nhận được sự quan tâm, động viên của gia đình và bạn bè, giới trẻ sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti và dễ dàng tìm đến thế giới ảo để nương náu, giải tỏa. Chính từ đây, một số người đã bị dẫn dụ hoặc tự tìm đến các trào lưu tiêu cực trên mạng xã hội”.
Chia sẻ quan điểm về các trào lưu nhảm nhí mà một bộ phận người trẻ tham gia, Nguyễn Thị Mỹ Linh - sinh viên Học viện Ngoại giao bày tỏ: “Việc giới trẻ hiện nay thiếu sân chơi là một trong những hệ quả tiêu cực của công nghiệp hoá - hiện đại hoá dẫn tới thiếu không gian, thời gian cho mọi người gắn kết và tham gia các hoạt động cùng nhau.
Chọn “chơi gì, xem gì” phụ thuộc sở thích của mỗi bạn. Điều quan trọng, giới trẻ cần được giáo dục định hướng về lợi, hại và chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Các bạn có thể hoàn toàn tự tạo ra những sân chơi theo sở thích mà vẫn đảm bảo bổ ích và an toàn”.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường công tác cảnh báo trong cộng đồng để mỗi cá nhân nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia mạng xã hội, gia đình và nhà trường cần quan tâm con cái nhiều hơn để giới trẻ không gặp phải những tác động tiêu cực từ thế giới ảo.
Quan trọng hơn, ít nhất để chúng không bị bỏ bê đến mức phải cầm chảo chạy quanh hồ hay leo lên tầng thứ 38 selfie chỉ để khẳng định mình.