Ứng dụng chỉ ra các vị trí đặt camera, chốt CSGT. |
Ngày 7/11, trao đổi với Đất Việt về ứng dụng này, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, pháp luật chưa quy định lực lượng CSGT phải công khai hoạt động tuần tra, kiểm soát.
Tuy nhiên, cũng không có quy định nào cấm người dân chia sẻ thông tin về hoạt động của lực lượng chức năng.
Nhìn nhận về ứng dụng Xe360, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, việc cung cấp thông tin chốt CSGT, camera phạt nguội chỉ là một tính năng rất nhỏ trong ứng dụng. Phần còn lại, người dùng có thể cập nhật thông tin về tình hình giao thông (tắc đường, tai nạn giao thông, ngập lụt trên các tuyến đường).
"Tôi cho rằng ứng dụng Xe360 cũng có những điểm hữu ích, hãy để người dùng quyết định sự tồn tại của một ứng dụng. Điều mà cơ quan quản lý cần quan tâm đó chính là việc ứng dụng này có hoạt động như mạng xã hội hay không? Tức là ứng dụng này có được cấp phép một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không?
Nếu ứng dụng đó đưa thông tin sai, hoặc xúc phạm danh dự cá nhân, cơ quan tổ chức, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước thì đã có các quy định về hành chính cũng như hình sự để xử lý", Luật sư Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.
Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, càng công khai hoạt động của lực lượng CSGT thì người dân sẽ càng chủ động chấp hành luật an toàn giao thông. Nó đánh vào ý thức của người dân tốt hơn so với việc họ luôn phải tìm cách đối phó khi gặp CSGT.
"Thực tế, nhiều khi người dân cảm giác như mình đang bị "bẫy" khi tham gia giao thông chứ không phải họ không tuân thủ luật giao thông. Lực lượng thực thi nhiệm vụ nên công khai hoạt động để người dân chủ động tuân thủ luật khi tham gia giao thông, và sẵn sàng chịu hình phạt nếu không tuân thủ.
Tôi cho rằng, xử phạt (bao gồm cả hành chính lẫn hình sự) chỉ là biện pháp cuối cùng. Chúng ta nên tuyên truyền, giải thích, phổ biến quy định của pháp luật, tạo cho người dân thói quen tuân thủ pháp luật. Khi người dân tự nguyện chấp hành rồi thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn rất nhiều", Luật sư Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng ngày, chia sẻ với phóng viên, một cán bộ CSGT ở Hà Nội (xin giấu tên) cho biết, mục đích của việc tuần tra, kiểm soát của các đơn vị CSGT là nhằm đảm bảo hoạt động giao thông diễn ra thông suốt, bảo vệ an toàn, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.
"Bên cạnh những người luôn tuân thủ luật an toàn giao thông khi tham gia giao thông còn có một số người chấp hành pháp luật một cách đối phó. Một ví dụ đơn giản nhất đó chính là việc đội mũ bảo hiểm.
Một số người coi mũ bảo hiểm như một vật xấu xí, kiên quyết không đội mũ, hoặc có đội cũng chỉ là qua mặt lực lượng chức năng. Trong khi mũ bảo hiểm là vật bảo vệ an toàn cho chính họ khi tham gia giao thông.
Biết bao nhiêu tai nạn thương tâm chỉ vì người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm rởm.
Nếu ứng dụng cho phép người vi phạm đối phó, né tránh việc bị xử phạt sẽ khiến công tác xử lý vi phạm, tuyên truyền phổ biến luật an toàn giao thông trở nên khó khăn hơn", vị cán bộ chia sẻ.
Tuy nhiên, họ cho rằng, đó chỉ là một tính năng rất nhỏ trong ứng dụng với mong muốn giúp người tham gia giao thông nắm được "chủ trương minh bạch hoá, công khai hoá lịch trình làm việc của lực lượng CSGT".
Trong khi đó, đại diện Cục CSGT cho rằng, nhóm phát triển ứng dụng đang hiểu sai về việc minh bạch trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
"Cục CSGT có chủ trương minh bạch hóa, công khai hóa kế hoạch làm việc; tuy nhiên, chúng tôi chỉ công khai về các tuyến đường có lực lượng quản lý. Còn lịch trình cụ thể CSGT hôm nay ở đâu, làm gì thì thuộc về nghiệp vụ, không thể công khai", đại diện Cục CSGT khẳng định.
Quan điểm của Cục CSGT là khuyến khích phát triển các tính năng thông báo địa điểm ùn tắc, ngập lụt hoặc tai nạn giao thông để giúp người dân di chuyển tốt hơn, nhưng nếu có tính năng cho phép người vi phạm đối phó, né tránh việc bị xử phạt thì Cục CSGT không khuyến khích.