Thành viên trên các diễn đàn trao đổi tin tức, thời sự đang lan truyền một tờ thông báo về việc phát ngôn liên quan đến việc chặt 6700 cây xanh ở Hà Nội. Văn bản có dấu và chữ ký của hiệu trưởng Trần Văn Chứ, được đăng tải đầu tiên trên Cổng thông tin điện tử của Đại học Lâm nghiệp.
Nội dung của tờ thông báo đề cập đến việc kỷ luật các giảng viên trường Đại học Lâm nghiệp đã có phát ngôn trong vụ Hà Nội chặt 6700 cây xanh gây xôn xao dư luận gần đây. Đề nghị kỷ luật các cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn được cơ quan Công an thành phố Hà Nội (Phòng PA83) gửi về Đại học Lâm nghiệp và yêu cầu thực hiện.
Dư luận quanh việc Hà Nội chặt 6700 cây xanh đến nay vẫn chưa giảm nhiệt. |
Vụ chặt 6700 cây xanh ở Hà Nội gần đây vẫn chưa giảm nhiệt. Các cá nhân liên quan trực tiếp, gián tiếp và người dân... vẫn liên tục nêu quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề này. Phát ngôn, quan điểm của một số nhà khoa học, các vị chức sắc được công khai trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì vậy, đọc nội dung tờ thông báo yêu cầu kỷ luật các giảng viên, cán bộ viên chức Đại học Lâm nghiệp có phát ngôn trong vụ chặt cây, cư dân mạng không khỏi băn khoăn và phát sinh tranh luận, nêu các quan điểm đa chiều về vấn đề này.
Thông báo kỷ luật giảng viên Đại học Lâm nghiệp phát ngôn vụ chặt cây xanh gây tranh cãi trên mạng xã hội. |
Trên diễn đàn Vitalk, bài đăng thông báo của Đại học Lâm nghiệp đang thu hút rất nhiều bình luận. Dư luận trong vấn đề này hiện đang chia thành hai phe phổ biến. Phe đồng tình với yêu cầu kỷ luật những người có phát ngôn trong vụ chặt cây chiếm thiểu số. Chiếm đa số là phe phản đối việc kỷ luật, cho rằng như vậy là không hợp lý và để lộ ra nhiều vấn đề.
Nội dung văn bản có chữ ký của Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp và con dấu của trường đăng tải trên Cổng thông tin điện tử trường Đại học Lâm nghiệp. |
Với những người không tán thành lệnh kỷ luật, quyền tự do ngôn luận là vấn đề mà họ rất quan tâm. Thành viên Phương Lê nêu: "Tự do ngôn luận mà. Đứng ở góc độ người dân có ý kiến, đứng ở góc độ chuyên gia có ý kiến. Đâu phải đại diện cho trường đâu mà phải được phép. Mà phát ngôn đó có vi phạm pháp luật, có trái với chuyên môn hay không?".
Do không ít giảng viên, cán bộ công nhân viên Đại học Lâm nghiệp là chuyên gia, nhà khoa học nên việc họ bị kỷ luật vì đưa ra ý kiến trên góc độ chuyên môn và gốc độ người dân khiến rất nhiều người không phục.
Dư luận nhiều người tỏ ra không phục trước lệnh kỷ luật này. |
Thành viên Hồ Việt Cường bình luận trên diễn đàn Vitalk: "Dẫu biết trường có quy chế phát ngôn riêng nhưng tôi nghĩ các cá nhân này chỉ phát ngôn trên góc độ của người dân, của một chuyên gia mà thôi, họ không đại diện cho trường để nêu tiếng nói. Phải chăng những người dám nói và nói đúng đều bị bịt miệng như vậy?".
Có cùng quan điểm trên, thành viên Đỗ Văn Tiến bình luận: "Họ nói theo hiểu biết cá nhân và tự chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình, ông hiệu trưởng này sao lại ra văn bản kiểu bịt miệng thế?".
Không ít người bảo vệ việc nêu ra ý kiến đúng với chuyên môn của các giảng viên, các nhà khoa học. |
Thành viên Lục Phạm Minh Tuấn phân tích kỹ hơn về việc sử dụng chức danh trong cơ quan để đưa ra các phát ngôn có tác động tới dư luận: "Không ai cấm mình phát ngôn nhưng sử dụng chức danh nơi mình công tác là không đúng pháp luật. Cứ phản biện ý kiến theo tinh thần công dân thì có ai cấm đâu, nhưng phát ngôn với chức danh nơi mình công tác sẽ làm ảnh hưởng đến cơ quan đó. Người phát ngôn cơ quan đó chỉ có thể là thủ trưởng hoặc người được ủy quyền phát ngôn thôi. Phát ngôn bậy bạ bị phạt là đúng với pháp luật chứ không có sai".
Hiện tại, những ý kiến về văn bản này vẫn tiếp tục được cập nhật trên các diễn đàn bởi cái nhìn đa chiều, các phân tích kỹ càng, sâu sắc về việc phát ngôn.