Trong khánh chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) nổi tiếng vì có đội du kích tinh nhuệ, khôn khéo và linh hoạt; sử dụng vũ khí thô sơ, tự tạo (ná, tên độc) chống càn bảo vệ làng xã hiệu quả. Điển hình là trong trận đánh ngày 17/3/1959, chỉ với 12 du kích, trong đó có 2 nữ, nhưng đã đẩy lùi 4 đợt tiến công của một đại đội bảo an (VNCH) với nhiều vũ khí và trang bị hiện đại.
Từ 7h ngày 17/3/1959, đại đội bảo an bắt đầu cuộc hành quân càn vào hai làng Tà Lók và Tà Lék. Đến 9h30 phút, địch tiến đến cách tổ cảnh giới của ta khoảng 50m. Du kích cử một tổ dùng loa tay kêu gọi binh lính địch dừng lại, không tiến vào làng mà chết uổng mạng, sau đó lui về cùng tổ 2 sẵn sàng đánh địch.
Du kích Tây Nguyên đặt chông chống giặc càn vào làng. |
10h, địch đến gộp Nước Ló, thì bị du kích của ta từ các vị trí ẩn nấp bắn tên tẩm thuốc độc vào đội hình. Hai tên chết tại chỗ (trong đó có một trung úy chỉ huy đại đội). Thấy thế, địch hốt hoảng chạy tạt sang hai bên, nhưng lại trúng vào bãi chông, bẫy đá của du kích làm 7 tên nữa bị thương. Ngay sau đó, chúng thu nhặt tàn quân và hò nhau lui về phía sau củng cố đội hình, tiếp tục tiến công nhằm xóa sổ du kích trong làng. Khi đến gộp Nước Ló, chúng bắn mạnh về phía trước và hai bên để dọn chỗ xung phong. Đợi khi địch đến gần, du kích đáp trả bằng những mũi tên từ các phía, làm một số địch bị chết và khiến 6 tên khác bị thương. Thấy không thể dễ dàng đánh bại được du kích, địch buộc phải lùi lại phía sau để củng cố lực lượng.
Đến 15h cùng ngày, địch lại liều mạng tổ chức một đợt xung phong nữa vào làng hòng đè bẹp du kích, trả thù cho những tên hy sinh, bị thương. Nhưng khi hành quân đến ngã ba suối, lại bị du kích dùng tên độc bắn bị thương thêm 5 tên nữa.
Quân địch bực bội, hung hăng, tức tối vì đã không làm gì được lực lượng du kích của làng, mà lại còn bị đánh cho tan tác, khiến một số tên chết và bị thương. Đến 16h cùng ngày, địch quyết định tổ chức đợt tấn công thứ tư với cường độ mãnh liệt hơn trước, hòng đè bẹp lực lượng du kích bảo vệ làng Tà Lók. Nhưng chúng không ngờ, chỉ khi vượt qua địa điểm bị phục kích của ba lần tiến công trước đó khoảng chục mét lại bị du kích dùng cung tên, nỏ tiêu diệt thêm 2 tên và làm 5 tên khác bị thương. Thấy không thể đè bẹp lực lượng du kích để vào làng, địch cho lui quân về phía quận Vĩnh Thạnh và gọi máy bay đến ném bom, oanh tạc, đánh phá làng Lòk.
Qua một ngày chiến đấu, du kích diệt 6 tên, làm 23 tên bị thương; thu một súng trường, một bản đồ và một số đồ dùng quân sự.
Trận đánh một đại đội bảo an càn vào thôn Tà Lòk ngày 17/3/1959 của 12 du kích là một trận đánh điển hình về tinh thần dũng cảm, sự khôn khéo trong lợi dụng địa hình có lợi, bố trí, đón sẵn ý đồ tấn công của địch để đánh lại địch. Như vậy, chỉ với vũ khí thô sơ, tự tạo, 12 du kích đã làm cho ý định của đại đội bảo an thất bại.
Chiến thắng này là một trong những trận đánh điển hình trước khi có Nghị quyết số 15 của Đảng, nghị quyết xác định muốn giành thắng lợi ở miền Nam, thống nhất đất nước thì phải sử dụng bạo lực cách mạng. Trong đó, việc cung cấp trang bị vũ khí phương tiện kỹ thuật cho lực lượng du kích và vũ trang địa phương là hết sức cần thiết, là cơ sở đảm bảo cho chiến thắng về sau.