Hiện nay, nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hết sức phấn khởi bởi giá đang tăng cao nhất từ trước đến nay, mang lại nguồn thu nhập cao từ vườn cây sầu riêng đặc sản.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, trong những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mongthong dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, còn sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 130.000 - 145.000 đồng/kg, tùy theo loại.
Như vậy giá sầu riêng tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2024 và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay của trái sầu riêng.
Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng không dưới 1,5 tỷ đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Ba, cư ngụ tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông vừa bán cho thương lái khoảng 04 tấn sầu riêng giống Mongthong với giá bình quân gần 180.000 đồng/kg, thu 720 triệu đồng.
Các "vườn cây tiền tỷ", vườn trồng sầu riêng ở Tiền Giang đang mang lại cho nông dân khoản tiền lời lớn trong bối cảnh giá sầu riêng tăng cao chưa từng thấy. Giá sầu riêng Mongthong tăng vọt lên từ 220.000-230.000 đồng/kg. |
Xã Mỹ Lợi B hiện là một trong những vùng trồng sầu riêng quan trọng ở huyện Cái Bè. Toàn xã có trên 600 ha sầu riêng, mỗi năm đạt sản lượng trên 12.000 tấn trái.
Theo lãnh đạo xã, nhờ quan tâm chuyển dịch từ trồng lúa độc canh sang lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, xã Mỹ Lợi B đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024.
Ông Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, giá sầu riêng thời gian qua tăng mạnh nhờ được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Hơn nữa, thời điểm này đang cao điểm vào mùa nắng nóng, sản lượng chưa nhiều, nguồn cung ít nhưng nhu cầu lớn cũng là một trong những nguyên nhân giúp từ sau Tết
Nguyên đán đến nay, giá sầu riêng liên tục tăng cao mang lại niềm vui chung cho nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng.
Tại tỉnh Tiền Giang, nông dân trồng sầu riêng thường áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ nhằm cho thu hoạch trái hai đợt chính.
Đó là một đợt trái vào khoảng cuối năm âm lịch năm trước và một đợt trái tiếp theo vào tháng 3, tháng 4 âm lịch năm sau.
Do được xử lý ra trái rải vụ nên vào thời điểm thu hoạch, trái sầu riêng bán có giá, bà con nông dân trồng sầu riêng thu lợi nhuận cao.
Năm nay, do hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên nông dân được khuyến cáo chú trọng tập trung chăm sóc phục hồi, ứng phó thiên tai. Do đó, sản lượng sầu riêng hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, toàn tỉnh hiện có trên 21.790 ha sầu riêng chuyên canh, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây (huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và thị xã Cai Lậy)…, với sản lượng mỗi năm khoảng 400.000 tấn trái.
Trong nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, nâng cao thu nhập cho bà con và đổi mới nông nghiệp - nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành chức năng khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác; đặc biệt là quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng.
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 155 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 7.000 ha.
Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích cây ăn trái đặc sản được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, thu hút ngoại tệ để tiếp tục đầu tư phát triển.
Ngoài ra, tỉnh quan tâm hơn nữa việc nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình xuất khẩu, nhất là những diễn biến nóng tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, góp phần giải quyết đầu ra cho trái cây nói chung, trong đó có trái sầu riêng đặc sản Tiền Giang nói riêng.
Qua đó, giúp nông dân vùng chuyên canh an tâm tổ chức sản xuất, thâm canh cho ra nông sản hàng hóa chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là vào thời điểm tháng 4, tháng 5 sắp tới, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng Tiền Giang sẽ bắt đầu vào một đợt thu hoạch mới với kỳ vọng sẽ trúng mùa, bội thu.