Thông tin này vừa được tờ báo Nga Sputnik dẫn nguồn tin từ một cổng thông tin quân sự của nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 2/6.
Theo nguồn tin trên, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển chiến đấu cơ VTOL (vertical take-off and landing - cất hạ cánh thẳng đứng). Nghĩa là các loại máy bay này có khả năng cất hạ cánh như trực thăng dù chúng là máy bay chiến đấu phản lực. Đây rất có thể là một quyết định chiến lược quan trọng ẩn chứa đằng sau kế hoạch phát triển máy bay này của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, một tổ chức phi chính phủ tại Moscow cho rằng loại máy bay VTOL đang được Trung Quốc phát triển sẽ chủ yếu dùng cho hoạt động chiến đấu trên biển.
Về mặt lý thuyết, các máy bay VTOL có thể triển khai ở những vùng núi, địa hình khó khăn như ở các hòn đảo mà không cần có sân bay. |
Về mặt lý thuyết, máy bay chiến đấu có thể được sử dụng ngay cả ở những vùng không có sân bay, bao gồm cả những vùng có địa hình đồi núi và hiểm trở. Trước đây, Liên Xô đã thử sử dụng các sàn xe kéo để cho phép máy bay VTOL Yakovlev Yak-38 hoạt động được ở Afghanistan vào những năm 1980.
Tuy nhiên, trong các vùng núi các máy bay phản lực như vậy hoạt động không hiệu quả. Bởi việc cất cánh của một máy bay tấn công cỡ lớn trên sàn xe kéo gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã thường xuyên sử dụng các tiêm kích AV-8B Harrier II ở Afghanistan. Nhưng loại máy bay này cũng chỉ được sử dụng ở các căn cứ không quân bình thường, và không sử dụng các chức năng VTOL. Tính toán về mặt lý thuyết, chỉ khi các đường băng bị kẻ địch phá hủy thì chức năng VTOL của tiêm kích mới được sử dụng. Tuy nhiên, khả năng này của AV-8B có hạn chế hơn so với các chiến đấu cơ loại VTOL khác.
Qua phân tích thực trạng các máy bay VTOL như trên, nguồn tin của Trung Quốc cho rằng, mặc dù là như vậy nhưng không có nghĩa là Trung Quốc không thể sử dụng loại máy bay VTOL ở những vùng núi như Himalayas hoặc ở vùng Trung Á với điều kiện cơ sở hàng tầng kém, đặc biệt hơn là việc triển khai nó ở vùng biển với các hòn đảo nổi.
Hơn nữa các máy bay chiến đấu kiểu VTOL cùng các tàu sân bay hạng nhẹ cũng sẽ rẻ hơn so với một hạm đội tàu sân bay thực sự. Cho đến nay mới chỉ có Mỹ là sử dụng các máy bay VTOL tác chiến cùng với các máy bay thông thường vì những lý do chính trị và duy trì sức mạnh của Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Nhưng đối với Trung Quốc, lực lượng thủy quân lực chiến không phải là là đơn vị độc lập và có ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa rằng, một khi các chiến đấu cơ VTOL được phát triển sẽ là yếu tố quan trọng của toàn bộ hải quân Trung Quốc.
Đáng chú ý, nguồn tin này cho rằng, các máy bay VTOL quan trọng với hải quân Trung Quốc bởi nó có thể được sử dụng dễ dàng trên các đảo chìm chiếm giữ trái phép ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang muốn biến các hòn đảo này thành “các tàu sân bay không thể đánh chìm”.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng có thể đang lên kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu đổ bộ (dựa theo thiết kế tàu tấn công đổ bộ lớp Type 081), để hình thành nên một hạm đội tàu sân bay trong tương lai.