Bệnh nhân Đ.T.T với khối u khổng lồ trước phẫu thuật. (Ảnh:TTXVN/phát) |
Đây là bệnh nhân có khối u khổng lồ trong ổ bụng lớn nhất Việt Nam và là một trong năm khối u ổ bụng lớn nhất thế giới từng được ghi nhận đến thời điểm hiện tại.
Cách đây bốn năm, người bệnh Đ.T.T (sinh năm 1979, ngụ tỉnh An Giang) phát hiện mình bị u nang buồng trứng. Từ đó đến nay, chị đã đi thăm khám tại các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa An Giang, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại các bệnh viện này, các bác sỹ đã “bó tay” với tình trạng bệnh của chị.
“Đã có lần tôi được đưa lên bàn mổ, tuy nhiên sau khi gây mê tôi lại bị trụy tim mạch, suy tuần hoàn nên các bác sỹ không dám thực hiện phẫu thuật và lại trả tôi về nhà,” chị Đ.T.T kể lại.
Cũng từ đó, chị Đ.T.T phải sống chung với khối u ngày một lớn dần trong bụng. Đến thời điểm được phẫu thuật đã to gấp 3 lần bụng của một phụ nữ mang thai và cân nặng lên đến 115kg.
Cuối tháng 4/2018, chị T. cảm thấy bụng đau, khó thở và được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc (An Giang) lên Bệnh viện Đại học Y dược để điều trị.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa và cân nhắc kỹ lưỡng những phương án điều trị, các bác sỹ quyết định thực hiện phẫu thuật bóc tách khối u cho bệnh nhân bởi nếu để chậm trễ thì rất nguy hiểm do khối u chèn ép khiến bệnh nhân không thể thở được.
48l dịch và 3,1kg vỏ bao của khối u được các bác sỹ lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân Đ.T.T. (Ảnh:TTXVN/phát) |
Ngày 8/5, bệnh nhân Đ.T.T được đưa lên bàn mổ. Tiến sỹ-bác sỹ Phan Tôn Ngọc Vũ - Trưởng khoa Gây mê hồi sức - cho biết do người bệnh từng có tiền sử trụy tim mạch, ngưng tuần hoàn khi được gây mê ở lần mổ trước nên các bác sỹ rất cẩn thận đánh giá toàn diện những yếu tố nguy cơ có thể xảy ra với người bệnh khi gây mê trong lần phẫu thuật này.
Với trang thiết bị hiện đại và sự hỗ trợ liên chuyên khoa sâu, các bác sỹ đã gây mê thành công. Tuy nhiên sau khi khối u được lấy ra thì bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu rối loạn, ngưng tim, phù phổi. Bằng kỹ thuật nghiệp vụ, các bác sỹ đã đưa bệnh nhân trở về trạng thái ổn định.
Còn bác sỹ Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản, người trực tiếp phẫu thuật chia sẻ: “Khó khăn trong ca phẫu thuật này là khối u quá to, gây nên tình trạng chèn ép phổi. Vì vậy, dịch khối u phải được lấy ra từ từ từng chút để áp suất chèn ép nội tạng giảm chậm rãi. Trong quá trình phẫu thuật còn có nguy cơ bệnh nhân bị suy hô hấp hoặc áp suất chèn ép giảm đột ngột có thể dẫn đến vỡ tim, phù phổi gây rối loạn huyết động học."
Sau hơn 6 giờ ròng rã, ca phẫu thuật đã thành công, các bác sỹ đã hút 48l dịch và lấy 3kg vỏ bao của khối u ra khỏi cơ thể người bệnh an toàn với đường mổ nhỏ chỉ 10cm. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã phục hồi và chuẩn bị xuất viện. Theo các bác sỹ, rất may mắn cho chị T. bởi đây là khối u nhầy lành tính.
Chia sẻ niềm vui sau ca phẫu thuật, chị Đ.T.T cho hay chị cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhõm hơn nhiều, có thể đi lại được, không giống như trước đây đứng không được, ngồi không xong, nằm càng không ổn. Tuy nhiên, các bác sỹ cho biết, bệnh nhân sẽ còn phải trải qua một ca phẫu thuật cắt bỏ da thừa ở bụng nhằm tránh tình trạng ruột bị thoát vị do phần da thừa sau khi lấy khối u còn khá nhiều.