Liên quan đến nghi án Phó Chủ tịch thị xã Nghi Sơn Hồ Đình Tùng bị tống tiền 5 tỷ đồng, mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt giam 4 người để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" gồm Lê Xuân Hoàng, SN 1978; Lê Trần Tiến Đạt, SN 1988; Lê Trần Sính, SN 1974, cùng ở thôn Nam Đoan Vỹ (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) và Nguyễn Quốc Hưng, SN 1979, ở Khương Mai, TP Hà Nội.
Trong số này có 1 người từng công tác trong ngành công an (đã xuất ngũ), 1 người làm lao động tại Khu kinh tế Nghi Sơn, một người làm nghề lái xe dịch vụ.
Nhóm người trên có liên quan đến một đoạn clip được đăng trên mạng xã hội "tố" ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn nhận hối lộ. Ngay khi clip trên được đăng tải lên mạng xã hội và trên một tờ tạp chí điện tử, ông Tùng đã có đơn trình báo cơ quan công an cho rằng nhóm người trên đã cố tình gài bẫy, quay clip để tống tiền ông với số tiền lên đến 5 tỷ đồng.
Hình ảnh cắt từ clip ghi cảnh ông Tùng nhận tiền. |
Trong đơn trình báo, ông Tùng cũng nêu rõ cách thức nhóm này tới nhà ông thế nào, để lại mảnh giấy có nội dung gì và yêu cầu ông phải làm theo, đưa cho chúng 5 tỷ đồng, nếu không thực hiện theo yêu cầu thì sẽ tung clip lên mạng xã hội.
Đáng chú ý, theo ông Tùng, những ngày tiếp theo ông Tùng đã nhận được thư tống tiền lên đến 5 tỷ đồng và kèm theo nhiều cách thức đưa tiền mà đối tượng hướng dẫn.
“Trong nội dung thư gửi, bọn chúng nói 3 ngày sau sẽ có nhà báo vào làm việc với tôi. Đúng là 3 ngày sau có 2 nhà báo vào làm việc thật (xin được giấu tên), nhưng do không có tiền nên tôi không thể đáp ứng được những yêu cầu của bọn chúng. Hiện tôi đã báo cáo tới cơ quan Công an tỉnh Thanh Hoá” – ông Tùng nói.
Từ những thông tin trên, dư luận quan tâm với hành vi cưỡng đoạt tài sản như trên, nhóm đối tượng sẽ bị xử lý như thế nào? Nếu có người đứng sau điều khiển nhóm người thực hiện hành vi tống tiền, người này sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Phạm Thu Hà, Văn phòng luật sư Trung Hòa cho rằng, hành vi của nhóm đối tượng đe dọa, tống tiền ông Hồ Đình Tùng là hành vi trái pháp luật.
“Những thông tin liên quan sự việc trên cho thấy, nhóm đối tượng trên đã dàn dựng, quay clip về việc lãnh đạo thị xã Nghi Sơn nhận tiền hối lộ để thực hiện dự án. Sau đó, các đối tượng này đã dùng đoạn clip này để thực hiện các hành vi đe dọa, tống tiền và yêu cầu ông Tùng phải chuyển số tiền là 5 tỷ đồng cho các đối tượng nếu không sẽ tung clip lên mạng xã hội để làm nhục thanh danh của ông Tùng và gia đình và sẽ đòi số tiền lớn hơn. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản là hoàn toàn có căn cứ” – luật sư Phạm Thu Hà nêu ý kiến.
Luật sư Hà dẫn chứng, theo điều 170 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội cưỡng đoạt tài sản nêu rõ: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.”
Luật sư Phạm Thu Hà. |
Trong vụ việc trên, các đối tượng đã dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần, dùng đoạn clip quay có dàn dựng để bịa đặt, vu khống cho ông Tùng. Mặc dù số tiền 5 tỷ đồng các đối tượng chưa chiếm đoạt được, nhưng hậu quả này không làm ảnh hưởng đến việc xác định tội danh cho các đối tượng. Các đối tượng có ý thức chiếm đoạt tài sản, thực hiện đã thực hiện xong các thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần ông Tùng thì tội phạm đã hoàn thành.
Luật sư Hà cho rằng, đây là hành thực hiện bởi một nhóm đối tượng nên các đối tượng trên cùng là đồng phạm với nhau. Việc xác định vai trò của từng người trong khi thực hiện hành vi phạm tội là cần thiết để xem xét tính chất, mức độ hành vi của từng người và cũng là căn cứ để tiến hành áp dụng hình phạt ra sao nếu tòa án tuyên có tội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá vụ việc trên đặc biệt nghiêm trọng, do đó, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi, hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, thông tin ban đầu cho thấy, khởi nguồn sự việc các đối tượng cho rằng vị cán bộ lãnh đạo này đã có hành vi nhận hối lộ, nhận tiền của doanh nghiệp trái pháp luật nên đã tố cáo, đe dọa, uy hiếp tinh thần vị cán bộ này để tống tiền.
Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ có việc vòi tiền doanh nghiệp hay không, có hành vi nhận hối lộ hay không? Nếu có việc nhận tiền doanh nghiệp, vòi vĩnh doanh nghiệp, thỏa thuận hứa hẹn nhận một khoản tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp thì sẽ xử lý cả hai bên về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ theo quy định pháp luật.
Trường hợp sự việc đúng như ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch thị xã Nghi Sơn trình bày, hành vi là do các đối tượng chủ động gài bẫy, không có sự thỏa thuận về tiền bạc, không có việc đồng ý nhận tiền, các đối tượng lợi dụng thông tin đó để ép buộc vị cán bộ này phải đưa tiền thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Luật sư Cường cho rằng, để xử lý các đối tượng về tội cưỡng đoạt tài sản, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các đối tượng này đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác đe dọa, uy hiếp tinh thần vị cán bộ này để buộc vị cán bộ này phải giao tiền, tài sản cho chúng.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Dẫn quy định tại Điều 170 BLHS 2015 về Tội cưỡng đoạt tài sản, luật sư Cường cho hay, nếu cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để chứng minh các đối tượng này đã có thủ đoạn uy hiếp tinh thần của vị cán bộ này để chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 12 đến 20 năm tù.
Trong trường hợp có căn cứ kết tội và xác định số tiền chiếm đoạt là 5 tỷ đồng, đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực trong vụ án này có thể phải đối mặt mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Các đối tượng khác có vai trò giúp sức, xúi giục sẽ nhận mức án thấp hơn nhưng có thể tới 12 năm tù.
Trong vụ việc này cơ quan điều tra xác định vụ án có đồng phạm, ngoài các đối tượng đã bị bắt còn có một số đối tượng có liên quan. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, từng người có liên quan, vai trò và sự mức độ tham gia trong vụ án này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp chứng minh được có vai trò đồng phạm của những người có liên quan, tất cả những người có cùng ý chí thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền của vị cán bộ này đều sẽ bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.
Vấn đề này cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Nhận hối lộ, cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa được dìu tới hầu tòa
Nguồn: VTC 14