Đó là nhận định của học giả Mỹ Graeme Dobell, trong bài viết đăng trên trang mạng The Strategist ngày 9/10/2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gỡ thể diện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài La Haye. Ảnh Global Balita |
Theo học giả Graeme Dobell, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “xoay mình” về phía Trung Quốc đã cung cấp Bắc Kinh tất cả các loại “trái ngọt”: từ khả năng thỏa thuận song phương ở Biển Đông đến cơ hội để làm mất cân bằng chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Lợi ích mà Tổng thống Duterte mang lại cho Mỹ là tạm thời, nhưng lại có thể bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng mà ông gây ra cho liên minh Mỹ-Philippines. Ông Duterte đã mang lại cho Washington một món quà lớn là không để xảy ra khủng hoảng ở Biển Đông. Vô hình chung, những tuyên bố chống Mỹ và hòa giải với Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte lại có tác dụng “hạ nhiệt” căng thẳng ở Biển Đông vốn đã bị đẩy lên đến mức cao độ.
Quả thực, Trung Quốc và Mỹ hiện đang lâm vào tình thế khó xử ở Biển Đông. Chính sự “đồng bóng” của Tổng thống Duterte đã làm hạ nhiệt vấn đề Biển Đông, mặc dù “khá nguy hiểm trong quan hệ quốc tế”, theo tờ The Economist.
Việc Tổng thống Duterte “xoay mình” qua Trung Quốc đã tạo ra một khoảnh khắc “tạm dừng quan trọng” trong chuỗi nguy hiểm của các sự kiện. Vào thời điểm đầy bất ổn ở Biển Đông, vị Tổng thống Philippines bị coi là “thô lỗ” này lại vô tình làm hạ nhiệt vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye.
Không ít nhà phân tích đã dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh, sau khi bị “mất mặt” bởi phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye. Họ lo ngại về việc Trung Quốc có thể bồi đắp và xây dựng căn cứ quân sự trái phép trên bãi cạn Scarborough, vốn bị Trung Quốc chiếm giữ sau một cuộc đối đầu trên biển với Hải quân Philippines trong năm 2012.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye bác bỏ hầu hết các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, học giả Mỹ Bonnie Glaser nhận định: “Ông Tập Cận Bình đã bị mất mặt ở Biển Đông và sẽ khó có thể ngăn chặn Trung Quốc phản ứng. Tôi chờ đợi một phản ứng rất quyết liệt từ phía Trung Quốc, vì nước này đã bị thua trên hầu hết các luận điểm (trong đơn kiện của Philippines)”.
Báo The South China Morning Post cho rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu công việc “bồi đắp” trái phép bãi cạn Scarborough trong khoảng thời gian sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, kết thúc vài ngày 5/9 và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11/2016.
Hồi tháng 3/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vẽ ra “vạch đỏ” xung quanh bãi cạn Scarborough và cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình về “hậu quả nghiêm trọng”, nếu Trung Quốc bắt đầu bồi đắp và xây dựng cơ sở trên bãi cạn đang tranh chấp này. Có lẽ, “vạch đỏ” của ông Obama đã phát huy tác dụng. Hoặc có lẽ Bắc Kinh đã quyết định không “nắn gân” vị tổng thống “vịt què” này trong chiến dịch bầu cử Mỹ? Nhưng rất có thể, vị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ăn nói bạt mạng đã “thay đổi cuộc chơi”.
Tổng thống Duterte cũng "có ích" đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama vì tránh xảy ra xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông. Ảnh GMA News Online |
Lợi ích trước mắt đối với Tổng thống Obama là cái “vạch đỏ” mà ông đã vẽ ra ở Biển Đông không bị Trung Quốc vượt qua. Điều này tránh cho ông Obama phải đối đầu với Trung Quốc trong những ngày ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ .
Thật vậy, nếu Trung Quốc bắt đầu dự án tạo ra một đảo nhân tạo lớn trên bãi cạn Scarborough, liệu Mỹ có đứng về phía Tổng thống Philippines Duterte bằng lời nói và hành động? Liệu Washington có mạo hiểm đụng độ với Trung Quốc vì một nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố sẽ "chia tay với Mỹ" và nguyền rủa Tổng thống Obama "xuống địa ngục”?
Tổng thống Obama có thể chấp nhận lợi ích mà ông Duterte mang lại là tránh được một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và để lại cho tổng thống kế nhiệm (có thể là bà Hillary Clinton) cái nhiệm vụ tranh cãi với Tổng thống Duterte, người có thể phá hỏng liên minh Mỹ-Philippines. Nếu Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ kế nhiệm, ông ta sẽ vui vẻ nói "ông (Duterte) cũng địa ngục đi” và tuyên bố liên minh Mỹ-Philippines là một doanh nghiệp đã phá sản. Phản ứng kiểu con buôn của ông Trump sẽ là rất “hợp gu” Tổng thống Duterte vì ông này đang rất muốn “làm ăn” với Trung Quốc.
Từng giữ chức đại sứ Mỹ tại Manila trong giai đoạn 1989-1994, thời điểm mà Mỹ buộc phải rút khỏi căn cứ hải quân ở Vịnh Subic, ông Mack Williams giải thích “kế hoạch Duterte” một cách hợp lý hơn so với đương kim Tổng thống Barack Obama.
Cựu đại sứ Mack Williams liệt kê các yếu tố quan trọng mà sẽ ảnh hưởng đến cách mà Tổng thống Duterte xử lý các tranh chấp Biển Đông và đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc:
- Phía Philippines ý thức được rằng bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào cũng sẽ là thảm họa đối với họ, đặc biệt khi Mỹ đã sử dụng nước này như một căn cứ tiền tiêu.
- Tổng thống Duterte không phải là người đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế và ông này muốn xử lý phán quyết của tòa hết sức thận trọng.
- Philippines quan tâm đến quyền đánh bắt cá và tiềm năng dầu khí tại khu vực tranh chấp hơn tự do hàng hải quốc tế.
- Mối quan hệ Philippines-Trung Quốc vốn là lâu đời và phức tạp, với việc Hoa kiều chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh của nước này, thường được ngụy trang bằng những cái tên không giống tên gọi bằng tiếng Trung Quốc.
Học giả Graeme Dobell kết luận: Tổng thống Philippines Duterte muốn khá nhiều ở Trung Quốc và xem ra đôi bên đang cần lẫn nhau. Trung Quốc đã vô cùng thất vọng khi không thể biến sức mạnh kinh tế thành lợi ích chiến lược rõ ràng trong khu vực Đông Nam Á. Việc đắp các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ trái phép ở Quần đảo Trường Sa có thể được xem như một biểu hiện giân dữ và thất vọng cũng như khẳng định sức mạnh: Trung Quốc đang lớn mạnh mẽ và là “sói đầu đàn” ở đây, nhưng lại không nhận được sự tôn trọng!
Tổng thống Duterte đang mang lại cho Trung Quốc cơ hội thực hiện thỏa thuận song phương ở Biển Đông và làm suy yếu của các cơ cấu liên minh của Mỹ. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ được nhận sự thay đổi mà nước này hằng mong muốn. Đó là sử dụng sức mạnh của tiền bạc để tạo ra sức mạnh chiến lược trong khu vực.