Chiều 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự và phát biểu tại Phiên họp.
Sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn
Định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thưTô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực. Ảnh: QH. |
Tổng Bí thư cho biết, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện; một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển. Do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, có những tỉnh không sản xuất điện lại tiêu thụ điện lớn, có những địa phương sản xuất được điện nhưng người dân chưa được dùng diện. Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện. Vừa qua, đường dây 500 kV mạch 3 chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch ra Phố Nối (Hưng Yên) được hoàn thành cũng nhằm giúp cân đối, điều hòa nguồn điện giữa các vùng.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển điện sạch như điện gió, điện ngoài khơi, do vậy cần đặt ra mục tiêu cụ thể, nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi của từng loại hình để có kế hoạch dài hạn trong việc cung ứng đủ nguồn điện…
Nhấn mạnh tính cấp bách trong sửa đổi Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, cho tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia. Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.
Sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần đề cập đến nội dung này, trong đó tính toán đến công suất, vị trí, công nghệ như thế nào. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.
Trên cơ sở những định hướng lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Bổ sung quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện
Góp ý về quy định hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực (Điều 104)
đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đề nghị: xem xét bổ sung thêm khoản 6 vào sau khoản 5 dự thảo luật. Đó là, đối với các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì yêu cầu phòng Quản lý tài nguyên các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố phải thể hiện đường dây điện cao, hạ áp đi qua và có trên mặt bằng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có)”.
|
Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai). |
Theo đại biểu, sửa đổi này nhắm cho phù hợp với thực tế, vì rất nhiều hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đường điện đã được xây dựng từ trước, nên các chủ đầu tư, hộ gia đình xây dựng nhà vẫn yêu cầu ngành điện phải di chuyển đường điện ra ngoài mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy là không hợp lý, đúng quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) quan tâm đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các tỉnh miền núi tại Điều 3 và Điều 24 của dự thảo luật.
Cơ quan soạn thảo đã quan tâm đến các địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy, chính sách của Nhà nước thể hiện còn chung chung, khó triển khai và chủ yếu giao cho địa phương thực hiện.
Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri, vẫn còn nhiều hộ dân và có nhiều thôn cho đến thời điểm hiện nay chưa có điện lưới, vấn đề này đã được cử tri phản ánh nhiều lần. Theo đại biểu, nếu quy định như dự thảo luật, giao kinh phí, ngân sách, kỹ thuật cho các tỉnh miền núi thì sẽ khó khả thi. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng Trung ương sẽ đảm trách phần lớn nhiệm vụ này, giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sớm được sử dụng điện.
Về vấn đề sử dụng tiết kiệm điện, đại biểu cho biết, Luật Tiết kiệm năng lượng đã quy định về tiết kiệm điện, nhưng chưa bao quát được đặc thù của tiết kiệm điện trong lĩnh vực điện, vì vậy cơ quan soạn thảo đã đưa các quy định về tiết kiệm điện sang dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Đại biểu cơ bản tán thành với quan điểm này, nhưng các quy định về tiết kiệm điện trong dự thảo luật vẫn chưa đầy đủ. Thực tế cho thấy, tại các doanh nghiệp và các hộ gia đình thực hiện tiết kiệm rất triệt để, nhưng vẫn còn tình trạng lãng phí tại các công sở, bộ máy các cơ quan nhà nước. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn về mặt trách nhiệm, chế tài để tạo ra chuyển biến rõ rệt.