Khi tôi ngoài 20 tuổi, tôi thường đi ăn trưa với sếp và đàm đạo chuyện đời. Một hôm sếp bảo, khi cậu sang tuổi 30, cậu cần phải bắt đầu có trách nhiệm.
Tôi không để tâm đến lời khuyên đó. Và giờ khi tôi đã qua tuổi 40, tôi ước mình đã nghĩ về điều đó.
Dưới đây là những điều tôi đúc kết được sau 40 năm cuộc đời. Tôi ước gì có ai đó nói với tôi những điều này từ một thập kỷ trước.
1. Bạn có thể gặp một số người bạn không thường xuyên, nhưng tình bạn vẫn bền chặt: Tôi nhận ra rằng những người bạn thân nhất mà tôi có trong 20 năm qua là những người bạn thân thực sự và mãi mãi.
Khi đời thay đổi thì người cũng thay đổi. Một số bạn bè sẽ bước sang một giai đoạn mới, kết hôn, sinh con... Số bạn bè thân sẽ ít dần khi bạn già đi. Nhưng không có nghĩa là những người bạn ít gặp sẽ biến mất.
2. Cha mẹ bạn cần được chăm sóc: Cha mẹ tôi đang bước sang tuổi 70 và sức khoẻ bắt đầu có vấn đề: cholesterol tăng, thính lực giảm, thuốc thang, đi gặp bác sĩ thường xuyên hơn.
Do đó, hiểu rõ về tiền sử sức khoẻ gia đình là điều quan trọng, và bạn cần nắm được thông tin để có thể xử lý mọi tình huống phát sinh.
3. Đám cưới xa hoa là không cần thiết: Đám cưới là một sự kiện có thể rất tốn kém, đặc biệt ở các thành phố lớn. Lên kế hoạch cho đám cưới thường khiến cả cô dâu và chú rể stress, trong khi các bậc cha mẹ có thể xung đột vì phải móc hầu bao quá nhiều.
Sẽ đến lúc bạn nhận ra, đám cưới xa hoa là điều hoàn toàn không cần thiết - Ảnh: Indenpendent |
Nếu bạn muốn có một đám cưới ý nghĩa, hãy tập trung cho việc chọn lọc danh sách khách mời và chỉ mời những ai thực sự cần có mặt ở đó. Nếu được làm lại, tôi sẽ đi nghỉ một tuần trăng mật thật dài và bắt đầu cuộc sống lứa đôi mà không có lễ cưới rình rang vô nghĩa.
4. Làm cha mẹ vui hơn nhiều so với làm chú bác: Khi đứa con đầu của chị tôi chào đời, tôi mua cho bé rất nhiều quà cáp. 11 năm sau, cô bé vẫn giữ con thú nhồi bông đầu tiên mà tôi mua cho. Tôi tiếp tục làm như vậy với đứa cháu trai tiếp theo. Tôi thậm chí còn tình nguyện trông trẻ cho chị. Tôi đã là một ông cậu rất tuyệt.
Là một ông cậu cũng là cách chuẩn bị cho tôi trước khi làm cha. Giờ đây tôi đã là một ông bố, tôi không thể tưởng tượng đời tôi sẽ thế nào nếu không có con trai tôi. Những chuyến phiêu lưu, những trò chơi chúng tôi cùng tham gia đều vô giá.
Tôi dành rất nhiều tình cảm cho con trai, nó khiến tôi muốn trở thành một người tốt hơn, một ông bố tốt hơn.
5. Ít đồ sẽ hiệu quả hơn: Khi còn nhỏ, tôi ăn trộm mọi thứ ở khách sạn. Nhiều năm sau, tôi mới biết bố tôi đã phải trả tiền cho những chiếc điều khiển tivi bị tôi lấy cắp. Là một biên tập viên tạp chí, tôi còn tận dụng những món đồ miễn phí ở chỗ làm, tôi chất đống kem cạo râu đủ cho 4 năm tới!
Khi tôi đọc cuốn "Phép màu thay đổi cuộc sống của việc dọn dẹp: Nghệ thuật sắp xếp và tổ chức của Nhật Bản" của tác giả Marie Kondo, tôi liền dẹp bỏ các giá xếp tạp chí cùng đống sách, DVD, quần áo không mặc đến, cả núi giấy tờ và nhiều thứ khác.
Tôi không còn lưu luyến những thứ không mang lại niềm vui cho tôi nữa. Tôi còn kiếm một bộ đồng phục công sở, tôi mặc một bộ suốt, và không một ai để ý.
6. Quan tâm đến bản thân: Tôi bị rách một bên nách khi chơi kickboxing, rách nốt bên kia khi chơi bóng chuyền, thoát vị đĩa đệm, đầu gối bầm dập, chưa kể tôi không thoát khỏi cái bụng bia.
Tôi muốn trông gọn gàng và khoẻ mạnh. Khi là biên tập viên của tạp chí sức khoẻ và thể dục, tôi nhận ra là vẫn có thể lấy lại dáng ở bất kỳ tuổi nào, nhưng sẽ dễ hơn nhiều để giữ dáng khi bạn có dáng sẵn. Vì vậy hãy chăm sóc cơ thể từ sớm và thường xuyên.
7. Kiên nhẫn với sự nghiệp: Do tôi làm việc trong ngành truyền thông, ai cũng tưởng tôi tốt nghiệp từ một trường về truyền thông nổi tiếng. Thực tế thì tôi học về bán lẻ. Tôi luôn muốn trở thành một tác giả, biên tập viên, và giờ đây giấc mơ đã thành hiện thực. Tôi viết sách, làm tạp chí, thậm chí giành được giải Emmy.
Do không có nền tảng về truyền thông nên tôi gặp khó khăn ban đầu. Tôi thất nghiệp 7 lần. Vợ chồng tôi đã trải qua những khoảng thời gian thử thách, thậm chí là căng thẳng khi tôi gặp trục trặc trong công việc.
Nhưng tôi đã nỗ lực hết mình, thức đêm thức hôm để làm xong tạp chí, những đêm không ngủ để chạy cho kịp deadline, tất cả đều xứng đáng để tạo ra được một cái gì đó.
8. Nghiêm túc về an toàn tài chính:
Tôi luôn giỏi tiết kiệm khi tôi có tiền. Nhưng tôi không bao giờ mạo hiểm để bắt tiền đẻ ra tiền. Tôi cũng chưa bao giờ gặp một chuyên gia tư vấn tài chính.
Giờ đây tôi đang chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu trong khi cân bằng chi tiêu hiện tại. Bài học là, không bao giờ là quá sớm để nghĩ về những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.