Sáng 14/6, Công an TP HCM tổ chức buổi báo cáo sơ kết 3 tháng tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng.
Tại buổi báo cáo, Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP HCM cho biết, trong 3 tháng đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm, từ ngày 16/2 đến 15/5, đã có 1.173 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ năm ngoái giảm gần 7%. Xét theo tỉ lệ dân số ở TP HCM, trong 10.000 dân có 1 người phạm pháp hình sự.
3 tháng sau chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng, tình hình tội phạm giảm 7%. |
Mặc dù các vụ phạm pháp hình sự có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tiểm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh trên cả nước vào Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như: vũ trường, quán bar… vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, các băng nhóm tội phạm chuyển sang chiều hướng co cụm và dịch chuyển sang các địa bàn vùng khác, móc nối với các băng nhóm, đối tượng hình sự tại địa phương để tổ chức đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, đánh bạc trái phép.
Thời gian qua nở rộ thêm hoạt động phạm tội lừa đảo có tính quốc tế, lừa đảo qua điện thoại, lừa qua mạng xã hội Zalo...
Theo báo cáo phân tích, trong số hơn 900 tội phạm bị bắt giữ, phần lớn tội phạm có độ tuổi 18-30, là người lao động tự do.
Trong 3 tháng, án trộm cắp xảy ra 622 vụ, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số vẫn là trộm xe gắn máy, xảy ra nhiều tại quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, quận 2, quận 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Cướp giật xảy ra 218 vụ, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối tượng cướp chủ yếu là người nghiện, thanh thiếu niên thất nghiệp. Trong đó, án cướp xảy ra 45 vụ, hầu hết là ở vùng ven và giáp ranh như quận 12, huyện Bình Chánh, quận 7, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Củ Chi…
Công an TP HCM nhận định, nguyên nhân tội phạm trên địa bàn do thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước, thu hút nhiều người dân từ các tỉnh đến thành phố sinh sống (năm 2015, có gần 3,2 triệu người tạm trú); các băng nhóm, đối tượng hình sự từ các địa phương khác lợi dụng tập trung về thành phố ẩn náu, hoạt động.
Một bộ phận thanh thiếu niên thất nghiệp, việc làm không ổn định, lười lao động bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc, khuynh hướng bạo lực, động cơ vụ lợi, chây lười lao động, tiêm nhiễm lối sống không lành mạnh dẫn đến tha hóa, dễ bị kích động lôi kéo tham gia vào các xung đột lợi ích không chính đáng, phạm tội, nghiện ngập.