Tháng 6 hằng năm được lấy là “Tháng hành động phòng, chống ma túy”. “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy” là chủ đề của “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2021. Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về chủ đề này, thượng tá Hoàng Đức Nên - Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy (Công an tỉnh Ninh Bình) đã chia sẻ với PV về cuộc chiến chống ma túy trong thời gian qua.
Có 26 năm công tác trong lực lượng công an nhân dân, và nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực điều tra tội phạm về ma túy, thượng tá Nên cho biết, hiện nay cuộc chiến chống ma túy rất phức tạp, tội phạm ma túy bây giờ đã thay đổi rất nhiều so với khoảng 10 năm trước.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, của internet, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi hơn.
Thượng tá Hoàng Đức Nên - Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy (Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết, tội phạm ma túy hiện nay tinh vi hơn, hoạt động phức tạp hơn trước rất nhiều. |
"Có trường hợp đối tượng mua bán liên lạc với nhau qua mạng xã hội, chúng sử dụng tiếng lóng như: "Anh có ở nhà không em qua chơi"... sau đó 2 bên thống nhất 1 vị trí để ma túy như gốc cây, cột điện, hay trong góc tường nào đó. Khi 'hàng' đã đến điểm thì đối tượng mua sẽ tự đến lấy để không gặp mặt trực tiếp, dễ bị lộ, bắt quả tang. Tất cả các giao dịch đều được các đối tượng sử dụng tiếng lóng mà chúng đã thống nhất và chỉ chúng mới hiểu được" - thượng tá Nên nói.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Ninh Bình bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Thịnh (SN 1991, Thái Nguyên) vận chuyển trái phép 12 bánh heroin ngày 14/02/2020. (Ảnh CA Ninh Bình) |
Để bắt các đối tượng buôn bán ma túy đã đầy khó khăn, gian nan và nguy hiểm, song cuộc đấu tranh với các đối tượng ở phòng hỏi cung mới là cuộc đấu trí mệt mỏi. Thượng tá Nên chia sẻ: "Các đối tượng dính án ma túy thì mức độ thường là chung thân hoặc tử hình, vì vậy khi bị bắt chúng rất ngoan cố, không hợp tác với điều tra viên. Thậm chí, nhiều đối tượng còn sẵn sàng tự gây thương tích để được đưa đến viện rồi tìm cơ hội tẩu thoát. Thực tế, có nhiều trường hợp còn tự sát hòng che giấu cho đường dây, đồng phạm."
Đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến cam go, đầy gian truân, vất vả. (Ảnh CA Ninh Bình) |
Chuyên gia về tội phạm học - trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) cho rằng, việc tội phạm ma túy có hành vi chống trả, hay ngoan cố không khai báo thậm chí là tự sát có thể phân tích ở nhiều góc độ. Thứ nhất, do bản thân tội phạm ý thức được mức án chúng sẽ phải đối diện thường là tử hình, chung thân nên chúng càng chống trả quyết liệt.
Nguyên nhân thứ hai thường xảy ra là tội phạm ma túy thường lôi kéo anh em, người nhà cùng tham gia đường dây để đảm bảo tính an toàn, tin tưởng. Thế nên khi bị bắt, để không ảnh hưởng đến người thân thì các đối tượng này chọn phương án không khai báo, bất hợp tác hoặc tự sát để bảo vệ đường dây, bảo vệ người thân.
Chuyên gia tội phạm học - Đào Trung Hiếu. |
Trong trường hợp này, để đấu tranh khai thác tội phạm các chiến sĩ phải hết sức kiên trì, và áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ cũng như phân tích tâm lý để lấy được thông tin phá án.
"Bản thân tôi may mắn có gần 20 năm trong lực lượng cảnh sát hình sự, đã trực tiếp điều tra tội phạm về ma tuý, điều tra trọng án, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao... tôi hiểu được những vất vả của các chiến sĩ trinh sát ma túy" - Chuyên gia tội phạm học - Đào Trung Hiếu chia sẻ.
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: Đấu súng truy bắt tội phạm ma túy ở Lạng Sơn
Nguồn: ANTV.