𝗚𝗲𝗻𝗗 là một dự án cộng đồng được sáng lập bởi 1 nhóm học sinh cấp 3 tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu góp phần xóa bỏ những định kiến, kì thị về giới, tạo nên một xã hội bình đẳng hơn. Dự án sử dụng các hoạt động thiết thực cho các bạn thanh thiếu niên, phối hợp với nhà trường, phụ huynh và các tổ chức để nâng cao ý thức về bình đẳng giới tính.
Trước buổi tọa đàm webinar với học sinh lớp 7 và lớp 8 trường Lê Lợi, GenD có tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến và quan điểm của các em học sinh khối 7 và 8 trong trường về giới và giới tính. Từ kết quả trả lời khảo sát của trong 90 học sinh, có thể thấy rằng số đông các em học sinh (khoảng 87%) đã phần nào hiểu được sự cần thiết của bình đẳng giới, với khoảng 13% số học sinh tham gia khảo sát cho biết đã gặp phải tình trạng phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều định kiến giới vẫn còn phổ biến: 25% số em tham gia khảo sát cho rằng công việc nội trợ chỉ dành cho nữ giới. Khảo sát cũng cho thấy gần 15% cho rằng chỉ địa vị xã hội cao chỉ quan trọng với nam giới, tuy nhiên việc có ngoại hình đẹp chỉ dành cho nam giới là 0% trái ngược với các số liệu của ý kiến này đối với phụ nữ. Đặc biệt, số học sinh cho rằng đảm đang là phẩm chất cần thiết của phụ nữ chiếm đến 62.5% và số học sinh cho rằng chỉ có nam giới cần nhường nhịn chiếm đến 35%.
Hình minh hoạ. Ảnh: Bright. |
Tham dự tọa đàm ngày 26/03 có hai khách mời là nhà văn Trang Hạ và nhà báo Hoàng Anh Tú. Về phía ban tổ chức dự án GenD, em Phúc Anh là trưởng ban tổ chức và Quỳnh Anh thành viên ban điều hành cũng tham gia chia sẻ các quan điểm và trải nghiệm cá nhân liên quan đến bình đẳng giới
Nhà văn Trang Hạ đã khẳng định rằng bất bình đẳng giới vẫn còn - từ việc đơn giản nhất là phân công công việc nhà, cao hơn một chút là bất bình đẳng giới về kinh tế, cao hơn nữa là bạo lực. Cô cho biết một người có thể “vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm”, và vì thế nên mọi người đều cần phải “đọc thật nhiều, tiếp xúc với những người từng trải, có thể chia sẻ cho bạn”. Cô cũng nhấn mạnh rằng “Bất bình đẳng giới đôi khi nói thì nó vẫn là chuyện của người khác nhưng khi đối diện, nó sẽ trở thành chuyện riêng của chính bản thân bạn.”
Về cách thức để đẩy lùi bất bình đẳng giới, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng khẳng định rằng “Thay đổi nhận thức là một quá trình liên tục, trách nghiệm ko chỉ ở phụ huynh, ko chỉ ở thầy cô, ko chỉ ở học sinh mà ở tất cả mọi người.” Nhà văn Trang Hạ cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng “Có một cuộc khủng hoảng giá trị ăn sâu trong xã hội Việt Nam … mỗi một gia đình, thầy cô, học sinh phải dành thời gian trò chuyện với nhau”.
Chia sẻ của Hoàng Nguyễn Phúc Anh - sáng lập viên dự án GenD:
Phúc Anh cho biết vấn đề về định kiến giới dẫn đến phân biệt đối xử và kỳ thị dựa trên giới tính đã không còn xa lạ nữa, nhưng kết quả của cuộc khảo sát đã cho thấy rằng nhận thức về vấn đề này không đồng nghĩa với việc đã xóa bỏ được hoàn toàn những định kiến về giới. Những định kiến giới là những đánh giá, quan điểm về một người chỉ dựa trên những khuôn mẫu giới của xã hội, ví dụ như nam giới phải có địa vị cao, phải hào phóng và biết nhường nhịn, hay nữ giới phải đảm đang, biết làm nội trợ. Khảo sát đã cho thấy rằng những khuôn mẫu giới này vẫn còn khá phổ biến với đối tượng là học sinh cấp 2. Từng có thời gian học tập và sinh sống ở nước ngoài, Phúc Anh đã thành lập tổ chức GenD với mục đích khuyến khích những cuộc trao đổi cởi mở về giới và giới tính, qua đó đẩy lùi những định kiến, giúp mỗi người đều có bình đẳng cơ hội và không bị cản trở bởi giới hoặc giới tính của mình.
Buổi tọa đàm “Học sinh và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới” chính là hoạt động đầu tiên của dự án, được tổ chức với sự hỗ trợ từ Tổ chức WISE Vietnam và ban giám hiệu trường trung học cơ sở Lê Lợi, với mong muốn chia sẻ trải nghiệm và quan điểm của các diễn giả về những định kiến giới trong xã hội, cũng như giải đáp một số thắc mắc về cách ứng xử trong các tình huống cụ thể như bạo lực giới.
Trong thời gian tới, GenD dự kiến sẽ tiến hành khảo sát và tổ chức thêm các buổi workshop đào tạo, bàn luận về chống phân biệt giới tính tại các trường cấp 2, cấp 3 trên toàn quốc. GenD cũng cung cấp sổ tay hướng dẫn về giới tính tới các em học sinh và gia đình.