Không thi, học trò sẽ chẳng học đâu
Các chuyên gia giáo dục đang cùng nhau bàn luận việc nên hay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở góc độ là hiệu trưởng một trường THPT, quan điểm của ông thế nào?
Cá nhân tôi với kinh nghiệm làm công tác quản lý và thực tế giảng dạy trong nhiều năm thì tôi khẳng định trong giai đoạn hiện nay chưa nên bỏ kỳ thi này được.
Vì sao ông lại nghĩ vậy?
Lý do thì chúng ta cũng đã đều thấy rõ, tâm lý chung của người học là có học thì phải có thi, thi gì học nấy. Việc thi là để đánh giá quá trình học tập của các em. Phải có đánh giá thì mới tạo ra động lực để cho người học ra sức học tập.
Nếu như ông nói, không thi hẳn các em sẽ không học?
Đúng. Bởi ý thức tự giác của các em còn thấp. Muốn thay đổi thì phải sắp xếp lại chương trình, nâng dần nhận thức của học sinh. Xã hội phải thay đổi quan niệm là học để làm việc, để có thêm hiểu biết, có kiến thức mà sống với xã hội, với thiên nhiên và để làm việc chứ không phải là học để đối phó với các kỳ thi.
Nhưng đó là lý thuyết và chưa biết đến bao giờ nó mới có cơ hội trở thành hiện thực?
Tất nhiên là thế. Gần đây nó đã có sự chuyển biến nhưng tôi thấy nó chưa rõ rệt. Tác động từ ngoại lực, từ bên ngoài cùng với sự giáo dục, nội lực của học sinh để thay đổi dần quan niệm để hướng tới nhận thức rằng học để trang bị kiến thức, để chung sống với mọi người, để làm việc, chứ không phải học để đối phó với các kỳ thi. Thi xong rồi là quên hết, bỏ hết, như thế thì không được.
|
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. |
Xin xỏ, chạy chọt vẫn thịnh hành lắm!
Nhưng cái cơ chế này, không có bằng cấp thì khó mà có vị thế trong xã hội?
Đúng là như thế, học thì phải có đánh giá qua thi cử, thì phải có tấm bằng để ghi nhận từng cái mốc đó của người học. Nhưng cũng không quá nặng nề, coi cái bằng là thứ quyết định tất cả năng lực công tác, kết quả công tác. Xã hội cũng phải thay đổi cách tuyển dụng như không chỉ thông qua kỳ thi mà có thể đánh giá quá trình học tập của học sinh. Chúng ta đang hướng tới giáo dục toàn diện nhưng hiện nay, việc thi tuyển đại học chỉ đánh giá bài thi mà không đánh giá quá trình học tập ở THPT là như thế nào. Chúng ta quên mất điều đó.
Nhưng làm sao xét đoán được những tiêu chí đó?
Ví dụ như xét tuyển vào đại học, chỉ lấy 60% là bài thi. Còn lại là kết quả học tập ở THPT, giỏi thì được 20% nữa, khá thì được 10% chẳng hạn. Rồi có nghiên cứu khoa học ở phổ thông, tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá, tình nguyện... có giấy chứng nhận thì cộng được bao nhiêu điểm nữa. Tất nhiên cũng lại thấy rằng mặt trái của những việc đó là đến lúc đó lại chạy chọt, lại xin xỏ. Mà những cái này hiện nay vẫn đang thịnh hành quá, rất khó ngăn chặn.
Có ý kiến cho rằng nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm trong các trường phổ thông, ý kiến của ông thế nào?
Đúng vậy. Bởi thế mà tôi mới nói rằng trong giai đoạn hiện nay, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp được.
Vậy là ông cũng có chung lo lắng, nếu bỏ thi tốt nghiệp, phong trào chạy điểm, chạy học bạ sẽ trở nên ồ ạt trong các nhà trường phổ thông?
Tôi cũng lo chứ. Vì tôi làm công tác quản lý trong nhà trường tôi biết, rất khó kiểm soát. Nhiều loại hình trường khác nhau, hàng triệu giáo viên, mà nhận thức chung của chúng ta hiện nay chưa đạt được đến tầm tự giác. Lòng tự trọng của mỗi giáo viên, rồi trách nhiệm, năng lực của giáo viên khi cầm bút, cho điểm học sinh... chưa thực sự công bằng trong cả nước, trong khu vực, trong từng trường. Rất khó. Thế nên vẫn phải thi. Nhưng thi thế nào cho đơn giản, gọn nhẹ, vẫn đánh giá được trình độ học sinh mà phù hợp với thực tiễn.
Khi đó thì hẳn vai trò, nhiệm vụ của hiệu trưởng là lớn lắm?
Người quản lý khi đó phải chịu sức ép đầu tiên, sức ép của các mối quan hệ, sức ép của giáo viên, của cha mẹ học sinh, của chính học sinh... Chúng ta lại ở trong một vòng luẩn quẩn mới.
Chẳng tiền nào đánh đổi
Mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta phải chi phí mất hàng trăm tỉ đồng tiền ngân sách. Ấy vậy mà mỗi kỳ thi, chỉ loại được khoảng 2 - 3% số học sinh không vượt qua được. Ở góc độ là một bài toàn kinh tế thì đây rõ ràng là một bất cập?
Giáo dục không thể nào áp dụng bằng bài toán kinh tế được. Có học thì phải có thi, có thi thì chất lượng học tập mới được nâng lên. Việc loại ra một số học sinh đó, dù ít, nhưng nó vẫn là áp lực để buộc các em phải học. Giả sử giờ chúng ta chỉ xét tốt nghiệp không thôi, thì liệu các em có chịu học? Còn những tiêu cực khác để chạy điểm thì sao? Vấn nạn xã hội khi đó nặng nề hơn, chẳng tiền nào đánh đổi được.
Nhưng rõ ràng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay đang có vấn đề?
Thực tế, tổ chức thi tốt nghiệp hiện nay đúng là nó cũng hơi hoành tráng, nó cũng hơi rầm rộ, vậy thì chúng ta có thể điều chỉnh làm sao nó gọn nhẹ hơn. Ví dụ như áp dụng thi cho từng vùng miền, áp dụng chuẩn chung cho từng vùng đó. Có thể bộ đưa ra chuẩn về kiến thức, kỹ năng của kỳ thi với từng môn, từng địa phương căn cứ vào chất lượng chung đó để tổ chức kỳ thi cho mình.
Thế nhưng lại sợ là sẽ phát sinh tiêu cực ở địa phương?
Lúc nào cũng lo tiêu cực thì làm sao mà thay đổi được. Lúc ấy chúng ta lại phải có giám sát, có kiểm tra, thanh tra, và khi đó không lấy thi tốt nghiệp để đánh giá thi đua của trường nữa.
Thực tế đã có lúc chúng ta làm chặt, chỉ có hơn 60% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, vậy thì cái con số thực về trình độ học sinh đến giờ vẫn có dấu hỏi?
Ở đâu tôi không biết, nhưng những điểm thi trong nội thành Hà Nội do tôi làm chủ tịch hội đồng thì hoàn toàn không có tiêu cực, không có chuyện gian lận. Còn hiện tượng các em vi phạm quy chế thi thì khó tránh. Chứ còn phải nhìn nhận đã có thi là có tiêu cực, không thể tuyệt đối 100% được nhưng nó ở các mức độ khác nhau, làm sao không trở thành phong trào là được. Hàng vạn học sinh thì phải có vài học sinh lười học, vài em gian lận chứ.
Vậy nếu phải bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH thì ông chọn cách nào?
Tôi nghĩ trong giai đoạn hiện nay thì chưa thể bỏ kỳ thi nào được.Tính chất của hai kỳ thi khác nhau.
Xin cảm ơn ông!
Tôi đi các nước tôi thấy, việc sàng lọc ở đại học của họ rất khiếp. Vào học thì dễ, nhưng nếu không có năng lực để học tập thì sẽ bị loại ngay trong những học kỳ đầu tiên. Bị thi lại mà không qua, mời anh ra, tìm trường phù hợp hơn. Chuyển sang học nghề. Vậy nên dù có mời các em vào học các em cũng không vào. Thực tế khi giao lưu học sinh Đức với nhà trường, chúng tôi có hỏi là sau khi tốt nghiệp thì các em có thi đại học không, chỉ có 1 em trả lời có, còn lại 12 em nói sẽ học nghề. Trong khi đó thì 100% học sinh Việt Nam nói sẽ thi đại học. Chúng ta cũng phải phấn đấu được nhu vậy.