Ngày 4-7, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết bệnh viện này vừa phẫu thuật vét 5 ổ sán trong đầu một bệnh nhân nam do ăn tiết canh.
Theo người nhà, khoảng 1 tháng trở lại đây, ông Lô Văn S. (38 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu triền miên. Dù uống thuốc nhiều nhưng ông S. không đỡ. Cách đây 1 tuần, ông S. bị liệt nửa người, đau đầu nhiều, buồn nôn nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Qua thăm khám và chụp CT não, các bác sĩ phát hiện có 5 ổ sán nằm rải rác trong não ông S., trong đó có một ổ sán lớn trên đỉnh não của bệnh nhân gây phù não.
Ảnh minh họa. |
Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ phẫu thuật lấy được trọn vẹn các ổ nang sán khỏi não. Sau ca mổ, bệnh nhân S. hồi phục, tỉnh táo, không liệt, đi lại và sinh hoạt bình thường.
Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh thường gặp ở người dân ăn thịt lợn chưa nấu chín, ăn tiết canh, ăn gỏi sống.
Hầu hết các đàn lợn đều mang mầm bệnh
Theo thông tin trên báo VNN, người dân thường có quan điểm cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn thả rông là lợn sạch, có thể yên tâm ăn tiết canh.
Song thực tế, giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%, bằng mắt thường không thể phát hiện.
Thông thường, vi khuẩn liên cầu cư trú ở vùng họng của lợn, tuy nhiên bệnh chỉ phát tác trên những con lợn có miễn dịch yếu. Số còn lại trở thành lợn lành mang mầm bệnh, trong máu và thịt vẫn chứa vi khuẩn. Do đó người dân khi ăn thịt, tiết canh chưa chín vẫn nhiễm bệnh như thường.
Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm trực tiếp sang người khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, đặc biệt những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…
Ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân. Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.
Tiết canh lợn nguy hiểm nhưng vẫn được “chuộng”
Theo thông tin trên báo VNE, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị lớn. Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất ba tuần. Người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến hai tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Nhiều bệnh nhân không thể qua khỏi hoặc để lại những biến chứng nặng nề.
Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường tăng vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Lý do vì nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn.
Bệnh lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da…
Theo thống kê, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cho thấy gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Để phòng nguy cơ nhiễm lây nhiễm các bệnh từ lợn, người dân không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Cần nấu chín thịt lợn và các chế phẩm từ lợn bởi khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh.