Một số người cho rằng, món tiết canh chế biến từ lợn “cắp nách” nuôi thả rông, không cho ăn chất tăng trọng và kích thích sẽ sạch và an toàn tuyệt đối. Thế nhưng họ không thể lường được nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh rất dễ gây tử vong và để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh, bệnh nhân này có nguy cơ phải cắt cụt các đầu ngón tay, chân. (Ảnh: L.H) |
Bệnh nguy hiểm đến tính mạng
Trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hằng năm bệnh viện (BV) này tiếp nhận trung bình khoảng 100 bệnh nhân (BN) nhiễm liên cầu lợn ở các thể bệnh khác nhau. Các nhóm bệnh này thường xuất hiện rải rác ở các địa phương và các mùa trong năm. Những năm gần đây, vào dịp Tết, số BN có sự gia tăng bất thường.
“Đa số BN nhập viện đều có tiền sử bệnh do ăn thực phẩm từ lợn sống như: tiết canh, các món trần tái, trực tiếp tham gia giết mổ, tiêu huỷ hoặc ăn thịt những con lợn ốm, lợn bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Mới đây (ngày 6/1), Khoa Cấp cứu BV này đã tiếp nhận BN nam (tên là Nguyễn Hồng H, 35 tuổi, ở TP. Lai Châu) trong tình trạng sốc nặng, ban hoại tử toàn thân cũng vì ăn tiết canh của lợn “cắp nách” dù trước đó không mắc bệnh gì. Chị Nguyễn Thị V, người nhà của BN cho biết, trước đó 5 ngày, BN đã mua con lợn mán (lợn “cắp nách”) trong bản về làm thịt và chế biến món tiết canh mời gần 20 người đến liên hoan dịp Tết Dương lịch. Sau 1 ngày, thấy BN lên cơn sốt rét, gia đình vội đưa đến BV Đa khoa tỉnh Lai Châu. Chị V cứ nghĩ BN được cấp cứu kịp thời và trở lại trạng thái bình thường, có thể hôm sau sẽ đi làm được. Không ngờ, ngay hôm sau toàn thân BN tím tái, biến dạng, khiến mọi người hốt hoảng.
“Thấy tình trạng bệnh diễn tiến quá nhanh và nặng nên BV Đa khoa tỉnh Lai Châu cho chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư để điều trị. Giờ tôi không biết sau này H có bị ảnh hưởng gì tới sức khỏe không khi toàn thân vẫn tím tái biến dạng, bứt rứt, mệt mỏi”, chị V lo lắng cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, BN may mắn được BV tỉnh xử lý ban đầu rất tốt nên khống chế được tình trạng sốc và không dẫn tới suy đa phủ tạng. Nhưng các ban hoại tử loang rộng khắp toàn thân và có co thắt, tắc mạch, hoại tử các đầu chi nặng nề, khả năng phải nằm viện dịp Tết rất cao và nguy cơ BN này có thể phải cắt cụt các đầu ngón tay ngón chân. BN nhiễm trùng máu do liên cầu lợn nặng, thông thường phải điều trị mất hàng tháng trời, tùy thuộc vào mức độ suy phủ tạng và phải sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ phủ tạng, chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tuyệt đối không được ăn thực phẩm sống từ lợn
Bác sĩ Cấp cảnh báo: “Bệnh do liên cầu lợn có nhiều thể bệnh khác nhau nhưng hai thể chính hay gặp là nhiễm trùng máu và viêm màng não mủ. Với thể viêm màng não mủ, người bệnh có tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nặng hơn có thể rơi vào lơ mơ và hôn mê sâu, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn tới tử vong. Còn nếu điều trị tốt, BN có thể hồi phục nhưng cũng để lại di chứng như điếc tai, lơ ngơ… Với thể nhiễm trùng máu, BN thường bị sốt cao, có ban hoại tử trên da, có ban tắc mạch hoại tử đầu chi. Một số BN nặng hơn dẫn tới trường hợp sốc, nếu không được xử lý phù hợp và nhanh chóng, có thể suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, hôn mê, tụt huyết áp… Các phủ tạng bị suy nhiều, nguy cơ tử vong càng cao”.
Tết Nguyên đán 2017 đang cận kề, người dân phải hiểu rằng, dù con lợn được cho là sạch nhưng liên cầu lợn là loại vi khuẩn thường sống ở vùng hầu họng, trên da, đường tiêu hoá hoặc đường sinh dục của con lợn. Nếu chúng ta ăn phải sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín, nguy cơ lây bệnh cho người rất cao. BS Cấp cho biết thêm, một số BN nhập viện mắc liên cầu lợn nhưng tiền sử bệnh là ăn tiết canh vịt và dê là do hàng quán có sự pha trộn hoặc sử dụng chung dụng cụ khi chế biến món tiết canh. Và mầm bệnh lây lan từ đấy như tiêu chảy, ngộ độc, cúm gia cầm…
Do vậy, ngoài việc ăn chín uống sôi, người dân sau khi chế biến thực phẩm từ lợn và tham gia giết mổ phải rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn.