Theo kết quả nghiên cứu di tích kiến trúc khu A - B tại Hoàng thành Thăng Long do Viện Khảo cổ học và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2008 đến nay, đây là khu vực phát hiện được nhiều nhất, phong phú nhất và nguyên vẹn nhất các dấu tích của các loại hình di tích kiến trúc, hệ thống cống nước, giếng nước, tường bao… ở nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau.
Trong đó, nhiều nhất và còn khá nguyên vẹn nhất là quần thể di tích kiến trúc thời Lý.
Hiện trường khai quật, thăm dò khảo cổ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2012 |
Trong số các kiến trúc thời Lý được tìm thấy, đáng lưu ý nhất là kiến trúc cung điện lớn có mặt bằng khoảng 13 gian, xuất lộ 39 trụ móng sỏi hình vuông được xếp thành 11 hàng.
3 mặt phía Tây, Đông và Nam của kiến trúc có hệ thống đường cống thoát nước được xây bằng gạch chữ nhật và gạch chuyên dụng hình thang rất kiên cố. Phát hiện quan trọng nữa là hệ thống gồm 11 cụm móng trụ sỏi tròn. Mỗi cụm này được tạo bởi 6 trụ sỏi tròn xếp lại thành hình bông hoa 6 cánh, ở giữa là 1 trụ hình vuông.
Kiểu dáng và chức năng của kiến trúc độc đáo này hiện chưa thể nhận biết chính xác. Dựa vào bình diện mặt bằng, kết hợp với sự nghiên cứu so sánh với kiến trúc cổ Trung Quốc, các nhà khảo cổ học Việt Nam cho đây là công trình kiến trúc lầu gác được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn trong hoàng cung đương thời.
Trong "Việt sử lược" có ghi chép về loại hình kiến trúc này và gọi là trà đình (lầu để thưởng trà). Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy nhiều di tích móng tường bao, sân gạch, rãnh nước và nhiều di vật gạch, ngói lợp, tượng trang trí, đồ gốm sứ...
Về dấu tích hệ thống thoát nước được tìm thấy tại Hoàng thành, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành cho biết: "Thời nhà Lý xây dựng rất quy chuẩn. Viên gạch nào nghiêng, đứng, viên nào nằm người ta tính toán rất chuẩn và đường cống bắt hình chữ T cũng rất chuẩn. Đá cũng là loại chuyên dụng riêng cho các cống và chịu lực rất lớn để cho tường bao đi qua. Phải nói là trình độ xây dựng rất cao".