Sứa hộp Úc có thể chứa lượng độc giết chết 60 người chỉ trong vài phút |
Cú chích của loài kịch độc ở Úc đủ để khiến tim nạn nhân ngừng đập trong thời gian ngắn. Nhưng loại thuốc giải mới có thể ngăn các triệu chứng của chất độc nếu nạn nhân được tiêm thuốc kịp thời.
"Loại thuốc của chúng tôi có thể ngăn chất độc hoạt động. Bạn chỉ cần tiêm nó trong 15 phút sau khi bị sứa chích. Trong nghiên cứu, chúng tôi sử dụng hình thức tiêm nhưng nếu hiệu quả, loại thuốc này có thể được sản xuất dưới dạng xịt thay vì bôi", giáo sư Neely, phụ trách nghiên cứu, cho hay.
Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa bộ gen (CRISPR) để tìm hiểu cách thức hoạt động của nọc độc sứa hộp Úc. Họ phát hiện cách thức mà nọc độc hoạt động phải thông qua cholesterol. Vì vậy, các nhà khoa học quyết định dùng loại thuốc nhằm vào cholesterol để chặn đường đi của nọc độc.
"Chúng tôi sử dụng loại thuốc kháng độc khi biết chắc chắn thuốc này an toàn với con người. Nó là thuốc giải độc phân tử. Chúng tôi biết loại thuốc này ngăn hoại tử, sẹo và giúp giảm đau hoàn toàn khi tiếp xúc với da. Tuy nhiên, chúng tôi cần nghiên cứu thêm để xác định thuốc giải có thể ngăn trụy tim hay không", tiến sĩ Raymond Lau, người đứng đầu nghiên cứu, cho hay.
Sứa hộp (hay còn gọi là ong bắp cày biển) sống chủ yếu ở những vùng nước ấm trên khắp thế giới. Chúng có đường kính tối đa 30 cm, sở hữu tới 60 xúc tu có thể dài tới hơn 3m. Dù chúng khá lớn, nhiều người vẫn vô tình chạm phải do chúng trong suốt.
Ở miền bắc nước Úc, nhiều biển hiệu được đặt khắp các bãi biển để cảnh báo du khách về mối nguy hiểm của sứa hộp khi chúng sinh sản vào các tháng mùa hè.