Tìm hiểu trang bị mới của Binh chủng Công binh

Xe được thiết kế dùng để chở người, các phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn người, tài sản trong trường hợp cháy nổ, sập đổ công trình, tai nạn giao thông, thiên tai bão lụt...
Xe nhập từ Cộng hòa Liên bang Đức về cách đây không lâu. Các thiết bị đi kèm và phương tiện tác nghiệp trên xe đều do các hãng nổi tiếng của Đức, Áo và Mỹ sản xuất.
Xe gồm 3 phần chính: Phần xe cơ sở; phần thùng chứa thiết bị cứu hộ, cứu nạn và phần thiết bị công tác đi cùng.

Xe cơ sở

Xe dài 8,75m, rộng 2,5m, cao 3,5m, có tổng tải trọng 18 tấn. Các thiết bị đi kèm được thiết kế và đặt cân đối, gọn, khoa học trên nóc, phía sau và trước xe. Để đảm bảo dễ thấy, dễ lấy khi tác nghiệp, thuận tiện cho việc cơ động, nhất là ở những nơi địa hình hẹp.
Xe sử dụng động cơ D0836 LFL chạy dầu diesel do hãng MAN (Cộng hòa Liên bang Đức) chế tạo, với 6 xilanh thẳng hàng có công suất 176 KW.
Phần cabin của xe chứa được 6 người ngồi, bao gồm các thiết bị: Biển báo hiệu nguy hiểm, hộp cứu thương, tai nghe, mũ bảo hiểm, đèn chiếu xa, bộ đàm, điều khiển cột đèn, điều khiển tời, thiết bị cảnh báo tín hiệu giao thông và các phụ tùng đi kèm.
Đặc biệt, trên ca bin của xe trang bị máy đo lượng khí oxy, LEL, H2S, CO. Các thiết bị giúp người thực hiện nhiệm vụ có thể dễ dàng phát hiện cháy, nổ thông qua các tín hiệu cảnh báo bằng đèn.

Thùng xe chứa thiết bị cứu hộ, cứu nạn

Phần thùng xe được chia làm 4 khoang. Các khoang có chứa các kệ giá thiết kế dạng xoay. Các kệ để dụng cụ được thiết kế trượt trên thanh ray có các khóa hãm. Hệ thống đèn chiếu sáng tự động được bố trí hợp lý giúp người tác nghiệp dễ dàng quan sát, dễ lấy dụng cụ khi trời tối.
Xe cứu hộ đa năng hạng trung SRF.
Xe cứu hộ đa năng hạng trung SRF.

Khoang chứa tới 119 thiết bị từ thô sơ đến hiện đại, trong đó có nhiều thiết bị chuyên dùng được chế tạo bằng các vật liệu đặc biệt, như: Bộ cứu hộ thuỷ lực có lực cắt lên tới 107 tấn, có thể cắt được thép tròn 43mm; thiết bị căng tách có lực tách lớn nhất lên tới 203kN.
Xilanh cứu hộ dùng để nâng chuyển các vật nặng trên cạn và dưới nước, tạo khoảng trống để tác nghiệp được nhanh chóng.
Ngoài ra còn có các thiết bị: Túi nâng loại 25, 50 và 69 tấn; đệm nhảy cứu hộ, cứu nạn; tời cáp, máy khoan; quạt công suất cao; máy cắt bêtông HUSQVARNA cầm tay; cưa xích HUSQVARNA; vật liệu xử lý hoá chất; bộ đồ chống hoá chất; bộ đồ bảo vệ chống cháy, chống nước; xuồng cao su cứu hộ; bộ dụng cụ chữa cháy; bộ đồ lặn…

Thiết bị công tác

Các thiết bị công tác đi cùng xe gồm: Cẩu kết cấu chữ Z gắn ở đuôi xe được vận hành bằng thủy lực, có sức nâng tối đa 3,3 tấn; duỗi  xa 7,2m; góc quay tối thiểu 400 độ. Sức nâng phụ thuộc vào việc cần cẩu vươn xa bao nhiêu mét.
Tời cáp bố trí phía trước của xe và được dẫn động bằng bơm thuỷ lực có ức kéo tối đa 5 tấn, tốc độ cuốn cáp trung bình 9m/phút. Trụ đèn cao tới 6m so với mặt đất, bao gồm 8 bóng đèn, mỗi bóng có công suất 42W và có thể chiếu xa 100m.
Thang duỗi ba phân đoạn được làm bằng nhôm đặc biệt và có chiều dài 12m, có thể đưa người, trang bị lên các toà nhà cao tầng để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Do được sản xuất bằng nhiều loại vật liệu đặc biệt, hơn nữa các linh kiện của một số thiết bị được tích hợp các mạch điện tử nên chế độ bảo dưỡng thiết bị, linh kiện của xe sau thực hiện nhiệm vụ là vô cùng nghiêm ngặt, khắt khe.
Xe cứu hộ SRF được đánh giá có tính cơ động cao, lượng thiết bị đi kèm gọn, nhẹ. Xe cũng có khả năng cứu hộ trên mặt nước, trong điều kiện địa hình thời tiết diễn biến phức tạp.
Hiện nay, cùng với trang bị xe cứu hộ đa năng hạng trung SRF cho Tiểu đoàn 93, Bộ Quốc phòng cũng đã trang bị loại xe này cho các quân khu 1, 2, 3 và Quân khu 5.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Đọc nhiều nhất

Tin mới