Tiết lộ về tên lửa đắt đỏ Mỹ lần đầu dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran

Tiết lộ về tên lửa đắt đỏ Mỹ lần đầu dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran

Các tàu chiến của hải quân Mỹ đã sử dụng một loại tên lửa đánh chặn chưa từng thực chiến trước đây để bắn rơi một số tên lửa đạn đạo Iran vào tuần trước.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa SM-3 trong một cuộc diễn tập ở Thái Bình Dương.

Theo tờ Business Insider, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro nói quân đội Mỹ đã sử dụng tên lửa đánh chặn Standard Missile 3 (SM-3) để ngăn chặn một số tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel.

"Chúng tôi đã sử dụng các tên lửa SM-2, SM-6 và cuối tuần qua, chúng tôi sử dụng tên lửa SM-3 để đối phó các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Iran", ông Del Toro phát biểu trong phiên điều trần tại một ủy ban của Thượng viện Mỹ.

Trước đó, quan chức Mỹ nói hai tàu khu trục USS Arleigh Burke và USS Carney hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải đã ngăn chặn ít nhất 4 tên lửa đạn đạo phóng từ Iran. Đầu tuần này, truyền thông Mỹ đồn đoán hai tàu chiến trên đã phóng từ 4 - 7 quả tên lửa SM-3. Tuyên bố của ông Del Toro trước Thượng viện được coi là lần đầu tiên hải quân Mỹ xác nhận sử dụng tên lửa SM-3 trên tàu chiến.

SM-3 được thiết kế để chuyên ngăn chặn tên lửa đạn đạo, đặc biệt để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung trong giai đoạn giữa hành trình. Mẫu tên lửa này phù hợp để trang bị trên các tàu chiến có Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.

"SM-3 là tên lửa duy nhất trong dòng tên lửa Standard Missile của Mỹ có khả năng hoạt động ở môi trường vũ trụ", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), cho biết.

Bất chấp việc tên lửa SM-3 được hải quân Mỹ thử nghiệm trong hàng thập kỷ, loại vũ khí này chưa từng được thực chiến cho đến nay.

Do khả năng hoạt động trong môi trường vũ trụ, tên lửa SM-3 cũng được coi là vũ khí chống vệ tinh do có thể bắn rơi các vệ tinh bay ở tầm thấp. Phiên bản SM-3 Block IIA có tầm bắn lên tới 1.200km và tầm cao tối đa 1.050km. Ước tính mỗi quả tên lửa SM-3 có giá từ 9- 11 triệu USD. Theo tổ chức phi lợi nhuận mang tên Liên minh vận động phòng thủ tên lửa (MDAA), mỗi quả tên lửa SM-3 Block IIA hiện đại nhất có giá tới 36 triệu USD.

Tuy vậy, SM-3 không phải là vũ khí hoạt động ngoài khí quyển duy nhất được đưa vào chiến đấu cuối tuần qua. Quân đội Israel đã triển khai các tổ hợp phòng không Arrow-3 để bắn rơi tên lửa đạn đạo Iran. Mỗi quả đạn tên lửa Arrow-3 ước tính có giá khoảng 3,5 triệu USD.

Trong cuộc tấn công Israel, Iran thông báo sử dụng hai loại tên lửa đạn đạo Kheibarshekan và Emad. Mỹ và Israel công bố thống kê cho thấy Iran phóng khoảng 120 tên lửa. Ước tính giá trị mỗi quả tên lửa đạn đạo Kheibarshekan vào khoảng 300.000 USD.

Do đó, tên lửa đánh chặn SM-3 phiên bản thông thường có giá gấp ít nhất 30 lần so với tên lửa đạn đạo Kheibarshekan mà Iran sử dụng trong cuộc tấn công. Còn phiên bản SM-3 Block IIA có giá gấp hơn 100 lần so với Kheibarshekan. 

Đọc nhiều nhất

Nga - Mỹ thông báo kết quả cuộc họp "bước ngoặt" ở Ả Rập Saudi

Nga - Mỹ thông báo kết quả cuộc họp "bước ngoặt" ở Ả Rập Saudi

Cuộc họp Nga - Mỹ tại Ả Rập Saudi được truyền thông thế giới đánh giá là một bước ngoặt trong việc bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm căng thẳng. Hai bên đã thảo luận về việc khôi phục quan hệ ngoại giao, khả năng đàm phán hòa bình tại Ukraine và một hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tin mới

AUX: Làn gió mới trên thị trường điều hoà Việt Nam

AUX: Làn gió mới trên thị trường điều hoà Việt Nam

Ngày 18/02/2025 vừa qua, với tinh thần “Bứt phá giới hạn - Khai phóng tiềm năng”, điều hòa không khí AUX chính thức công bố sự hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua hai sự kiện hội nghị nhà phân phối diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tham gia sự kiện có sự hiện diện của các lãnh đạo tập đoàn AUX, chuyên gia đến từ trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) Nhật Bản cùng với đội ngũ nhân sự chủ chốt của công ty.