Những quản lý người nước ngoài làm công việc tư vấn cho một số dự án ODA tại TP.HCM có thể nhận mức lương lên tới 2,5 triệu Yen Nhật/tháng. Số tiền này tương đương với 500 triệu đồng.
Thông tin trên được ông Hoàng Như Cương – Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đưa ra trong buổi làm việc của cơ quan này với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào chiều ngày 31/7.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói chuyện với một kỹ sư Nhật Bản tại buổi lễ khởi công tuyến đường sắt số 1 vào tháng 8/2012. |
Trước đó, đề cập đến nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi phía đối tác chuyển giao công nghệ vận hành tuyến đường sắt đô thị, ông Cương cho biết, đối với tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), sau khi đưa vào hoạt động nhà thầu về cơ điện (Nhật Bản) sẽ chịu trách nhiệm thuê người và bảo dưỡng trong 5 năm.
Sau 5 năm đó nguồn nhân lực bên thành phố sẽ tiếp cận và chuyển giao kỹ năng. Tuy nhiên từ đó sẽ nảy sinh vấn đề về lương, bởi những người đang làm việc tại đây khi chuyển giao cho công ty Việt Nam quản lý sẽ “đương nhiên lương sẽ bị giảm do đó rất khó khăn trong việc giữ người”.
Cũng liên quan đến việc này, ông Cương chia sẻ, hiện tại Ban quản lý đường sắt đô thị đã được UBND Thành phố “chiếu cố” được hưởng lương gấp 2,7 lần so với lương sự nghiệp. Như vậy một kỹ sư sẽ được khoảng 6 triệu đồng/tháng.
“Tuy nhiên nếu so với tiền trả cho tư vấn nước ngoài thì một ông quản lý nước ngoài tối thiểu nhận 2,5 triệu Yen, tương đương với 25.000 USD, còn giám đốc phải trên 30.000 USD. Với các dự án của ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á), WB (Ngân hàng thế giới) cũng tương đương như vậy”, ông Cương nói.
Phát biểu về vấn đề này, ông Tất Thành Cang – Phó Chủ tịch UBND Thành phố thừa nhận, với mức lương hiện nay, “không thể thuê được chuyên gia làm việc trong cơ chế sự nghiệp của chúng ta”.
Ông cho rằng thành phố cần có chế độ đãi ngộ đãi ngộ với trí thức. “Thậm chí là chúng ta lấy chi phí quản lý để thuê những chuyên gia giỏi với mức lương phải cao và tương xứng để người ta làm cho mình trong bao nhiêu năm đó với một số dự án” – ông Cang nói.
Trong khi đó ông Phạm Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Chính sách là do mình làm ra chứ có phải ai làm ra đâu, cái gì không phù hợp mình phải tự điều chỉnh. Mức lương này là tự mình trả cho mình”. Sau đó ông Dũng đề nghị Ban quản lý dự án đưa ra những bất cập để đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét.