Reuters dẫn nguồn tin Văn phòng Kiểm toán Mỹ cho biết Tập đoàn Lockheed Martin, nhà thầu chính chương trình tiêm kích tàng hình F-35 không thể cung cấp đủ phụ tùng cho các máy bay đã bàn giao cho Không quân và Thủy quân Lục chiến.
Báo cáo cho biết từ tháng 1 đến ngày 7/8, 22% máy bay F-35 không thể bay do thiếu phụ tùng thay thế. Một đại diện Lockheed Martin cho biết công ty đang làm việc với Văn phòng Điều phối chương trình F-35 để rà soát lại toàn bộ chi phí cho mỗi giờ bay, từ đó áp dụng các phương pháp giảm thiểu chi phí hoạt động và duy trì F-35.
Sự thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình F-35 trong nhiều năm. Một phần của vấn đề này là do lỗi kế hoạch không đầy đủ và kinh phí tài trợ không tính đến khoản dự phòng trong thời gian dài.
Ngoài ra, việc phụ thuộc quá nhiều vào linh kiện mới mà chậm trễ trong việc thiết lập khả năng sửa chữa phụ tùng góp phần làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Lầu Năm Góc đang duy trì hoạt động khoảng 250 tiêm kích F-35 và có kế hoạch tăng gấp 3 lần số lượng vào năm 2021.
F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ hạ cánh trên tàu đổ bộ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trong tháng 2, Lầu Năm Góc đã ký thỏa thuận với Lockheed Martin mua 90 chiếc F-35 với đơn giá 95 triệu USD/chiếc, rẻ hơn so với 102 triệu USD/chiếc trước đó. F-35 được sản xuất với 3 phiên bản, trong đó, F-35A dùng cho không quân, F-35C dùng cho hải quân và F-35B cất hạ cánh thẳng đứng dùng cho thủy quân lục chiến.
Đây là chương trình máy bay chiến đấu lớn nhất lịch sử hàng không với kinh phí dự kiến hơn 1.500 tỷ USD. Ngoài Mỹ là khách hàng chính, chương trình còn có sự tham gia của 10 nước đối tác.
Chương trình máy bay F-35 đang đối mặt với nhiều vấn đề từ lỗi kỹ thuật, chậm tiến độ và phát sinh chi phí. Hiệu suất chiến đấu của máy bay này cũng là vấn đề gây tranh cãi. Dù F-35 còn nhiều vấn đề gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận nó là một trong những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới hiện nay.