“Đào” là cách gọi mà cả khách lẫn chủ các quán nhậu đặt cho những cô gái nhậu thuê. Đây là một trong nhiều “nghề” vốn được coi là nhạy cảm, song lại hấp dẫn không ít chân dài lựa chọn làm nghề mưu sinh. Đi sâu tìm hiểu nó, PV phát hiện cả một “kho bí mật” với một hệ thống bảo kê, “săn”, luyện và “độ đào” rất khép kín, đầy bí ẩn. Nhờ nó, nhiều kiều nữ “săn” được những đại gia bạc tỉ. Và, tất nhiên, với sự hỗ trợ của “đào” mà đại gia cũng ký được những hợp đồng nhiều tỉ khác. Sự cộng sinh nhuốm màu tình - tiền này đầy những tình huống dở khóc, dở cười mà người ngoài cuộc khó biết…
Dấn thân vào “nghề” nhậu thuê
Phải mất hơn 1 tháng và trải qua không dưới chục trận nhậu tới bến, PV mới tiếp cận và bắt mối được một bóng hồng mà dân làm nghề nhậu thuê coi là chị cả trong giới. Bóng hồng uống rượu thuê hay còn gọi với từ chung là nhậu thuê ở tiệc, bàn nhậu hay ở phòng hát đều được dân trong nghề gọi với từ chung là “đào”. Huế vốt-ka chính là nhân vật trải nghiệm thực tế mà PV đang nói đến. Theo câu chuyện của Huế, cái biệt danh Huế vốt- ka cũng là “dấu ấn” cho trận nhậu đầu tiên mà cô bước vào nghề này. Huế kể: “Đấy là cách đây vài năm, trong một lần đi cùng ông anh xã hội tới một cuộc nhậu, em được ông anh giới thiệu là “em gái” và nhờ “em gái” rót giúp rượu cho cuộc nhậu thêm vui. Những ly rượu đầu tiên như tra tấn cuống họng em. Trước đó, em chưa từng uống loại rượu nặng như vậy. Ấy thế mà không biết cơ duyên như thế nào, mà với bản năng trỗi dậy, 2 tiếng sau đó, em vừa tiếp vừa uống rượu với các đối tác một cách... ngon lành. Đến chầu rượu cuối, chẳng biết hứng ở đâu, em đã nhận “đấu chén” (nhận thách rượu-PV) với một đối tác trong bàn. Đó là việc 2 người “cưa” hết 1 chai rượu Vodka 75ml. Và, sau khi “nốc” hết nửa chai 75ml thì cả em và đối tác đều gục... tại chỗ”. Nói xong, Huế cười với PV: “Đấy, em vào nghề này như thế đấy anh ạ! Và, cái biệt danh Huế vốt-ka cũng từ đây mà ra”.
Huế vốt-ka được giới “đào” nhậu tôn làm sư phụ (ảnh cắt từ clip). |
Với tay lấy bao thuốc lá trong chiếc túi da hàng hiệu, Huế vốt-ka lắc tay điệu nghệ chiếc bật lửa Zipbo đánh xoẹt, châm điếu thuốc và kể tiếp: “Làm cái nghề này cũng cực lắm anh ạ! Với những người chưa một lần biết đến hơi men thì giai đoạn tập tành bao giờ cũng khó khăn. Có người vừa uống được một chén đã không chịu được vị cay và chát của rượu, người khác nhắm mắt, nhắm mũi uống được vài chén thì “tây” đến mức không làm chủ được mình, vớ gì đập nấy, thậm chí xé cả quần áo, cười khóc như ma làm. Kinh nghiệm của em cho thấy, ngay cả khi đã có “sao vạch” trong giới “đào nhậu”, để là người “lái xe” trên bàn nhậu thì “đào” có kinh nghiệm phải làm động tác thử rượu, tức là uống thử xem tửu lượng của mình bao nhiêu để có thể kiềm chế bản thân khi tiếp xúc với khách hàng. Sau cuộc nhậu, nếu không say mèm, quắc cần câu hoặc không để cho khách đụng chạm, sàm sỡ quá đáng là đạt yêu cầu”. Huế vốt-ka thừa nhận, nhiều người vẫn gọi các cô là tiếp viên di động, gái hầu rượu... Dù thấy tủi thân, song với sinh viên ngoại tỉnh như cô, để có tiền trang trải cuộc sống thì nghề nào cũng sẵn sàng dấn thân. "Quan trọng nhất của nghề này là phải uống không biết say, phải cười nói và luôn ca ngợi những người chẳng hề quen biết để vừa lòng họ. Họ phàn nàn hoặc khó chịu thì coi như mình mất mối”, Huế vốt-ka nói.
Một “đào” trong một cuộc nhậu được PV bí mật ghi lại (ảnh cắt từ clip). |
Thái Bình là sinh viên năm thứ hai tại một trường đại học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội, cùng trong nhóm nhậu thuê của Huệ vốt-ka, cũng tham gia câu chuyện với chúng tôi. Theo Thái Bình, trong các cuộc thương thuyết làm ăn, ký kết hợp đồng, thậm chí chỉ là những lý do hết sức bình thường như thăng chức, trúng quả lớn... người ta đều đem nhau ra bàn nhậu. Thái Bình chau mày chia sẻ: “Vào các cuộc nhậu mang tính chất ngoại giao, chốt hợp đồng, khách hàng đa phần là người có tiền, dân làm ăn nên họ rất chịu chi. Tiền công họ trả cả triệu đồng/cuộc, tiền boa còn nhiều hơn, nên nhiều khi khách say, nôn ra cả người mình, thấy ghê nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng. Nhưng điều đó cũng không đáng sợ bằng có khách sàm sỡ, rồi rủ rê mình đi qua đêm. Làm nghề này mà không có bản lĩnh, không biết giữ mình sẽ rất dễ sa ngã”.
Bí quyết không biết say
Vẫn biết, dấn thân vào nghề này, khi đã nhảy vào những chuyến “bay đêm”, các “đào” đều phải uống tới bến. Và, muốn tỉnh táo đến tận khi nhận được tiền công, bản thân các “đào” phải tự luyện kỹ nghệ “lách chén” để được tỉnh táo. Huế vốt-ka cho hay: “Rượu trong các tiệc đều có nồng độ cồn tới hơn 400. Trong một bữa nhậu, uống “tùm lum tùm la” mấy loại rượu, “đào” có là “đẳng” trong giới cũng bị ma men quật gục. Thế nên, điên thì mới có chuyện khách mời bao nhiêu, uống bấy nhiêu. Phải biết khéo léo nhìn mặt khách mà cư xử. Những ông mặt khó đăm đăm coi vậy chứ lại dễ tính, cứ nói mình uống không được thì họ cũng chẳng ép. Gặp những người khó tính quá, lúc mới vào bàn nên nói khéo: “Em cả ngày hôm nay chưa ăn gì, anh chờ em chút...”. Nếu mà ép nữa thì xin uống chung ly với họ”.
Tôi hỏi: “Làm thế nào để không say? Uống thuốc giải rượu; ăn trứng chần; uống bột sắn dây... trước khi vào bữa tiệc?”. Huế vốt-ka trả lời: “Những chiêu ấy cũ rồi anh ơi. Uống vào càng nhanh say hơn?”. Vậy bí quyết? Huế vốt-ka cười mà rằng: “Em thấy bọn nó cho một phần tư hoặc một nửa viên gì đó vào trong cốc rượu. Hỏi ra mới biết đó là thuốc lắc. Chúng nó uống nhiều lắm, chẳng thấy gục tại bàn bao giờ...”.
Và, tôi đã hiểu vì sao, Thái Bình nói: "Mỗi ngày trung bình em uống khoảng 3 lít rượu, còn bia thì không biết bao nhiêu mà tính" mà vẫn không say, vẫn chịu được. Trong khi đó, những ngày đầu mới nhậu, về đến nhà là vật ra mà nôn thốc, nôn tháo ra phòng trọ, thậm chí có lần gục ngay tại bàn. Sau những lần đó, tửu lượng của cô lên dần. Đồng thời, cô cũng học được nhiều chiêu thức, kỹ xảo trong nghề. Đơn giản nhất là cứ nhậu được khoảng 5-6 chai là cô vào nhà vệ sinh, móc họng nôn ra càng nhiều càng tốt, rồi lại tươi tỉnh quay lại bàn uống tiếp. Rồi sau này, theo nhiều “đào” kháo nhau, uống thuốc giải rượu trước khi nhậu. Tuy nhiên, bản thân Thái Bình cũng phải thừa nhận, thuốc giải rượu không có tác dụng trong những cuộc nhậu kéo dài và số lượng rượu lên tới vài chục chai. Nó còn khiến người uống thuốc bị ngấm rượu khi nào mà không biết. Cách tốt nhất để “trụ” là “luyện” uống và học cách thức của các anh chị đi trước.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Điều trị nghiện chất, viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - bệnh viện Bạch Mai cho biết, rượu là một chất gây nghiện, gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, gây phụ thuộc về cơ thể và tâm thần mạnh, rượu được coi là bị lạm dụng nhiều nhất trong số các loại chất gây nghiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nghiện rượu là một bệnh mãn tính, do nhu cầu uống rượu không được thoả mãn một cách thường xuyên, gây thèm rượu bắt buộc làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác, đến sức khoẻ tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội.
Rượu không chỉ là nguyên nhân gây tử vong trong các vụ tai nạn giao thông mà tình trạng lạm dụng rượu khiến không ít người bị nghiện và rối loạn tâm thần.
“Đào” hoạt động theo sự điều tiết của “ông trùm”
Từ những câu chuyện của các “đào” cùng với sự thâm nhập thực tế của PV, chúng tôi phát hiện, hầu hết “ông trùm” điều “đào” đến các tiệc nhậu đều có sự tính toán trước. “Đào” chỉ được nhận vài trăm nghìn đồng/lần nhậu. Tính ra cứ mỗi giờ nhậu, các “đào” nhận được 200.000 đồng. Cuộc nhậu kéo dài quá 3 tiếng, bắt đầu tiếng thứ tư, “đào” sẽ chỉ nhận được 50.000 đồng/giờ. Để có thu nhập thêm, các “đào” lại một lần nữa phải tung ra các chiêu để tửu khách khoái mà “bao” thêm tiền.