Vừa qua, TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên) năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cáo buộc của VKS và nhận định của tòa
Theo cáo buộc của VKS, từ ngày 1-10-2012 đến năm 2017, bà Dung là bí thư chi bộ, giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để trục lợi.
Bị cáo Lê Thị Dung thời điểm bị bắt. Ảnh: CA |
Mong sớm làm sáng tỏ sự việc
Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Thạch (chồng bà Dung) buồn rầu nói: “Tôi muốn cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ sự việc, đúng sự thật. Vợ tôi bị oan, đang bị tạm giam”.
Ông Thạch cho biết thêm ông đã nhiều lần làm đơn bảo lĩnh xin cho vợ được tại ngoại nhưng không được trả lời.
Về việc vì sao không cho bà Dung tại ngoại, chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho rằng bà Dung phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên theo quy định không quyết định cho tại ngoại được.
Theo đó, trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ (quy chế này chưa được Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An thông qua theo quy định) và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền hơn 45 triệu đồng.
Cụ thể, tuy đã được thanh toán những nội dung: Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học… nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần hai) theo quy chế nêu trên trong các năm: Năm học 2011-2012 là hơn 3 triệu đồng; năm học 2013-2014 là 303.052 đồng; năm học 2014-2015 là hơn 30 triệu đồng; năm học 2015-2016 là gần 14 triệu đồng.
VKS cáo buộc bà Dung đã hai lần gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm GDTX trên 10 triệu đồng, phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với tình tiết phạm tội hai lần trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 356 BLHS với khung hình phạt 5-10 năm tù.
HĐXX nhận định cáo trạng của VKS đã truy tố đúng người, đúng tội.
Từ đó, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bà Dung mức án năm năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt).
Chánh án huyện: Không đủ điều kiện tuyên dưới khung hình phạt
Sau phiên tòa sơ thẩm, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng tòa án xét xử không công bằng, số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt quá cao.
Về vấn đề này, chiều 4-5, ông Lâm Quốc Tú, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), cho biết bà Dung từng làm hội thẩm nhân dân tại TAND huyện Hưng Nguyên nhiều năm và đã tham gia xét xử nhiều phiên tòa.
“Cô Dung nắm pháp luật tương đối chắc. Trong cơ cấu hội thẩm của TAND huyện có giáo viên, Đoàn Thanh niên để xét xử những bị cáo vị thành niên. Cô Dung đã tham gia xét xử nhiều vụ rồi. Hiện cô Dung đang kháng cáo bản án của TAND huyện Hưng Nguyên” - ông Tú nói.
Theo chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, ông có nắm bắt được thông tin dư luận người dân, mạng xã hội cho rằng xử oan, xử quá nặng. Ông Tú trải lòng: Để khởi tố, truy tố, xét xử một người không phải đơn giản, căn cứ vào pháp luật, nhiều khi người dân chưa tiếp cận được toàn bộ thông tin vụ án nên có cái nhìn chưa khách quan. Người dân so sánh những vụ gây thiệt hại mấy tỉ đồng mà tuyên nhẹ tội hơn vụ cô Dung nhưng cần phải biết được rằng mỗi tội luật quy định khác nhau, trong nhóm tội tham nhũng và nhóm tội khác là khác nhau.
“Chúng tôi cũng muốn cô Dung thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền đã nhận gần 45 triệu đồng thì cô có ba tình tiết giảm nhẹ, HĐXX không tuyên đến năm năm như thế đâu. Theo luật quy định chúng tôi không có cách khác, xét xử chúng tôi cũng cắn rứt chứ mức án như thế chúng tôi thấy không thể thỏa mãn đối với hành vi của cô nhưng luật quy định như thế rồi. Chỉ một tình tiết giảm nhẹ thì không thể xử dưới khung hình phạt, nếu làm vậy (xử dưới khung - PV) thì chúng tôi sẽ bị hủy án và phải giải trình ngay, còn bị xem xét tư cách thẩm phán”.
Về thông tin cho rằng tòa đã áp sai luật hoặc xử quá nặng, chánh án TAND huyện Hưng Nguyên nêu quan điểm: “Họ trích dẫn sai cho rằng mỗi hành vi chưa đủ 10 triệu đồng và cộng lại thì chỉ tuyên theo khoản 1 nhưng theo Nghị quyết 03 của TAND Tối cao đã hướng dẫn cụ thể rồi, đây là phạm tội nhiều lần”.
Về tình tiết “phạm tội hai lần trở lên”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc, ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết dựa trên bản kết luận điều tra và cáo trạng có thể xác định bà Dung đã thực hiện các hành vi thanh toán trái quy định pháp luật để chiếm đoạt tiền từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Hành vi này được thực hiện do bà Dung lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, phù hợp với dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS). Cụ thể là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về một số tình tiết định khung hình phạt thì tình tiết “phạm tội hai lần trở lên” quy định tại khoản 2 Điều 356 BLHS là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ hai lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo cáo trạng, trong những lần gây thiệt hại của bà Dung có hai lần hành vi được thực hiện đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều 356 BLHS, gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên nên có thể áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 356 BLHS đối với bà Dung.
Ngoài ra, cũng theo ThS Thảo, khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 03 có hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của BLHS, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng giá trị tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để áp dụng quy định này phải là tổng giá trị tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng. Do tổng giá trị tài sản thiệt hại trong vụ án này chỉ là gần 45 triệu đồng, không thuộc khung hình phạt tăng nặng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự không thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 8 mà sẽ dựa vào quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03 như đã nêu trên, tức chỉ bị áp dụng duy nhất tình tiết định khung tăng nặng là “phạm tội hai lần trở lên”.
“Ở đây, HĐXX đã dựa trên các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đã tuyên phạt theo mức thấp nhất của khung hình phạt”- ThS Thảo nói.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục phân tích vụ án này.
Bộ GD&ĐT: Mong TAND cấp tỉnh xem xét toàn diện vụ án
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết Bộ GD&ĐT đã nắm được thông tin TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) mở phiên tòa xét xử bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên) năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 45 triệu đồng.
“Lãnh đạo Bộ GD&ĐT rất quan tâm tới vụ việc này và đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, đảm bảo xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng; đồng thời thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp luật” - ông Đức nói.
Ông Đức cũng nhấn mạnh đây là quan điểm nhất quán của Bộ GD&ĐT. Việc xem xét vụ án là thẩm quyền của các cơ quan pháp luật theo quy định.