Thay đổi cách viết tiếng Việt theo như đề xuất của cá nhân ông Bùi Hiền sẽ đe dọa, gây nguy cơ xáo trộn và đứt gãy tổng thể... trong các hoạt động của đất nước và của dân chúng.
Giả dụ cải tiến của Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền thành hiện thực, không những Hiến pháp phải in lại, mà ngay cả đồng tiền, đơn xin việc, giấy kết hôn, thẻ căn cước, tên người, các danh từ riêng... đều phải sửa và in lại.
Dưới khía cạnh văn bản học, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chia sẻ quan điểm của mình với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - Ảnh: Hiền Hòa. |
* Thưa ông, như ông đã đề cập trên Facebook cá nhân, việc đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền có thể dẫn đến những tổn thất vô cùng to lớn về mặt văn bản học.
Tổn thất này có giống như khi Việt Nam rời bỏ chữ Hán-Nôm để bước qua sử dụng quốc ngữ?
- Tôi có chỗ đã gọi đề xuất của ông Bùi Hiền là một không tưởng (utopia), và tôi dám chắc rằng không một chính quyền nào dám đứng ra đưa cả loạt đề xuất này của ông vào thực hiện!
Là vì nó sẽ gây ra những xáo trộn cực lớn nhưng vô nghĩa, tiêu phí rất rất nhiều tiền bạc mà không chắc đã thành sự!
So với thời xã hội Việt Nam rời bỏ văn tự Hán-Nôm để bước sang sử dụng Quốc ngữ? Cũng có thể so sánh, nhưng ở những tầm mức rất khác nhau.
Khi Việt Nam rời bỏ hệ văn tự Hán - Nôm sang dùng hệ văn tự Quốc ngữ, quy mô sử dụng văn tự Hán-Nôm rất nhỏ, có thể không tới 2,5 triệu người (những năm 1858-1920 Việt Nam có 25 triệu dân, giả định trong đó nhiều lắm có 10% dân số tức 2,5 triệu người biết chữ tức biết đọc và viết chữ Hán - Nôm); phạm vi hoạt động bị ảnh hưởng chỉ ở khu vực hành chính nhà nước.
Ngoài ra, nhiều giao tiếp dân sự chưa chắc đã chịu ảnh hưởng gì rõ rệt, bởi người ta vẫn giao tiếp bằng tiếng Việt, không cần nhất thiết phải viết nó bằng văn tự gì, dù Hán-Nôm hay Quốc ngữ.
Thêm nữa, những chuyển đổi văn tự thời đó đã diễn ra rất từ từ, theo lối có thêm một phương tiện mới hơn là bị mất ngay một phương tiện cũ, cho nên mọi thứ dường như ổn thỏa.
Nhưng tất nhiên, đó chỉ là chuyện trước mắt. Còn về lâu dài, sự rời bỏ hệ văn tự này chuyển sang dùng hệ văn tự khác sẽ kéo theo những đứt gãy văn hóa mà ngay tức thời thì không thấy, nhưng với thời gian sẽ lộ ra dần dần.
Rõ nhất là toàn bộ những gì viết bằng hệ chữ Hán-Nôm, từ sách vở, câu đối, văn khắc... với thời gian, khi không còn lớp người biết hệ chữ Hán-Nôm nữa, công chúng thời sau không còn biết những sách vở, văn khắc kia viết gì.
“Cố nhiên trong khoảng giao thời, người ta có dịch thuật để chuyển tải những trứ tác Hán-Nôm đời trước sang Quốc ngữ; nhưng dịch không phải bao giờ cũng chuyển tải được hết; vả lại vẫn còn không ít thứ không được dịch sẵn để chờ kẻ sau. Toàn bộ những mất mát ấy được gọi là đứt gãy văn hóa, do việc chuyển đổi văn tự gây ra." Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Còn giả sử "đề xuất Bùi Hiền" được thực hiện bây giờ ư?
Khó có thể hình dung, khi lệnh áp dụng nó được ban hành, thì mọi thứ sẽ bị xáo trộn ra sao? Tôi nghĩ sẽ rất tệ, kiểu như một trật tự cũ bị tuyên vô hiệu hóa, phải tốn rất nhiều thời giờ, công sức để sửa lại mọi hệ thống, từ thói quen viết chữ Việt trong nhà trường và ngoài xã hội, đến hệ thống báo chí, xuất bản, hệ thống văn bản của mọi tổ chức cơ quan...
Rồi mọi hệ thống thông tin truyền thông có sử dụng chữ Việt, từ hãng tin nhà nước đến hãng kinh doanh nước ngoài có làm ăn với Việt Nam đều phải chỉnh sửa cho phù hợp với đối tác.
Một chữ đồng chỉ đơn vị tiền Việt sẽ phải đổi là dồq - ví dụ thế - chắc chắn tiêu tốn nhiều tiền bạc cả cho các nhà nước và cá nhân người nước ngoài chứ không chỉ cho người Việt mình!
Nói như thế vẫn chưa hết những phiền toái do vụ việc gây ra! Nhưng tôi đoán chắc không bao giờ chính phủ lại thực hiện thứ "dự án" vô nghĩa và gây thảm họa này đâu!
Về mặt văn bản học, những thành tựu đáng kể nhất của Quốc ngữ mà chúng ta đang dùng hiện tại là gì?
- Quốc ngữ như ta đang dùng đã có những thành quả gì đáng kể nhất ư? Tôi nghĩ là nhiều đấy. Chỉ kể khái quát vắn tắt một vài điều.
Thứ nhất, việc Quốc ngữ được chế định như văn tự chính thống tại 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ trong cõi Đông Pháp (1963-1954) đã làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ có đủ một cách đồng bộ hai bộ phận, cả tiếng nói lẫn chữ viết, đủ điều kiện đóng vai trò một ngôn ngữ quốc gia ở thời hiện đại.
"Điều này đã không xảy ra đối với chữ Hán và chữ Nôm trong suốt ngàn năm Bắc thuộc và gần ngàn năm quân chủ độc lập. Bởi các nhà nước quân chủ độc lập, từ Đinh, Lê… đến Nguyễn, tuy dùng chữ Hán làm văn tự chính thức, nhưng chỉ sử dụng nó như một tử ngữ, lý do là đã không thể đưa tiếng Hán vào vị trí chính thức được!". Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Chữ Nôm được giới nho sĩ người Việt chế tác dựa vào chữ Hán, tuy có vai trò làm phát triển văn học tiếng Việt, nhưng chưa hề được các nhà nước quân chủ cấp quy chế văn tự chính thống!
Thứ hai, sự xuất hiện và phát triển Quốc ngữ đã góp phần:
- Làm phát triển con người và xã hội Việt Nam
- Tạo điều kiện thống nhất ngôn ngữ trên cơ sở hình thành dần dần các chuẩn mực về từ vựng, cú pháp và phần nào cả ngữ âm, các chuẩn mực này tồn tại đồng thời và thông qua những đa dạng phương ngữ.
- Là điều kiện cho sự hình thành và phát triển các diễn ngôn chữ viết, cũng làm phát triển năng lực tư duy của người Việt.
Với Quốc ngữ, nền báo chí hiện đại của người Việt mới xuất hiện. Với Quốc ngữ, cũng ra đời một nền văn học mới, có cơ cấu tương tự các nền văn học của các dân tộc hiện đại.
Chỉ cần nhớ đến 150 năm phát triển báo chí Quốc ngữ (từ 1865 đến nay) và xuất bản sách Quốc ngữ ở tất cả mọi lĩnh vực, ta sẽ hình dung khối lượng sản phẩm đồ sộ đã được người Việt chúng ta tạo ra, với việc sử dụng Quốc ngữ.
* Ông Bùi Hiền nói rằng "quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…". Ông bình luận sao về suy nghĩ này?
- Tôi không phải chuyên gia ngữ học, chỉ là người nghiên cứu văn học, bỗng nảy ra ý này: Ông Bùi Hiền sinh lầm thời đại rồi!
Phải chi ông Bùi Hiền và dự án nghiên cứu này của ông xuất hiện từ trước lúc ngài Alexandre de Rhodes lên đường về Roma đem theo bản thảo cuốn "Từ điển Việt-Bồ-La"!
Hoặc chỉ cần xuất hiện trước lúc ngài Bá Đa Lộc soạn xong "Tự vị Annam - Latin"!
Ở thời các bản đề cương còn chưa được đưa vào đời sống, có lẽ khá dễ để đưa ra hàng loạt sửa chữa cho những phương án đã có trên giấy.
Còn khi cái hệ thống "có nhiều bất hợp lý, bất tiện" nhưng đã đi vào đời sống và tạo ra đời sống của mình trong suốt gần hai thế kỷ, thì nó là cả một văn hóa, cả một di sản đồ sộ, đâu có thể dễ dàng "xóa đi làm lại"?
* Ngày nay các nhà ngôn ngữ cấp tiến tại Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng việc dùng chữ giản thể đã khiến cho nhiều thế hệ cắt đứt với quá khứ, với văn hóa - lịch sử…
Rồi vì tò mò, hoặc vì nhu cầu hiểu biết, ngoài chữ giản thể, họ cũng phải học thêm cách đọc chữ phồn thể, nghĩa là "một ách hai tròng".
Nếu chẳng may những đề xuất kiểu của ông Bùi Hiền thành hiện thực, ngoài chuyện tốn kém vô vàn, các thế hệ người Việt tương lai có bị "một ách hai tròng" như vậy không?
- Với gợi ý từ câu chuyện chữ Hán phồn thể - giản thể, tôi nghĩ đến lần chuyển đổi văn tự của người Việt mình từ Hán-Nôm sang Quốc ngữ Latin hóa, vô tình đã chịu một đứt gãy văn hóa mà càng về sau ta càng cảm thấy hậu quả nặng nề.
"Thay đổi kiểu Bùi Hiền tất nhiên chỉ là trong nội bộ Quốc ngữ, song nó vẫn hứa hẹn xóa sổ toàn bộ khối văn bản sản phẩm sách và báo các loại, tức là tất cả những sản phẩm tri thức và tác phẩm nghệ thuật đã được tạo ra bằng bộ Quốc ngữ hiện hành 150 năm nay. Đó lại sẽ là thêm một đứt gãy nữa, chưa biết nặng nhẹ ra sao!" Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
* Theo ông, vì sao các thế hệ tiền bối làm ra được quốc ngữ, mà ông Bùi Hiền thì sẽ gặp vô vàn thách thức, phản đối khi muốn cải tiến nó?
- Các thế hệ tiền bối, cả người Việt lẫn người từ nước ngoài đến đây, đã tạo ra được Quốc ngữ, hồi thế kỷ 16-17, đó là thời cơ và số mệnh của họ.
Bộ chữ Quốc ngữ latin hóa tiếng Việt, xuất hiện hồi thế kỷ 17, bao hàm trong nó những tiên tiến về hệ văn tự ký âm, về mực độ tinh giản và khá chính xác đến mức dễ học, dễ phổ cập, so với đương thời.
Ưu thế của những người chế tác đó là ưu thế của tư duy khoa học thời đại Phục Hưng châu Âu so với tư duy biểu hình dù sao cũng phồn tạp và thiếu tính khoa học của Đông Á trung đại.
* Những ý kiến khác của ông về việc này?
- Những đề xuất cải tiến bộ chữ Việt hiện hành, của ông Bùi Hiền và cả nhiều người đề xuất trước ông, thật ra đều ở những tầm mức thấp nhỏ hơn hẳn.
Nó khó được cộng đồng chấp nhận chính vì tầm mức nhỏ hẹp, lại hứa hẹn gây những xáo trộn không đáng có.