Tháng cuối năm, tiết trời lạnh giá, chúng tôi tìm đến công trình chung cư cao cấp đang dần hoàn thiện ở quận Hà Đông, Hà Nội. Những người công nhân gầy gò, môi tím lại vì rét vẫn đang mải miết làm việc.
Thấy chúng tôi, anh Lê Đình Hưng (SN 1977, quê Hà Nam), phụ trách nhóm thợ trát vữa, ra tiếp chuyện.
Anh Lê Đình Hưng giới thiệu cho phóng viên khu lán tạm của mình. Ảnh: Nhật Linh |
Anh Hưng chia sẻ, anh lập gia đình sớm, hai vợ chồng không kế hoạch nên lần lượt 5 đứa con nối tiếp nhau ra đời. Gia đình 7 miệng ăn của anh chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, quanh năm vẫn thiếu thốn. Vì vậy 15 năm trước anh ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai.
Thời gian đầu, ban ngày anh lang thang tại các khu chợ lao động đợi “bán” sức lao động, đêm làm cửu vạn trên chợ đầu mối Long Biên.
Tuy nhiên thu nhập rất bấp bênh, tình cờ anh Hưng gặp người đồng hương làm công nhân xây dựng. Được bạn giới thiệu, anh gia nhập đội trát vữa và bám trụ với nghề này cho đến nay.
Anh tâm sự: “Xác định làm nghề này thì phải có sức chịu đựng tốt, ngày rét buốt, chúng tôi vẫn phải làm việc trên giàn giáo cao hàng chục mét. Hôm nào nắng, công nhân có cảm giác như bị “nướng thịt" khi đứng ngoài nắng suốt mấy tiếng, mồ hôi túa ra như tắm, mặc 2 lớp áo bảo hộ vẫn thấy rát da”.
Theo nam công nhân, ngoài cảnh sống nhếch nhác, bẩn thỉu, họ còn phải đối mặt với những rủi ro tai nạn trong quá trình làm việc.
Ảnh: Nhật Linh |
Để mưu sinh các công nhân xây dựng phó mặc mạng sống của mình trên những tấm cốp - pha mỏng. Nếu tai nạn xảy ra, tỉ lệ sống rất thấp, nếu còn sống họ cũng phải mang thương tật suốt đời.
“Công trình càng lớn thì mức độ nguy hiểm càng cao. Có trường hợp mới đi làm được vài ngày, chẳng may bất cẩn ngã từ gián giáo cao xuống đất. Chúng tôi chưa kịp đưa vào viện thì anh ấy tắt thở. Ngoài số tiền chủ thầu xây dựng hỗ trợ, anh em công nhân chúng tôi mỗi người góp một ít tiền, gửi cho vợ người xấu số lo ma chay…”, anh Hưng thổ lộ.
Tuy nhiên anh Hưng chia sẻ, vài năm gần đây công tác bảo hộ an toàn lao động đã được chủ thầu và nhà đầu tư quan tâm hơn, đặc biệt là trong các công trình lớn nên tai nạn cũng giảm đi đáng kể.
Cùng đội với anh Hưng là anh Phạm Văn Toàn, công nhân trộn vữa (SN 1980, quê Hòa Bình). Anh Toàn cho hay cuộc sống khó khăn, phần lớn họ đều hạn chế về quê vì sợ đi lại tốn kém, chắt bóp được đồng nào là gửi về cho gia đình.
“Sống xa vợ con lâu ngày như vậy, thiếu thốn tình cảm, một số người không giữ được mình, vướng phải chuyện ngoại tình là điều khó tránh khỏi", anh Toàn kể.
Như câu chuyện của nam công nhân tên Hải (SN 1979, quê Ninh Bình) và nữ cấp dưỡng tên Hảo (SN 1989, quê Hải Dương) là điển hình.
Hai người này qua lại với nhau được vài tháng thì bị vợ Hải phát hiện. Lần đó, nhân ngày nghỉ lễ, Hải gọi cho vợ, báo bận không về quê, để ở lại với người tình. Chẳng ngờ vợ Hải khăn gói lên thăm, phát hiện chồng đang ôm ấp người khác.
"Sống xa vợ con lâu ngày như vậy, thiếu thốn tình cảm, một số người không giữ được mình, vướng phải chuyện ngoại tình là điều khó tránh khỏi”, anh Toàn chia sẻ. Ảnh: Nhật Linh |
Chị lẳng lặng gọi em trai - vốn là dân xã hội đen, đến gây xô xát ở đây. Hải được em vợ “tặng” cho mấy cú đấm đến tím mặt. Cô gái tên Hảo thấy vậy hoảng sợ, tháo chạy khỏi công trường giữa đêm khuya. Sau trận ghen tuông ấy, cô gái nghỉ việc, không dám quay lại.
12 giờ trưa, tại công trình khác trên quận Hoàng Mai, Hà Nội, công nhân từ các khu vực thi công của tòa nhà di chuyển về khu vực lán trại dưới tầng hầm. Khuôn mặt ai cũng lộ rõ sự mệt mỏi, lem luốc, quần áo dính đầy vôi vữa.
Các công nhân di chuyển về lán tạm dưới tầng hầm nghỉ ngơi. Ảnh: Nhật Linh |
Cởi vội bộ quần áo bảo hộ, anh Tấn Đức (quê Thanh Hóa, SN 1988) chẳng kịp rửa tay chân, nằm phịch xuống phản, đôi mắt đỏ ngầu.
Chị Đào Thị Thủy (quê Thanh Hóa) cấp dưỡng, múc bát cháo nóng, để sẵn trên bàn, giục anh Tấn ăn cho nóng.
“Cậu ấy đang sốt, người nóng hầm hập, tôi bảo nghỉ ngơi vài hôm nhưng không nghe. Nhà thì nghèo, bố bị ung thư, làm được bao nhiêu, đổ hết vào chưa bệnh cho bố. Ốm như thế có dám nghỉ ngơi, đi khám đâu, mua thuốc hạ sốt và thuốc cảm uống tạm rồi đi làm”, chị Thủy thở dài nói.
Chị Đào Thị Thủy đang sắp xếp lại căn phòng của mình. Ảnh: Nhật Linh |
Chị Thủy cho biết, hiện trong tầng hầm có khoảng 30 lán tạm, mỗi lán khoảng 10 - 20 người. “Sống giữa hàng chục người đàn ông như vậy, thời gian đầu tôi cũng gặp nhiều phiền toái. Khi ấy một số người hay say xỉn, buông lời chọc ghẹo, khiếm nhã, thậm chí rủ rê đi nhà nghỉ.
Nhưng phần lớn mọi người sống rất tình cảm, thấy tôi bị xúc phạm, họ đều lên tiếng bảo vệ mình. Ngoài ra, ở đây có nhiều hoàn cảnh vô cùng éo le, đi làm thợ xây phải ôm con lên lán tạm nuôi, được mọi người đùm bọc, giúp đỡ".
Theo chị Thủy, người thợ này tên Hòa (45 tuổi, Thái Bình) lấy vợ muộn, sinh được cậu con trai thì vợ mắc bạo bệnh qua đời. Kinh tế khó khăn, nhà neo người nên khi xuống Hà Nội làm công nhân, anh phải mang con theo vì không biết gửi cho ai.
“Thằng bé hơn 1 tuổi, vẫn còn bú sữa, sáng đi làm, anh Hòa gửi tôi trông giúp. Trưa về anh cho con ăn rồi tất tả đi làm. Nhìn cảnh hai cha con tối về lủi thủi chăm nhau, trông rất tội nghiệp. Lắm hôm, thằng bé nhớ hơi mẹ khóc cả đêm. Anh em công nhân trong lán thương cảm, người mua bỉm, người mua sữa cho thằng bé. Nghe tiếng khóc của cháu mà xót xa.
Cuộc sống ở đây khắc nghiệt, thằng bé không chịu được. Nó bị viêm phổi, cấp cứu bệnh viện mấy lần. Môi trường ẩm mốc, hôi hám này người lớn còn ốm huống chi trẻ con.
Môi trường ẩm thấp, nhếch nhác, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các công nhân. Ảnh: Nhật Linh |
Tôi khuyên anh Hòa đưa con về quê chăm sóc, bao giờ con khỏe, lúc đó đi làm vẫn chưa muộn. Hai bố con họ cũng mới về quê cách đây 2 tuần”, chị Thủy kể tiếp.
Cùng với đó, nữ cấp dưỡng cho hay, các lao động nghèo rời quê hương, xa gia đình, không có ai quản lý nên một số trường hợp không tu chí làm ăn, dễ bị sa ngã vào chuyện cờ bạc, rượu chè, nặng hơn là bị bạn bè xấu lôi kéo, dẫn đến con đường nghiện hút…
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu*