Theo lời hướng dẫn của Trưởng bản Lương Văn Thái, men theo con đường ngoằn ngoèo giữa núi rừng Vĩnh Kim (Hoa Sơn, Anh Sơn, Nghệ An), chúng tôi đến ngôi nhà mẹ con bà Ngân Thị Phượng, tên thường gọi là bà Thường cùng con trai Lương Văn Quý.
Ngôi nhà đã cũ, mốc rêu xanh nằm cô đơn giữa núi rừng. Trong nhà trống hoác không có vật gì đáng giá. Nhìn khắp nơi nhưng không thấy bà Thường đâu, chúng tôi ngồi một lúc trước hiên nhà, nhìn núi đồi bát ngát xung quanh. Giữa không gian im ắng, chỉ có tiếng chim kêu, bỗng vang lên tiếng hát đứt đoạn, ngô nghê lâu lâu có những âm thanh như tiếng la hét. Đi theo tiếng hát, chúng tôi thấy một chiếc cũi rộng chưa đến 2m2 đặt giữa khu vườn xơ xác. Ngồi trong cũi là một người đàn ông nhỏ thó, gần như không mặc gì, ngơ ngác nhìn ra. Khi thấy chúng tôi thì hú hét liên hồi.
Đây là nơi "cư ngụ" của anh Quý suốt 14 năm qua. Nghe tiếng con hét lớn, bà Thường – mẹ anh - đang cuốc đất từ đằng xa tiến lại gần, vỗ về con và cất lời chào chúng tôi. Tuổi chưa quá nhiều nhưng có lẽ có lẽ dấu ấn thời gian và những vất vả lo toan đã in hằn lên khuôn mặt khắc khổ, âu sầu của bà.
14 năm qua, người mẹ nghèo chỉ có thể đứng ngoài nhìn đứa con điên dại. |
Bước lên nhà, bà rót nước từ bộ cốc đã sứt mẻ gần hết mời chúng tôi. Không ai nói gì...
Khi chúng tôi mở lời hỏi về hoàn cảnh gia đình, bệnh tình của anh Quý, bà ngậm ngùi một lúc lâu mới chia sẻ. Anh Quý sinh năm 1987, từng là cậu thanh niên khỏe mạnh, hiền lành. Thế nhưng, đến năm 2004, khi anh được 17 tuổi thì sóng gió ập đến. Người con trai hiền lành bỗng nhiên thay tính, đổi nết, không thích giao tiếp với người lạ, nhiều lần đập phá tài sản của gia đình và người dân trong bản.
Bà Thường cùng chồng lo lắng đưa con đi khám thì nhận được kết quả rằng anh Quý có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt. Sinh con và nuôi con hơn 17 năm, ngày nhận được thông báo từ bác sĩ có lẽ là ngày đau đớn nhất trong cuộc đời bà.
Dù đau đớn nhưng chấp nhận sự thật, ông bà chạy vạy lo tiền chạy chữa cho con. Ông bà đưa con đi hết từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nghe ở đâu có phương thuốc hay, ông bà đều tìm đến để lấy cho con. Vậy nhưng, bệnh tình anh Quý vẫn không có biến chuyển.
Số tiền dành dụm trước đó đã tiêu hết, số tiền vay mượn thì ngày càng nhiều thêm mà không có cách nào trả được, vợ chồng bà buộc lòng đưa con về nhà, chỉ hi vọng vào phép màu sẽ giúp con mình khỏe mạnh bình thường trở lại.
Rồi cũng từ đó, bệnh tình anh Quý ngày càng trầm trọng hơn. Khi phát bệnh, anh thường xuyên đập phá tài sản, hành hung bố mẹ và sẵn sàng gây gổ với mọi người.
Nuốt nước mắt vào trong, ông bà đành nhốt anh vào chiếc cũi sau vườn. Đến nay đã 14 năm trôi qua, cuộc sống cũng như mọi sinh hoạt như tắm rửa, ăn uống, vệ sinh cá nhân của anh đều chỉ gói gọn trong chiếc cũi chưa đến 2m2 ấy.
Năm 2010, chồng bà Thường bị tai biến phải nằm liệt giường suốt 5 năm. Một mình bà vừa chăm chồng vừa chăm con, thu nhập chỉ dựa vào mấy vạt rẫy. Dường như mọi cực khổ trong đời đã dồn lên đôi vai gầy bé nhỏ của bà.
Rồi ông cũng bỏ bà mà đi. Căn nhà thêm trống trải khi chỉ có một mình bà ngày ngày chăm sóc người con trai tâm thần. Ông bà có 6 người con khác, nhưng ở miền núi xa xôi này, thì chỉ việc lo mưu sinh cho gia đình nhỏ của mình cũng đã khó khăn, nên hầu như chỉ có thể động viên bà về tinh thần chứ không thể giúp được gì.
Thời gian trôi qua, năm nay, bà Thường đã gần 75 tuổi, vất vả mưu sinh cũng khiến bà như già hơn tuổi thật, sức khỏe của bà cũng yếu đi nhiều so với trước. Ngồi bên bậc thềm nhà, bà im lặng khi nghĩ về tương lai mơ hồ phía trước. Khi bà ngày một già đi, khi sức khỏe không cho phép nữa thì bà không biết ai sẽ chăm sóc anh Quý, quãng đời còn lại của anh liệu có lúc nào có thể trở về như trước kia. Giá như không bị bệnh, có lẽ bây giờ anh đã có vợ con, gia đình như bạn bè cùng trang lứa.
Câu chuyện lại đứt đoạn trong tiếng hát ngô nghê, vô định và la hét của anh Quý. Giữa cái lặng im của núi rừng Anh Sơn, trong ánh nắng chiều sắp tắt, tiếng hát của anh khiến không gian như não nề thêm, có lẽ cũng não nề như nỗi lòng người mẹ già đã gần đất xa trời của anh.
Chúng tôi chào tạm biệt bà Thường ra về mà trong lòng không khỏi xót xa, chỉ biết mong bà có thật nhiều sức khỏe và hi vọng rằng biết đâu có một ngày nào đó có một phép màu sẽ giúp anh Quý có thể khỏe lại, để có thể sống nốt cuôc đời đang dang dở và phụng dưỡng người mẹ đã mấy chục năm ròng rã nuôi anh.