Tại các huyện Ayun Pa, Ia Pa, Kông Chro, Chư Prông và thị xã An Khê... thuộc tỉnh Gia Lai, từ tháng 3/2014, xuất hiện nhiều thương nhân Trung Quốc đến các địa điểm này khảo sát, thuê đất để trồng dưa hấu không hạt. Công an tỉnh Gia Lai đã phải vào cuộc, trục xuất họ ra khỏi địa bàn.
Tại đây, các thương nhân Trung Quốc còn đặt cọc tiền thu mua dưa hấu qua tiểu thương với giá cao hơn 2-3 lần so với giá dưa hấu trong nước để xuất sang Trung Quốc. Nông dân các địa phương trên cho thuê đất hoặc trồng dưa, khi bán sẽ được hưởng lợi với giá cao hơn, thậm chí trồng đến đâu, thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm đến đó.
Thương nhân Trung Quốc lén lút thuê đất trồng dưa ở tỉnh Gia Lai. Ảnh minh họa: Internet. |
Văn bản nêu rõ, việc người dân cho thương nhân Trung Quốc thuê đất hoặc chuyển đổi các cây trồng để trồng dưa hấu sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng thừa, làm sản phẩm ứ đọng, rớt giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. UBND tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo các ban ngành nhanh chóng vào cuộc làm rõ vụ việc, thắt chặt thị trường, kiểm tra các điểm tập kết thu mua nhằm xử lý việc trao đổi nông sản trái pháp luật.
Trước đó, tại tỉnh Gia Lai từng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc đi cùng phiên dịch, thông qua tiểu thương ở địa phương thu mua gốc và rễ tiêu. UBND tỉnh khi nhận được thông báo đã chỉ đạo công an cùng các ban ngành tiến hành tiêu hủy gần 300 kg gốc và rễ tiêu khi đang trên đường bán cho người Trung Quốc.
Trước những hành động không bình thường của thương lái Trung Quốc ở nước ta, chính quyền các cấp nhanh chóng vào cuộc và rất nghiêm khắc trong việc này. Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với ông Yang Renan (quốc tịch Trung Quốc) kinh doanh trái phép.
Thương nhân Trung Quốc bị phạt hành chính vì thu mua cua trái phép ở tỉnh Cà Mau. Ảnh minh họa: Internet. |
Vào năm 2012, nhiều chủ vựa cua trên địa bàn các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước... tỉnh Cà Mau lao đao vì bị quỵt nợ hàng chục tỷ đồng do mua bán cua với thương lái Trung Quốc kinh doanh không phép.
Tháng 3/2014, Bộ Công Thương công bố các thông tin liên quan đến việc thương lái Trung Quốc thu mua nông sản trong thời gian qua để cảnh báo tới các địa phương.
Theo đó, bộ này nhận định: Đối với mặt hàng thủy sản, trong năm 2013 có diễn ra một số hiện tượng thu mua thủy sản của thương nhân nước ngoài tại một số địa phương như: tôm sú, tôm chân trắng tại các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang... một cách bất thường.
Việc thu mua tôm nguyên liệu đủ mọi kích cỡ xuất khẩu sang Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tới sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho người sản xuất, hộ nuôi trồng trong nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bộ Công Thương đề nghị các sở công thương các tỉnh, thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhiều "chiêu bẩn" của thương lái Trung Quốc đang khiến nông dân của ta phải "dở khóc dở cười". Tại Khánh Hòa, những ngày này, rong mơ phơi khô của người dân xã Ninh Phước, xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đang rơi vào tình cảnh "phải đắp đống". Lý do là thương lái Trung Quốc ngừng mua khiến giá rong mơ bị sụt giảm nghiêm trọng, hiện chỉ ở mức 3.000-3.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với giá hồi đầu năm.
Tại vùng biển các tỉnh Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, ngư dân ồ ạt thu gom con banh lông để bán cho thương lái Trung Quốc giờ cũng nhận "quả đắng". Bởi sau khi đẩy giá lên 1-2 triệu đồng/kg banh lông thì nay mức giá giảm thảm hại chỉ bằng 1/10 giá cũ.