Vẻ hoang phế của chùa Long Hưng. |
Chiếc chuông vỏ bom còn đang sử dụng. |
Thầy bảo, lúc thầy mới về, sau một trận mưa là phải đem kinh sách ra phơi đầy sân y như “Đường Tam Tạng ngày xưa thỉnh kinh về, rơi xuống sông mà ướt vậy”. Thấy chùa dột nên thầy vận động đạo hữu chung góp, mua tủ về bỏ kinh sách vào để bảo quản.
Hiện tại, trong chánh điện chùa còn chiếc chuông bằng vỏ bom cũ kỹ vẫn được dùng vì không có điều kiện kinh tế để đúc chuông thay thế. Chiếc trống trước sân cũng đã hỏng, vẫn không có kinh phí để làm lại. Trong các cơn bão vừa qua, lo lắng rằng chùa sẽ sập, không biết làm gì hơn nên thầy Nhuận Hiền đã cùng một số Phật tử kiếm mền sạch về bao, che lại một số tượng Phật ở trong ngôi chùa để bảo quản. May mà mưa gió không làm sập chùa nhưng hàng ngày sinh hoạt trong chùa thầy nghe những tiếng kêu răng rắc của các cây cột kèo, sự rung lắc của tường chánh điện.
Chiếc trống đã hỏng nằm trên chiếc giá đã xiêu vẹo. |
Hiện tại, ước vọng của đạo hữu và Phật tử nơi đây, cũng là mong mỏi của thầy Nhuận Hiền là có kinh phí để bước đầu trùng tu lại ngôi chùa Long Hưng này. Nhưng đây là vùng đất nghèo, bà con lo cho cuộc sống của mình còn chưa đủ, huống gì là cúng dường chư Phật. Cùng lắm, người góp lon gạo, kẻ cúng vài chục nghìn đồng. Số tiền ấy, có thể góp phần trùng tu được chùa nhưng chắc phải đến vài chục năm nữa. Và lúc ấy, chắc chắn chùa đã sập...
Hơn 52 năm trước, 5 vị đạo hữu tiền bối trong thôn Phước Long đã sáng lập nên ngôi chùa này với ước vọng đạo tràng ngày càng hưng thịnh, bà con được biết đến ánh sáng từ bi của Phật pháp soi chiếu. Nhưng giờ đây, ngôi chùa Long Hưng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ mà không có kinh phí để xây dựng lại. Đó là nỗi xót xa của bà con Phật tử địa phương.
Mong rằng, bà con gần xa, các vị thiện nam tín nữ mở lòng, chung tay góp sức để ngôi chùa sớm được trùng tu, để nhân dân nơi đây yên tâm có chỗ lễ Phật và tập trung tu học. Thực hiện được điều này, công đức thật là vô lượng.