Dự án khu du lịch sinh thái Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn được chủ đầu tư là công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn (công ty Hoàng Liên Sơn) xây dựng với mục tiêu trở thành khu vui chơi tổng hợp có quy mô lớn. Ước tính, sau khi hoàn thành, dự án sẽ phục vụ khoảng 5.000-50.000 lượt khách/năm.
Phối cảnh dự án khu du lịch sinh thái Thác Trắng |
Theo tiến độ, dự án khu du lịch sinh thái Thác Trắng được khởi công tháng 10/2017, hoàn thiện và đưa vào khai thác vào tháng 9/2019. Tổng số vốn đầu tư hơn 160 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa dự án trên đất rừng phòng hộ, UBND tỉnh Lai Châu đã ra quyết định số 135/QĐ-UBND vào tháng 2/2018 về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất với tổng diện tích 80.000m2 đất tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.
Trong số đất thu hồi có hơn 79.000m2 là đất rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường quản lý. Gần 800m2 là đất sông suối do UBND xã Sơn Bình quản lý.
Cũng theo quyết định trên, UBND tỉnh Lai Châu đã cho công ty Hoàng Liên Sơn thuê 63.475,4m2 đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ. Thời hạn sử dụng đến ngày 31/3/2067 theo hình thức trả tiền hàng năm.
Máy móc đang thi công trên khu đất |
Ngày 31/3/2017, UBND tỉnh Lai Châu ra quyết định số 291/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án du lịch Thác Trắng, trong đó có 50 biệt thự nghỉ dưỡng trên diện tích 4.000m2, ga cáp treo, cầu kính…
Đến tháng 9/2017, UBND tỉnh Lai Châu ra văn bản số 1136/QĐ-UBND điều chỉnh hạng mục công trình từ 50 biệt thự nghỉ dưỡng thành 50 nhà nghỉ.
Trong quá trình thực hiện dự án, công ty Hoàng Liên Sơn đã xâm phạm rừng phòng hộ với số diện tích cây bị ảnh hưởng hàng nghìn m2. UBND huyện Tam Đường và Hạt Kiểm lâm Tam Đường đã ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng hơn 100 triệu đồng.
Dự án xây trên núi đá, không có rừng
Chánh văn phòng UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, toàn bộ quy trình thực hiên dự án đều được tiến hành cẩn thận, trải qua các bước thẩm định và phê duyệt đúng các quy trình và pháp luật hiện hành.
Cụ thể, dự án đã được Sở KH&ĐT thẩm định vào tháng 12/2016, sau đó UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập đề xuất chủ trương dự án; đến tháng 3/2017, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có thông báo số 17 về cho chủ trương một số nội dung, trong đó có dự án Thác Trắng.
Khu vực thi công chủ yếu là đá núi, không có cây rừng |
“Sau khi xem xét cẩn thận các hồ sơ từ các sở gồm KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, NN&PTNT, Xây dựng, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”, ông Hải cho biết.
Ông nhấn mạnh, toàn bộ khu vực triển khai dự án là đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn. Khu vực trên đa phần là đá núi, không có cây từ nhiều năm nay. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích dịch vụ, thương mại là trong thẩm quyền của UBND tỉnh và theo đúng quy định.
Liên quan đến hạng mục 50 biệt thự nghỉ dưỡng trong dự án, ông Hải giải thích, các hạng mục ban đầu là dự kiến, sau khi xem xét cẩn thận, UBND tỉnh nhận thấy việc xây dựng 50 biệt thự là không phù hợp nên đã ra văn bản điều chỉnh. Thực chất, đây chỉ là nhà nghỉ chân cho du khách lưu trú trong quá trình tham quan, vui chơi trong khu du lịch.
Hệ thống đường lên cầu kính đang dần hoàn thiện |
Trong các hạng mục của dự án, chủ đầu tư sẽ trồng cây xanh với tổng diện tích 3,4ha, việc làm này giúp bảo đảm về cảnh quan và hệ sinh thái.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&Đ Lai Châu thông tin, sau khi tiếp nhận hồ sơ của DN, nhận thấy đây là một dự án tiềm năng, khai thác được nguồn lực của địa phương nên Sở đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương.
“Đây là dự án đầu tay của tỉnh Lai Châu về khu du lịch sinh thái, các thủ tục hồ sơ pháp lý phía công ty Hoàng Liên Sơn đã đảm bảo đầy đủ”, ông Hùng cho biết.
Hệ thống ròng rọc đưa vật liệu lên đỉnh núi |
Liên quan đến diện tích rừng bị xâm hại trong quá trình thực hiện dự án, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Biển cho biết, ngay sau khi phát hiện vi phạm, đơn vị đã lập tức lập biên bản.
"Số cây bị xâm hại đa phần là tống quá sủ trắng, ít giá trị kinh tế. Nguyên nhân là do đơn vị thi công mở đường cho máy móc thiết bị lên khu vực dự án nên đã xâm hại đến đất rừng phòng hộ", ông nói.
Theo ông Biển, số diện tích đang thi công là đất trống đồi núi đá, không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, dự án thực hiện với các sản phẩm du lịch rất đặc biệt sẽ là một điểm sáng cho phát triển ngành du lịch tại địa phương.