3 năm kiện tụng chưa hồi kết của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên
Cuộc chiến pháp lý giữa hai vợ chồng nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được đan xen bởi nhiều vụ kiện kéo dài suốt 3 năm.
Sáng 14/8, TAND TP.HCM mở phiên hòa giải vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đây là buổi hòa giải cuối cùng trước khi phiên tòa được mở vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, chỉ có ông Vũ có mặt, bà Thảo không đến dự tòa.
Vụ lùm xùm giữa vợ chồng đại gia Việt này bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Trong 5 năm ẩn cư thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tìm ra lời giải cho mọi vấn đề. (Ảnh: Tô Thanh Tân) |
Từ việc tranh chấp quyền điều hành ở Tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện hành chính, kinh tế giữa hai vợ chồng. Nếu bà Thảo khởi kiện về việc bị bãi nhiệm không hợp lệ thì ông Vũ cũng đi kiện bà Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH).
Gần đây nhất là vụ việc Trung Nguyên IC đệ đơn lên TAND tỉnh Bắc Giang yêu cầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao trả nhà máy cà phê Bắc Giang. Đây là nhà máy duy nhất của Trung Nguyên mà bà Thảo đang điều hành để xuất khẩu các sản phẩm cà phê G7 ra quốc tế.
Tiếp diễn những lùm xùm kiện cáo chưa có hồi kết liên quan đến tập đoàn cà phê Trung Nguyên, mới đây bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại cung cấp những thông tin tình hình tài chính của tập đoàn trên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội.
Những hình ảnh sao kê này chưa được kiểm chứng, nhưng thống kê đâu đó có hàng trăm tỷ đồng mua siêu xe trong vòng 3 năm qua, thêm nhiều khoản chi vào tài khoản cá nhân của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ.
Bà Thảo còn nhấn mạnh thêm ý định chi 5 tỷ đô la tiền tặng sách dạy làm giàu cho giới trẻ là bất khả thi, và tình hình tài chính của Trung Nguyên khó mà cáng đáng nổi. Như nhiều lần phát ngôn trước, bà Thảo cho rằng Trung Nguyên đang bị “rút ruột”.
Vài ngày sau khi thông tin trên được bà Thảo đưa ra, ông Vũ lại bất ngờ xuất hiện trước báo chí (số lượng hữu hạn mà ông cho là thân hữu). Lần gần đây nhất là vào giữa tháng 6 trong buổi lễ kỉ niệm 22 năm hoạt động của Trung Nguyên và lần ra phiên tòa hòa giải vào đầu tháng 8.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Trong bối cảnh “cuộc chiến” tranh quyền ở Trung Nguyên đang có những diễn biến mới, ông Vũ tiếp tục dồn sức vào hệ thống chuỗi cà phê, thì bà Thảo mới đây cũng khai trương quán cà phê King Coffee ở TP.HCM, sau quán đầu tiên ở Gia Lai, tiếp tục bước đi phát triển chuỗi cà phê.
Trong khi đó, “xuống núi” lần này, Vũ cũng chi cả núi tiền cho hàng loạt “siêu xe” chạy xuyên Việt, phát sách tri thức tặng cho giới trẻ. Hành trình siêu xe tặng sách sắp kết thúc, nhưng chuyện Trung Nguyên thêm tuổi mới sẽ như thế nào cho đến nay vẫn còn là bí ẩn, cho dù ông Vũ đã bắt đầu xuất hiện.
Tranh chấp khối tài sản nửa tỷ USD của vợ chồng Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn
Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn xảy ra năm 2011 cũng là vụ ly hôn khá ồn ào bởi khối tài sản tranh chấp lên tới khoảng 500 triệu USD (10.000 tỷ đồng).
Cuối năm 2010, sau đề nghị của 2 bên, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã có quyết định cho ly hôn. Tuy nhiên, tại quyết định này, về tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được quyết định phân chia. Do đó, ông Bùi Đức Minh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.
Tập đoàn Bảo Sơn vốn nổi tiếng với khách sạn tư nhân cao cấp đầu tiên tại Hà Nội cũng như những dự án án lớn, nổi bật nhất là khu Thiên đường Bảo Sơn. Ngoài tập đoàn Bảo Sơn, số tài sản này còn phân bố ở dạng cổ phần trong 7 công ty khác do Bảo Sơn làm chủ sở hữu.
Theo ông Minh, số tài sản nghìn tỷ nói trên được xác lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn cổ phần mang tên cổ đông là Nguyễn Thanh Thủy. Do đó, ông đòi chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác.
Tài sản lớn nhất trong vụ tranh chấp trên chính là toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh - Hoài Đức, đứng tên Nguyễn Thanh Thủy - Tổng giám đốc công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn làm chủ đầu tư rộng 34 ha.
Tuy nhiên, vụ việc chưa được giải quyết thì đầu năm 2012 công an Hà Nội đã bất ngờ bắt ông Bùi Đức Minh để điều tra về hành vi vu khống.
Tranh chấp thương hiệu Đức Phát của vợ chồng "vua" bánh họ Kao
Kịch bản tương tự vụ tranh chấp cà phê Trung Nguyên cũng từng xảy ra với Đức Phát Barkery, một trong những thương hiệu bánh đầu đời tại TP.HCM của ông Kao Siêu Lực.
Cùng khởi nghiệp từ những ngày đầu với nghề làm bánh, vợ chồng ông Kao Siêu Lực đã cùng nhau phát triển Đức Phát từ một tiệm bánh nhỏ vào năm 1983, trở thành thương hiệu nổi tiếng.
Nhưng đến năm 2007, khi Đức Phát Barkery đang ở đà phát triển mạnh thì mâu thuẫn gia đình xảy ra. Vợ chồng ông Kao Siêu Lực kéo nhau ra toà để phân giải tranh chấp thương hiệu bánh Đức Phát.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển thương hiệu Đức Phát, vợ ông Lực là người quản lý tài chính và kiểm soát toàn bộ 20 cửa hàng Đức Phát. Ông Lực chỉ sở hữu duy nhất là xưởng sản xuất.
Ngày ly hôn, ông Lực được chia trả lại 10 cửa hàng, nhưng phải chấp nhận không được dùng thương hiệu Đức Phát nữa. Sau khi giao lại thương hiệu Đức Phát cho vợ cũ sở hữu, ông được trả 1 triệu USD theo thỏa thuận cùng 10 cửa hàng. Với số tiền này, ông chủ họ Kao đã mở hiệu bánh mới lấy tên ABC Bakery, với số vốn 30 tỷ đồng.
Hiện nay, trong khi ABC Bakery ngày càng phát triển tại thị trường TP.HCM và trở thành đối tác cung cấp bánh mì, bánh ngọt, hamburger cho hàng loạt ông lớn thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Burger King hay McDonald’s, thì Đức Phát Barkery ngày càng mờ nhạt trên thị trường.
Vụ ly hôn 2.000 tỷ đồng của ông chủ Tập đoàn Năm Sao
Tháng 12/2012, Tòa án quận 3, TP HCM mở phiên sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Mười (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc tập đoàn quốc tế Năm Sao) và vợ là bà Phạm Thị Hương Giang (Phó giám đốc công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương). Phiên tòa diễn ra sau 4 năm tranh chấp căng thẳng.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao. |
Theo bà Giang, vợ chồng bà có khối tài sản trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng với trên 10 biệt thự ở TP.HCM; Vũng Tàu, Hải Phòng... Ngoài ra, tài sản chung của 2 ông bà còn có vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỷ đồng); Công ty Cổ phần quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỷ đồng); Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Sam My (30 tỷ đồng); Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỷ đồng)… và bà phải được hưởng 50% số tài sản này.
Nhưng ông Mười cho rằng số tài sản này hầu hết là đi vay. Do suy thoái kinh tế, giá nhà đất xuống thấp, vợ chồng lại lục đục ly hôn nên chưa thể bán nhà để trả nợ. Thời điểm đó, ông Mười kê khai còn nợ khoảng 109 tỷ đồng và 6.804 lượng vàng.
Ông Mười sau đó đã đề nghị đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng, phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, bà Giang không đồng ý.
Hiện tại, Tập đoàn Năm Sao có 11 công ty thành viên trong các lĩnh vực phân bón, nông nghiệp, bất động sản… Năm Sao cũng là một trong những chủ đầu tư có quỹ đất lớn tại Long An và sở hữu nhà máy sản xuất phân bón gần 1.000 tỷ đồng tại đây. Doanh nghiệp này còn đầu tư nhà máy phân bón 80 triệu USD tại Campuchia.
Hàng loạt dự án bất động sản như Thành phố sinh thái Năm Sao; Cao ốc văn phòng hạng A Five Star Tower (TP.HCM); Khu biệt thự nghỉ dưỡng Happy Valley Da Lat Villa (Đà Lạt); Trung tâm Thương mại Công nghiệp Five Star Garden (Nam Định)… cũng thuộc sở hữu của Năm Sao.
Vụ ly hôn 1.000 tỷ đồng của cựu Phó chủ tịch FPT
Năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến vụ ly hôn tốn kém nhất lịch sử giữa Phó chủ tịch Tập đoàn FPT Lê Quang Tiến và vợ. Sau ly hôn, ông Tiến chia đôi số cổ phiếu sở hữu và chuyển quyền sở hữu 1,8 triệu cổ phiếu FPT cho vợ.
Cựu Phó Chủ tịch FPT Lê Quang Tiến. |
Thời điểm 2007, lượng cổ phiếu này có giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Vụ ly hôn này mặc dù tốn kém nhưng không có tranh chấp nào giữa hai bên.
Ông Lê Quang Tiến là một trong 4 phó Chủ tịch HĐQT Công ty FPT và phụ trách tài chính của công ty. Năm 2007, ông Tiến cũng là người đứng thứ 2 trong số những người giàu nhất Việt Nam tính trên thị giá cổ phiếu – xếp sau ngay “sếp” của ông là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Hiện, ông Tiến giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).