Các vị tướng lĩnh nổi tiếng nhà Thục Hán như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung… đều là những vị tướng sống ở giai đoạn trước nhà Thục Hán, là tướng lĩnh thời của Lưu Bị.
Sau khi những vị tướng này qua đời, dưới trướng Lưu Thiện quả thực không có bao nhiêu tướng giỏi, nhưng nếu nói nhà Thục Hán khi ấy không có tướng giỏi thì quả có chút bất công, vì Thục Hán giai đoạn sau cũng không hề thiếu tướng tài, điển hình là 4 danh tướng sau:
1. Khương Duy
Khương Duy, tự là Bá Ước, là người huyện Ký, Thiên Thủy (nay là vùng Đông Nam Cam Cốc, Cam Túc), ban đầu Khương Duy là tướng lĩnh nhà Ngụy, khi Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt đã chiêu mộ Khương Duy theo phe mình, từ đó Khương Duy trở thành một đại tướng dưới trướng của Gia Cát Lượng.
Tuy rằng Khương Duy là một vị tướng quân đầu hàng nhưng Gia Cát Lượng lại rất trọng dụng ông. Khổng Minh tiên sinh đem hết kiến thức cả đời của mình truyền dạy cho Khương Duy, còn nhiều lần đề cử Khương Duy với Lưu Thiện, hi vọng Khương Duy sẽ được Lưu Thiện trọng dụng.
Khương Duy có võ công hơn người, dưới sự chỉ bảo, dìu dắt tận tình của Gia Cát Lượng, tài mưu lược của ông cũng có sự tiến bộ rõ rệt, trở thành một vị tướng quân trí dũng song toàn.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, bởi vì khi đó uy danh của Khương Duy trong quân Thục Hán chưa cao, cho nên Gia Cát Lượng tiến cử Tưởng Uyển, Phi Y trở thành người kế nhiệm của mình, chứ không nhắc đến Khương Duy, nhưng sau khi Tưởng Uyển và Phí Y qua đời, Khương Duy đã trở thành đại tướng xuất sắc nhất nhà Thục Hán, thay thế cho Phí Y.
Sau khi Khương Duy nắm được quân quyền, ông đã tuân theo di nguyện của Gia Cát Lượng, bắt đầu đưa quân Bắc phạt. Mặc dù những lần Khương Duy dẫn quân Bắc phạt cũng giành được không ít chiến công, nhưng bởi vì tài lực Thục Hán có hạn, nên đều thất bại. Đồng thời, Khương Duy vì dẫn quân Bắc phạt đã làm hao tổn tài lực quốc gia nên đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong nhân dân.
Vào thời của Tư Mã Chiêu, sau khi ổn định nội bộ nhà Tào Ngụy, Tư Mã Chiêu cử Chung Hội và Đặng Ngải, thống lĩnh hơn 20 vạn quân tấn công Thục Hán. Khương Duy giằng co với quân đội chủ lực của Tào Ngụy tại Kiếm Các, song Đặng Ngải lại nhân khi Khương Duy và Chung Hội giao chiến với nhau, lén vượt Âm Bình, đưa quân vào trung tâm lãnh thổ Thục Hán, đánh bại Gia Cát Chiêm tại trận Miên Trúc, ép Lưu Thiện đầu hàng Tào Ngụy.
Sau khi Lưu Thiện đầu hàng Tào Ngụy, Khương Duy bị ép phải quy thuận Tào Ngụy, song Khương Duy lại không cam chịu để Thục Hán diệt vong, đã cùng Chung Hội bí mật âm mưu tạo phản, nhưng kế hoạch bị lộ, sau cùng bị quân Tào giết hại.
2. Vương Bình
Vương Bình, người huyện Đãng Cư quận Ba Tây. Lúc đầu, Vương Bình cũng là tướng nhà Ngụy, trong trận Hán Trung, sau khi bị Lưu Bị đánh bại, Vương Bình đã chọn đầu hàng Lưu Bị.
Trong lần Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng, ông đã cử Mã Tốc đi trấn thủ Nhai Đình, phong cho Vương Bình làm phó tướng của Mã Tốc.
Sau khi đến Nhai Đình, Mã Tốc muốn đóng quân hạ trại trên núi, Vương Bình cho rằng việc này không ổn, khuyên Mã Tốc nên hạ trại ở gần thành, gần đường, nhưng Mã Tốc quá tự phụ, không nghe lời khuyên của Vương Bình. Sau cùng, Vương Bình mang theo 2000 quân hạ trại cạnh thành, còn Mã Tốc dẫn theo đội quân chủ lực của Thục Hán đóng quân trên núi.
Sau khi quân đội nhà Ngụy do Trương Cáp thống lĩnh đuổi đến nơi đã nhanh chóng tìm ra điểm yếu của Mã Tốc, cắt đứt đường tiếp nước của quân Thục, khiến Mã Tốc và Thục quân rơi vào khó khăn, rồi dùng một đòn đánh tan cả đội quân.
Mặc dù quân lính trong tay ít hơn Mã Tốc nhưng Vương Bình dùng kế trá binh, khiến Trương Cáp không dám dẫn quân đuổi theo, nên mới có thể rút lui an toàn. Trong trận này, Gia Cát Lượng vô cùng tức giận, ông đã theo quân pháp giết Mã Tốc để làm gương, nhưng cũng trong lần này ông đã phát hiện được tài năng của Vương Bình nên đã trọng dụng Vương Bình.
Sau khi Ngụy Diên mất, Vương Bình đảm nhận vị trí Trấn Bắc Đại tướng quân, thay Ngụy Diên trấn thủ Hán Trung.
Vương Bình tiếp tục làm theo sách lược phòng thủ của Ngụy Diên, vì thế nên dưới sự chỉ huy của Vương Bình, Hán Trung vẫn vô cùng kiên cố, chưa từng tổn thất. Trong thời gian Vương Bình trấn thủ Hán Trung, ông đã đánh lui quân Ngụy do Đại tướng quân Tào Sảng thống lĩnh.
3. Hạ Hầu Bá
Hạ Hầu Bá, tự Trọng Quyền, người huyện Tiêu (nay là Bặc Châu, An Huy). Hạ Hầu Bá là cháu của Tướng Ngụy Hạ Hầu Uyên, là một vị đại tướng rất có tài, ông từng nhiều lần dẫn binh chống lại Khương Duy, khiến Khương Duy thất bại khi tấn công Thùy Thành.
Hạ Hầu Bá là một trong những tướng lĩnh quan trọng nửa sau thời nhà Ngụy, có tiền đồ vô hạn, nhưng khi Tào Phương lên ngôi, Tư Mã Ý nhân cơ hội Tào Phương cùng Tào Sảng ra ngoài tế tổ, phát động binh biến lăng Cao Bình, đoạt lấy chính quyền nhà Ngụy. Hạ Hầu Bá là tâm phúc của Tào Sảng – đối thủ của Tư Mã Ý, vì sợ bị Tư Mã Ý diệt trừ, cho nên đã lựa chọn đầu quân cho Thục Hán.
Cháu gái của Hạ Hầu Uyên được gả cho Trương Phi, sinh được hai con một trai một gái, sau con gái lại trở thành Hoàng hậu của Lưu Thiện, cho nên nhờ vào mối thân tình giữa Lưu Thiện và Hạ Hầu Bá, nên sau khi đầu quân cho nước Thục, ông rất được Lưu Thiện trọng dụng.
Sau khi Hạ Hầu Bá trở thành tướng quân Thục quốc, ông cũng nhiều lần cùng Khương Duy dẫn quân Bắc phạt, cống hiến nhiều chiến công lẫy lừng cho Thục quốc.
4. Ngụy Diên
Ngụy Diên là mãnh tướng dưới trướng Lưu Bị, sau khi Lưu Bị giành được Hán Trung đã bỏ qua Trương Phi, giao trọng trách trấn thủ Hán Trung cho Ngụy Diên, điều này đã cho thấy được sự tin tưởng của Lưu Bị với Ngụy Diên.
Trong hơn chục năm trấn giữ Hán Trung, Ngụy Diên đã xây dựng nhiều trạm gác tại các điểm quan trọng xung quanh Hán Trung, để đảm bảo giữ cho Hán Trung ổn định, vững chắc.
Ngụy Diên có tài năng xuất chúng, chiến công lẫy lừng, nhưng bởi vì tính ngạo mạn có thế lực mạnh cách của ông, đã khiến ông bất hòa với không ít tướng lĩnh trong Thục quân. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Ngụy Diên và Dương Nghi phát sinh mâu thuẫn, suy chút nữa thì động đến gươm đao với nhau, thế nên về sau Ngụy Diên bị Dương Nghi vu cho tội mưu phản, bị Mã Đại giết hại.
Ngoài Ngụy Diên, Vương Bình, Khương Duy, Hạ Hầu Bá, Thục Hán còn có các tướng như La Hiến, Hoắc Dặc, Trương Dực, Liêu Hóa, Mã Đại, nhưng vì dân số Thục Hán ít ỏi, lại thêm việc Gia Cát Lượng chọn người luôn chú trọng phẩm chất, đạo đức của người đó nên tướng lĩnh Thục Hán không nhiều, người có thể một mình đảm đương trọng trách một phương lại càng ít hơn.