Hẳn ai cũng biết đến Ngũ Hổ Tướng nhà Thục Hán trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, và có lẽ không chỉ một lần chúng ta thử tìm đối trọng của năm ông thần bá đạo này họ trong lực lượng võ tướng của nhà Ngụy hay Ngô. Đọc bộ chính sử Tam Quốc Chí, mới vỡ lẽ rằng, vì quan điểm “ủng Lưu phản Tào” nên La Quán Trung đã “sáng tạo” ra danh hiệu "Ngũ Hổ Tướng” để dành cho năm vị võ tướng bậc nhất nhà Thục.
Còn trong thực tế lịch sử, không hề tồn tại danh hiệu này, thay vào đó là “Ngũ Tử Lương Tướng” của Tào Ngụy do tác giả Tam Quốc Chí là Trần Thọ bình chọn.
Tào Tháo ra trận, có năm người lúc tiến công thì xông pha lửa đạn tiến lên phía trước, khi rút lui thì phụ trách cản phía sau, vì nhà Ngụy lập vô số công lao, được Trần Thọ bình rằng “Thái Tổ gây dựng công nghiệp, mà lương tướng lúc đương thời, có năm người đứng đầu”. Năm người này được người đời hợp xưng là Ngũ Tử Lương Tướng, chính là chỉ Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng.
Vậy năm vị đại tướng này có phải là năm người tài giỏi nhất trong quân Tào?
Luận về năng lực, trên thực tế Mãn Sủng, Điền Dự, Khiên Chiêu, Quách Hoài, cùng Lý Điển, Lý Thông, Tang Bá, Văn Sính năng lực tuyệt đối không kém Ngũ Tử, mà Sử Hoán, Hàn Hạo cũng đều có lý lịch rất dày dặn. Vậy thì vì sao không phải là Lục Tử, Thất Tử mà chỉ có năm người Trương, Nhạc, Vu, Trương, Từ?
Câu trả lời là do lý lịch.
Đơn cử như Mãn Sủng mười tám tuổi đã làm Đốc Bưu, rồi đến Cao Bình Lệnh, sau được Tháo gọi làm Tòng sự rồi tới Hứa Lệnh, vốn xuất thân từ tầng lớp danh tiếng nên ngay cả người bà con củaTào Hồng phạm tội cũng chẳng thèm nể mặt. Lý Điển, Lý Thông cũng xuất thân là thổ hào một phương. Lý Điển gia tộc ở Duyện Châu có đến mấy ngàn người. Lý Thông, tự là Vạn Ức, người cũng như tên, gia tài bạc vạn, dưới trướng có hơn hai nghìn gia đinh, có thể ảnh hưởng đến dân chúng vượt trên vạn người. Hai người này chức vụ không lớn nhưng chính là một mình một cõi, có bộ khúc riêng, Tào Tháo cũng không dám đối đãi như thuộc tướng thông thường. Càng không cần phải nói đến Tang Bá và Tôn Quan chiếm cứ một dải Thanh, Từ, căn bản chính là một đội quân độc lập, mãi cho đến thời của Tào Phi mới chính thức đem binh quyền của Tang Bá lấy đi.
Cùng so sánh với những người này, Ngũ Tử có thể coi là “bạch thân”, không có thế lực, không có bối cảnh, nên được Tào Tháo biên chế vào trung quân do chính mình quản lý. Chính vì vậy, cùng Tào Tháo nam chinh bắc phạt, năm người lại càng có cơ hội lập được nhiều chiến công hiển hách.
Vậy Ngũ Tử Lương Tướng có phải là những người được Tào Tháo tín nhiệm nhất? Rất tiếc, câu trả lời là không. Nguyên nhân, vẫn là lý lịch.
Tào Tháo với phương châm “có tài là dùng” là người có quyết tâm cải cách triệt để nhất, cũng đối kháng với quyền lực của tầng lớp sĩ tộc mạnh mẽ nhất cho nên đối với binh quyền vô cùng cẩn trọng, không thể rời tay.
Cùng với đà mở rộngthế lực, quân Tào phân thành Tây tuyến Đô đốc Hạ Hầu Uyên, Nam tuyến Đô đốc Tào Nhân, Đông tuyến do Trương Liêu, Nhạc Tiến phòng thủ lại phái hộ quân cùng thứ sử đi theo. Đây không phải là vì Trương, Nhạc không đủ năng lực mà là Tào Tháo không muốn buông tay binh quyền.
Cũng vì thế,nên dẫubiết Trương Cáp tài năng hơn Hạ Hầu Uyên, Tào Tháo cũng không thể làm khác, Trương Cáp, Từ Hoảng vẫn phải nghe lệnh Hạ Hầu Uyên và Tào Hồng. Sự tín nhiệm cao nhất, Tào Tháo vẫn phải dành cho các tướng lĩnh “huynh đệ” mang họTào và họ Hạ Hầu.
Thử so sánh hai người trong “Ngũ Tử Lương Tướng” là Nhạc Tiến, Vu Cấm với hai người trong “Ngũ Hổ Tướng” là Quan Vũ, Trương Phi: bốn người này đều xuất thân từ Biệt Bộ Tư Mã, cùng Tào Tháo, Lưu Bị chinh chiến tứ phương. Quan, Trương hai người làm đến Tiền, Hậu tướng quân, còn Vu, Nhạc trở thành Tả, Hữu tướng quân, luận về quân hàm xem như là đồng cấp. Thế nhưng Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu, có thể tự mình đưa ra chiến lược, điều động binh mã. Trương Phi tự mình cầm một cánh quân vào Thục, lại tự cầm quân giành lấy Hán Trung, quyền hạn rất lớn. Địa vị của Quan, Trương ở phe Thục vì thế chỉ có Hạ Hầu Đôn và Tào Nhân ở phe Tào là tương xứng, nào đến lượt Vu, Nhạc hai người lên tiếng.
Nói cho dễ hiểu thì các tướng lĩnh của Tào thị và Hạ Hầu thị chính là cổ đông của tập đoàn Tào Ngụy, còn Ngũ Tử Lương Tướng ra trận xông pha phía trước, khi lui thì ngăn ở phía sau chính là nhân viên làm công ăn lương vậy, một bên là “huynh đệ”, một bên là “thuộc hạ” vậy.
Kẻ làm tướng chỉ mong tung hoành trên sa trường, giết giặc lập công. Nhưng sự đời đâu đơn giản như vậy. Tào Tháo ưu ái “huynh đệ” hơn “thuộc hạ”, lại ưu ái “nguyên lão” hơn “hàng tướng”. Trương Liêu, Từ Hoảngcông tích dẫu nhiều hơn nhưng quân hàm luôn thấp hơn Vu Cấm, Nhạc Tiến.
Trần Thọ trong lời bình viết rằng “ta xem việc làm của mấy người ấy (chỉ Vu Cấm, Nhạc Tiến, Trương Cáp), không xứng với danh vọng. Ngờ rằng những ghi chép còn bỏ sót, không như Trương Liêu-Từ Hoảng rất đầy đủ rõ ràng vậy”. Kỳ thực cũng không có gì quá khó hiểu. Tào Tháo dùng người trọng thân sơ, Vu Cấm, Nhạc Tiến là những “nguyên lão” theo Tháo từ ngày đầu; còn Trương Liêu, Từ Hoảng, Trương Cáp là những hàng tướng sau này, địa vị mặc nhiên phải thấp hơn.
Trước nan đề của Tào Tháo, Trương Cáp, Từ Hoảng lại có cách giải quyết không giống nhau.
Tam Quốc Chí, Từ Hoảng truyện viết: “Hoảng thường than rằng: "Cổ nhân thường lo chẳng gặp được đấng minh quân, nay ta may mắn gặp được, phải lấy việc lập công để báo đáp, đâu vì danh dự cá nhân!" Hoảng trọn đời chẳng chịu nhún mình giao kết cùng người khác”.
Từ Hoảng là người nhìn nhận thấu đáo vấn đề chính trị này nên mặc dù từng giúp Tào Tháo đại thắng Mã Siêu, lại đánh bại Quan Vũ, giải vây Phàn Thành, công lao tuyệt đối không kém Trương Liêu lại chỉ bình bình phàm phàm giữ chức Bình Khấu Tướng Quân, không dính đến chốn quan trường.
Trương Cáp lại có cách giải quyết hoàn toàn khác. Trần Thọ trong lời bình Ngũ Tử Lương Tướng đã viết “Trương Cáp được xưng là khéo quyền biến”. Bởi vì nếu đã là chuyện chính trị, vậy thì chỉ có thể dùng chính trị để giải quyết. Tam Quốc Chí cũng viết “Cáp tuy là võ tướng mà yêu thích những bậc nho sĩ”, lại tiến cử người tài, tích cực tham gia vào quan trường nên dần được thăng là Chinh Tây Xa Kỵ Tướng Quân.
Ngũ Tử Lương Tướng bởi vì xuất thân không có bối cảnh nên được tin dùng. Dùng đao kiếm trong tay chém ra vô số công lao, dùng tài năng chém ra con đường vận mệnh của bản thân mình. Nhưng đằng sau những tài năng được hậu thế ghi nhớ ấy luôn là câu chuyện chính trị, là câu đố cần được giải mã...