Thú vị vua Minh Mạng trổ tài cầu mưa

(Kiến Thức) - Với ông hoàng như Minh Mạng, việc cùng một lúc giảm bớt 100 cung nữ không phải là nhiều, nhưng coi đó là cách để cầu mưa thì quả xưa nay hiếm.

Khi nói đến Minh Mạng, vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn, về mặt đời tư người ta thường nghĩ đến một vị vua lắm vợ nhiều con; về mặt chính trị thì đây là một vị quân chủ tài ba, là một nhà cải cách lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai hay xung quanh bậc đế vương này còn có nhiều giai thoại thú vị, một trong số đó là chuyện ông cầu mưa.
Thời xưa, mỗi khi thiên tai hạn hán xảy ra, các vị vua với vai trò là người đứng đầu đất nước đã thực hiện các chính sách cứu tế, chẩn cấp cho dân, mặt lại sai các đại thần có đức hạnh hoặc có khi trực tiếp vị vua ấy làm lễ cầu khấn, mong trời rủ lòng thương mà ban mưa xuống cứu hạn, giải cơn khát, cứu đất đai đồng ruộng, mùa màng cho dân…
Ngay khi lên ngôi vua không lâu, Minh Mạng đã thấy rằng thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của muôn dân vì thế cần phải nắm bắt quy luật của thời tiết để có cách ứng phó thích hợp. Bên cạnh những kinh nghiệm đúc kết trong dân gian, nhà vua cho rằng cần phải có sự nghiên cứu thường xuyên, vì thế vào năm Nhâm Ngọ (1822), nhân việc tại Quảng Trị có nạn sâu cắn lúa nhưng các quan địa phương không báo về triều đình, vua đã ban lệnh khiển trách, sau đó Ngài giáng chỉ cho bộ Khâm Thiên giám là cơ quan theo dõi thiên văn, thời tiết rằng: “Từ nay mỗi địa phương trên cuốn Phong vũ nhật ký như có nhưng thiên tai mưa to, gió bão, nạn lụt, thời phải tóm tắt những việc lớn tâu lên cho trẫm biết”.
Minh Mạng cho rằng là vua thì phải chăm lo trị đạo, sửa đức yêu dân, thuận theo mệnh trời, còn nếu không trời sẽ giáng họa, mà những điềm tai dị, gở lạ, bất thường như trùng sâu phá hoại mùa màng, mưa đá, hạn hán, lụt bão là sự cảnh báo của trời cho biết mà răn sợ, hối lỗi. Ngoài việc cầu khấn trời đất thì còn có rất nhiều cách để tạ lỗi đó và trong thời gian trị vì của mình, Minh Mạng đã thực hiện những phương cách lạ kỳ để mong được ơn trời soi xét đến.
Sử sách viết rằng vào đầu năm Giáp Thân (1824), sau khi tổ chức tế đàn Nam Giao, vua Minh Mạng định tổ chức yến tiệc, ban thưởng cho trăm quan nhưng thấy trời nắng quá nên vua bãi bỏ dự định đó. Ngài nói với quan Thượng thư bộ Hộ là Nguyễn Hữu Thận rằng: “Nắng hạn hầu muốn làm tai, cần phải lo sợ, sửa mình xét việc, há dám dối trời mà vui với tai họa vậy sao?”. Đến tháng 3 năm đó, kinh đô nắng to, trời lâu ngày không mưa, vua bèn sai các quan làm lễ cầu đảo nhưng không thấy mưa xuống, Minh Mạng lo lắng nói với các đại thần rằng: “Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, không ngày nào là chẳng lấy sinh dân làm lo, sao lại gặp hạn này vậy. Hay là về chính trị có thiếu sót chăng? Trẫm thấy các vua đời trước, gặp tai biến thì xuống chiếu trách mình và cầu lời nói thẳng. Ôi! Lỗi của mình thì mình tự trách vậy, sao lại phải xuống chiếu; đến việc cầu lời nói thẳng là một việc hư văn. Trẫm ngày thường vẫn mong những thần hạ đều được nói hết lời, há phải đợi đến có thiên biến rồi mới cầu lời nói thẳng hay sao?”.
Sau đó vua lệnh cho các quan bộ Lễ xét các đền miếu thờ thần trong kinh thành xem đã có nơi nào chưa được phong tặng, lệnh cho các quan bộ Hình tra lại những hồ sơ vụ án còn tồn đọng để xử, những người bị tội nhẹ được xét khoan giảm án, những kẻ phạm tội nặng thì cho tạm hoãn xử hoặc tạm hoãn thi hành án tử với những tội nhân phạm trọng tội.
Như vậy là khác các vị vua đời trước, Minh Mạng không thực hiện những việc như tự ban chiếu trách lỗi, cầu lời nói thẳng để trời giảm thiên tai, nhưng ông vẫn thực hiện một số cách mà các triều trước đã làm như khoan giảm hình phạt, tiết kiệm chi tiêu, miễn giảm tô thuế, chẩn cấp cứu trợ, cầu khấn ở các đền miếu… Chuyện kể rằng sau đó trời mưa lớn đúng vào dịp tiết Vạn thọ, tức là ngày mừng sinh nhật vua, Minh Mạng có lời khuyên các quan rằng: “Mùa xuân năm nay trong kinh kỳ ít mưa, tỉnh Thanh Hóa về phía bắc có động đất, tỉnh Nghệ An dân đói, lại trộm cắp quấy nhiễu. Gần đây trẫm thường xuống chiếu khoan hồng; giảm hình ngục, tha tô thuế, thôi công tác, chẩn cấp cho kẻ nghèo đói. Lại lệnh cho quan Đại thần đi kinh lược hai tỉnh Thanh – Nghệ để ủy lạo nhân dân, còn sợ trên chưa đáp ứng được lòng trời, dưới chưa yên được nhân dân. Sao dám lấy ngày khánh tiết để tự mình vui vẻ được”. Ngày hôm ấy, vua ra lệnh bãi bỏ 23 việc ca nhạc, rước đèn, múa hoa như thường lệ các năm.
Chân dung hoàng đế Minh Mạng. Tranh minh họa.
Chân dung hoàng đế Minh Mạng. Tranh minh họa. 
Một năm sau đó, vào mùa xuân tháng giêng năm Ất Dậu (1825), ở kinh thành lại không có mưa, vua thấy hạn lấy làm lo lắng liền chỉ dụ bảo quan Thượng bảo khanh là Hoàng Quýnh rằng: “Hai ba năm trở lại đây, hạn hán cùng nối. Trẫm nghĩ vì đâu mà đến thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân; hoặc là trong thâm cung, cung nữ nhiều nên khí âm uất tắc mà nên vậy ư? Nay bớt đi, cho ra khỏi cung 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”.
Với một vị hoàng đế có số lượng phi tần đông đảo, giữ kỷ lục so với các vua triều Nguyễn nói riêng và các vua chúa Việt Nam khác thì việc cùng một lúc giảm bớt 100 cung nữ không phải là nhiều nhưng điều lạ ở chỗ vua Minh Mạng coi đó là một cách để cầu mưa, giảm thiên tai. Thế nhưng sau khi bớt đi 100 mỹ nữ trong cung mà trời vẫn chẳng đổ xuống lấy một giọt nước, Minh Mạng lo lắng không yên, một đại thần là Nguyễn Hữu Thận giữ chức Thượng thư bộ Hộ bèn khuyên vua học theo đời trước đích thân đến Vũ đàn để làm lễ cầu mưa. Sách Minh Mạng chính yếu cho hay, nghe lời tâu đó, vua mới nói rằng: “Thực hiện việc cầu mưa ở Vũ đàn là quyền nghi hình thức mà thôi, chẳng phải là chỗ đời xưa đấng đế vương chuộng, sao phải bắt chước như vậy. Trẫm nghĩ chỉ nên sợ hãi sửa mình xét việc, lòng thành trong sạch mật đảo là tốt hơn vậy”. Sau đó vua Minh Mạng dụ rằng: “Từ mùa xuân đến nay, trải mấy tuần không mưa, đã lần lượt sai các quan cầu đảo nhưng chưa được gia ứng. Trẫm ngày đêm nhọc lòng lo nghĩ, không biết bởi đâu, nghĩ đến việc ngục hình, hoặc có chỗ oan uổng nên mất hòa khí. Người xưa gặp hạn, tức thời tự mình đến xem xét kẻ tù đồ, khiến sứ đi giải quyết việc ngục. Thường làm như vậy mà được mưa. Nay nên một phen xét thẩm ngục tù để trừ tai biến”.
Ban dụ xong, Minh Mạng lệnh cho các nha môn chuyên trách việc hình là bộ Hình và ban trực thuộc Thừa Thiên lập tức xét duyệt lại mọi vụ án, thẩm vấn lại những người bị liên lụy, lấy lời khai của các nhân chứng rồi lập tờ kết lĩnh đợi phán xét. Với những người gây ra các vụ án nhỏ gọi là tạp phạm, bị tội đánh roi, đánh trượng thì xử ngay rồi tha để trong ngục thất được bớt kẻ giam cầm, để cầu trời thương mà đổ mưa xuống.
Lại nghĩ ở kinh đô còn có án tồn đọng thì địa phương cũng có, Minh Mạnh ban dụ rằng: “Gần đây ngày không mưa, việc nông ít được thỏa nguyện. Trẫm rất thực lòng răn mình, xét mọi việc, nay hình ngục để tồn đọng như vậy khiến cho khí hậu không hòa, há chẳng phải là bởi đấy mà xui nên. Tức thời lệnh cho các địa phương chiếu những án chưa xét xử, phải khẩn cấp giải quyết”.
Tháng 2 năm Bính Tuất (1826), kinh đô lại nhiều ngày không mưa, Minh Mạng sai các quan đi cầu mưa ở miếu Hội Đồng và đền thờ Thái Dương phu nhân nhưng không được. Bấy giờ nhà vua cho thiết đàn cầu mưa ở điện Trung Hòa, thực hiện ăn chay rồi tự mình làm lễ cầu đảo, ngày hôm sau trời đổ mưa, Minh Mạng vui mừng ngay lập tức làm lễ bái tạ trong cung, lại sai các quan chia nhau mang phẩm vật hương hoa đến các đền miếu lễ tạ.
Súng kính thần thánh đến như vậy nhưng có lần Minh Mạng lại định thử sự linh thiêng của các vị thần, nhưng suy tính lại ông liền bỏ ý định khác thường đó. Sử chép rằng vào mùa thu, tháng 7 năm Bính Tuất (1826), kinh đô lại có hạn, nắng nóng oi bức, triều đình lập đàn Tam Thần để làm lễ cầu khẩn, nhân đó vua nói với bề tôi rằng: “Xưa nay có nắng dữ, phần nhiều về mùa xuân, hạ; gần đây lại thấy về mùa thu, đông, chẳng biết khí trời không hòa hay sao mà lại như vậy. Nay đã nhiều tuần không mưa thì lúa ruộng làm sao tốt được, trẫm lo đến độ chưa từng được một ngày yên nghỉ. Đêm qua trẫm ngồi sân điện, ngửa xem tinh tượng, thấy một đám mây đen, rồi bỗng gặp cơn gió đông nam thổi tan đi mất, mưa móc sao mà khó khăn đến như vậy!”.
Nói xong vua lại bảo rằng: “Trẫm muốn thử nghiệm linh ứng của các vị thần trong toàn quốc, vị nào làm mưa được thì tặng phong, vị nào không làm được thì đình chỉ việc thờ cúng, đó là ý nhà cố Lê thử các thần linh vậy. Nhưng lại nghĩ rằng, sao Cơ sinh gió, sao Tất sinh mưa là lẽ tự nhiên, không phải sức thần có thể làm được vậy. Có lẽ vua tôi chúng ta tuy cố gắng nhưng có chỗ chưa trọn đạo, hoặc việc thổ mộc, công dịch làm cho mọi người quá nhọc mệt; hoặc trong ngoài trăm quan chưa làm xứng với chức vụ. Nay không lấy đấy làm suy tư, mà lấy việc phi lý trách ở thần linh, nếu các vị thần biết được tất cười cho. Ngày xưa vua Thang trong đời nhà Thương, hạn hán xảy ra 7 năm thì ngài đem 6 việc ra tự trách mình mà trời đổ mưa xuống, chẳng biết trước đó có cầu khấn không mà cảm cách lòng trời mau chóng đến vậy”.
Một đại thần là Phan Huy Thực nghe vua nói mới tâu rằng đó là việc ngẫu nhiên. Vua Minh Mạng nói rằng: “Ngày xưa ông Lưu Côn làm Thái thú ở Hoàng Nông, hổ phải lội qua sông mà về bên phía Bắc, đó là do làm chính có đức mà được như vậy. Thế mà lấy hai chữ ngẫu nhiên thưa với vua Quang Vũ, chỉ là lời nói kẻ nhân thần tự khiêm mà thôi. Nếu bảo rằng việc vua Thành Thang cũng là ngẫu nhiên thì hầu hết mọi việc của người đời chẳng phải tu tỉnh làm gì, mà chỉ ngồi đợi ngẫu nhiên đưa đến hay sao? Trẫm nghĩ vua Thành Thang là bậc thánh quân, ngài thường xét mình sửa nết, chẳng chốn nào lại chẳng tinh thành, vốn đã cùng lòng trời thông suốt, cho nên một sớm phát ra lời nói, trời liền ứng cho, như bóng vang ứng hình tiếng vậy. Vả lại người làm vua nên lấy thiên hạ làm việc lo của mình, nên sách Thượng thư có viết rằng: “Trăm họ có lỗi, là bởi ở ta một người”.
Khói hương gửi trời lời khấn nguyện. Ảnh minh họa.
Khói hương gửi trời lời khấn nguyện. Ảnh minh họa. 
Trong năm đó, nghe tin báo rằng tỉnh Nghệ An lâu ngày cũng không có mưa, Minh Mạng lệnh cho các quan chức địa phương phải tận tâm, lòng thành làm lễ cầu mưa. Vua lại bảo các quan rằng: “Từ khi vào mùa thu đến nay, không mưa kéo dài mấy tuần, trẫm thường đêm ngày tu tỉnh để cầu trời ứng. Trước đây trẫm xem danh sách những kẻ can phạm do các địa phương trình lên, thấy có hơn 900 người. Tuy là kẻ ngu dân không biết nên dễ phạm pháp vào điều cấm, nhưng há không có một vài kẻ mắc oan, làm phương hại đến hòa khí hay sao? Vậy các quan hữu tư phải xét rõ lẽ, nếu là oan uổng thì phải tha, không được giam cầm ở trong ngục”.
Sau đấy trong kinh thành có mưa, một số địa phương cũng báo về triều là có mưa. Nhà vua mừng lắm mới bảo các quan ở phủ Thừa Thiên rằng: “Ngày xưa một người đàn bà nước Tề chịu oan mà ba năm chẳng có mưa. Một người đàn bà nhỏ mọn mà còn cảm động được trời đất; nay khí dịch lưu hành há chẳng phải là do chính hình thiếu sót hay lầm lỗi mà đến thế ru? Nhân dân đâu có tội gì? Trẫm không thể trốn tránh được trách nhiệm vậy. Những lời nói của trẫm là nói thực lòng chứ không phải nói cho đẹp lời mà thôi, phàm một lời nói, một việc làm, sử đều chép đủ cả. Nếu sử quan kiêng nể mà không dám chép thì chẳng khác nào dã sử vậy!”.
Để cho các cơ quan chuyên trách theo dõi thời tiết làm việc có hiệu quả, vua Minh Mạng đã cấp cho tòa Khâm Thiên giám hai ống phong vũ hậu và hàn thử biểu. Ống phong vũ hậu làm bằng pha lê, trong có thủy ngân, khi nó ở độ nào thì biết gió mưa thuận nghịch lớn nhỏ. Ống hàn thử biểu thì xem nước thủy ngân lên xuống cao thấp mấy độ để biết nóng lạnh.
Tiếp đó vua sai cấp cho thành Gia Định và Bắc thành (Hà Nội ngày nay) hai ống phong vũ và hàn thử. Ở các tỉnh cực bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn và các tỉnh cực nam như Hà Tiên, đều cấp cho hàn thử biểu mỗi nơi một ống để xem xét thời tiết, đến cuối năm tổng kết lại viết thành sách gửi về triều đình cho vua xem xét. Ngài còn dụ rằng: “Đây là lòng trẫm nghĩ đến miếng ăn của dân, thử tìm một lối trắc nghiệm nắng mưa vậy!”. Sách Minh Mạng chính yếu chép: “Về sau, vua lại ban cấp cho hai kỳ Nam, Bắc, các tỉnh đều được một ống hàn thử biểu. Sau lại ban cho chậu khóa vũ bằng sành mới chế ra, cho mọi địa phương để đo lường nước mưa lớn, nhỏ”.
Vua Minh Mạng thường nhắc nhở các quan ở Khâm Thiên giám phải chiêm nghiệm thời tiết cẩn thận, đưa ra các dự báo đúng, không được lơ là, sao nhãng trọng trách. Có lần vua còn trực tiếp kiểm tra việc này, sử chép rằng năm Đinh Hợi (1827), một hôm trời mưa, vua ở trong cung lấy cái chum sành ra hứng nước, từ giờ Tý đến giờ Sửu (tương ứng với khoảng thời gian từ 23 giờ đêm hôm trước
tới 3 giờ sáng hôm sau), đo được lượng nước một tấc, sáu bảy phân. Đến sáng sớm thiết triều, các quan Khâm Thiên giám vào tâu về việc đo lượng mưa nhưng về thời khắc và phân lượng thì sai khác với lượng vua tự đo.
Trước việc đó, Minh Mạng mắng rằng: “Trẫm thường xem tạnh đo mưa, để nghiệm việc nông công. Lũ kia giữ chức chiêm nghiệm mà dám lơ là, không một chút quan tâm, trước đây đã nhiều lần răn bảo, đến nay vẫn coi thường mà cẩu thả, tội tuy nhẹ nhưng tình thuộc ngoan cố, nếu cứ khoan thứ mãi thì làm sao cảnh cáo, làm gương cho tương lai”. Lập tức vua sai đóng gông quan Chiêm hậu là Hoàng Văn Thông, đem lên đài quan sát thiên văn (Quan tượng đài) phạt đánh 100 côn; còn các quan chức dưới quyền đều tùy mức mà đánh roi hay đánh bằng gậy, lần lượt đem ra xử công khai. Vua lại cho sao chép tất cả các chỉ dụ trước đấy răn nhắc chức trách về thời tiết, đem tất cả niêm yết tại tòa giám thự để cảnh cáo các quan chức lo việc dự báo thời tiết.
Thắp hương tế trời. Tranh minh họa.
Thắp hương tế trời. Tranh minh họa. 
Ngoài các cách cầu mưa khác nhau, vua Minh Mạng có lần còn sử dụng đến thơ văn để mong trời linh ứng. Vào tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), kinh thành ít mưa, vua sai quan Kinh Doãn làm lễ cầu mưa ở miếu Nam Hải Long vương nhưng chưa thấy được toại ý nên lo lắng bất an. Nghĩ ngợi hồi lâu, Minh Mạng tự tay làm một bài thơ, sai các quan trong Nội các mang đến miếu đốt; còn ở trong cung vua tự mật đảo, liền sau đó mưa xuống khắp nơi, các ruộng nương đều được dầm thấm. Nhà vua vui mừng sai Hoàng tử Vĩnh Tường công Nguyễn Phúc Miên Hoành đem vàng hương đến miếu làm lễ tạ. Sau đó Minh Mạng lại làm thơ và kỷ văn thuật rõ ý kính trời thương dân, cho khắc vào đá rồi dựng ở miếu thờ.
Theo sách sử triều Nguyễn, bài thơ đó có tiêu đề là “Vị nông ngâm” (Ngâm vịnh nhà nông) làm bằng chữ Hán theo thể thơ Đường luật, thất ngôn bát cú:
Tiền tiêu hàm hỷ tế thời lâm,
Kế thử liên liên tế tế châm.
Lẫm liệt đông trung chi thuận hậu,
Tuấn tuần điền thượng khủng hàn xâm
Y ôn niệm chức tồn dư ý,
Thực bảo tư nông động ngã tâm.
Giá sắc gian nan tòng cổ trọng,
Vô thời bất dĩ cử vi ngâm.
Nghĩa là:
Đêm qua mừng trận mưa rào,
Từng cơn rả rích rót vào canh thâu.
Rét đông mưa giúp hoa màu,
Sợ ai ì oạp ruộng sâu lạnh lùng.
Ấm người, thợ dệt góp công,
No lòng, ta nhớ nhà nông muôn phần.
Bao giờ tôn trọng nông dân,
Ngâm nga ta đã mấy lần vì ai.
Mùa hạ tháng 4 năm Quý Tị (1833), thấy kinh đô không có mưa, vua Minh Mạng lại sai các quan đi cầu đảo, làm lễ nhiều ngày mà trời chẳng mưa xuống cho, Ngài liền cho lập đàn Tam thần ở trước Ngọ Môn, sai các hoàng tử cùng quan chức trong 6 bộ là bộ Hình, bộ Lễ, bộ Công, bộ Hộ, bộ Lại và bộ Binh liên tục thay nhau cầu khẩn. Đêm đó có mưa lớn, vua mừng quá bất chấp mưa gió tự mình đi đến điện Trung Hòa đốt hương khấn vái, vì đi vội không kịp dùng kiệu, dùng ô lọng để che nên mưa ướt cả áo ngự, làm lễ hồi lâu mới về cung nghỉ. Hôm sau thiết triều, Minh Mạng nói với các quan rằng: “Đêm qua trời xuống mưa nhuần, trẫm rất mừng, đứng ngoài mưa rất lâu. Người ta thường nói: Nắng lâu mà mới mưa xuống, dầm phải nước mưa ấy dễ sinh bệnh. Nhưng trẫm thì thấy trong mình vẫn khoan khoái nhẹ nhàng, hòa khí như thế rất khó được vậy”.
Chuyện về vua Minh Mạng cầu mưa mà sử sách đã ghi chép phần nào cho thấy sự quan tâm của vị hoàng đế này đến đời sống dân chúng, nó cũng góp phần làm sáng tỏ hơn về tư tưởng trọng nông và tấm lòng ưu ái đối với nông dân của ông. Cũng thật là hiếm có và khó tìm thay khi mà trong lịch sử có không ít các vị hoàng đế hay thơ, nhưng cách thức dùng thơ để cầu mưa như vua Minh Mạng là điều mà hậu thế không phải ai cũng biết thông tin thú vị đó.

Bí ẩn ngôi mộ thái giám bị Minh Mạng san bằng

Lập nhiều chiến công, tài trí hơn người, Lê Văn Duyệt trở thành vị khai quốc công thần danh vọng bậc nhất triều vua Gia Long. Tuy nhiên, xung quanh nhân vật này còn nhiều góc khuất ít người biết rõ.

Cựu hoàng Bảo Đại “chất lừ” trên tạp chí Life

(Kiến Thức) - Vị vua cuối cùng của Việt Nam có dáng vóc cao lớn, điển trai, luôn tràn đầy phong độ, là mẫu người rất hấp dẫn với các quý bà...

Cựu hoàng Bảo Đại (1913 - 1997) ung dung trên chiếc ghế bành tại một căn hộ ở Hồng Kông, tháng 6/1948. Vào ngày 16/3/1946, với tư cách một nhà cố vấn, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về nước, mà đến Côn Minh rồi Hồng Kông, sống một cuộc sống lưu vong.
Cựu hoàng Bảo Đại (1913 - 1997) ung dung trên chiếc ghế bành tại một căn hộ ở Hồng Kông, tháng 6/1948. Vào ngày 16/3/1946, với tư cách một nhà cố vấn, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về nước, mà đến Côn Minh rồi Hồng Kông, sống một cuộc sống lưu vong.
Bảo Đại ăn vận chải chuốt, tay châm thuốc lá ở Hồng Kông, tháng 6/1948. Vị vua cuối cùng của Việt Nam có dáng vóc cao lớn, điển trai, luôn tràn đầy phong độ. Ông được cho là cưỡi ngựa điêu luyện như một kỵ sĩ trung cổ, chơi golf, tennis giỏi như một quán quân hàng tỉnh, bơi thuyền các loại như một vận động viên Olympic... Hình ảnh do tạp chí Life thực hiện.
Bảo Đại ăn vận chải chuốt, tay châm thuốc lá ở Hồng Kông, tháng 6/1948. Vị vua cuối cùng của Việt Nam có dáng vóc cao lớn, điển trai, luôn tràn đầy phong độ. Ông được cho là cưỡi ngựa điêu luyện như một kỵ sĩ trung cổ, chơi golf, tennis giỏi như một quán quân hàng tỉnh, bơi thuyền các loại như một vận động viên Olympic... Hình ảnh do tạp chí Life thực hiện.

Đọc nhiều nhất

Tin mới