Trên Tiền phong ngày 16/5/2019 phản ánh hàng loạt các khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch.
Theo phản ánh, các hộ dân Ciputra kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Theo đó, lô đất TM-13 diện tích 54.977m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Lô đất P-14 diện tích 13.389m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng xây xanh kết hợp đồng bộ lô T-13…, Đáng lưu ý là ô đất TM-13 trước quy hoạch 5 tòa (cao từ 5 đến 47 tầng) nay điều chỉnh bằng việc tăng thành 8 tòa cao đến 68 tầng. Mật độ xây dựng điều chỉnh tăng từ 33,1% lên 35,45%.
Cư dân khu đô thị "vàng" Ciuputra lo phá vỡ quy hoạch |
Cư dân tại khu Đoàn Ngoại giao bức xúc suốt 2 năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ. Cụ thể, các lô đất được điều chỉnh có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp. Nay, chúng bị điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều. Việc thay đổi làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dự án, làm tăng mật độ xây dựng, gây áp lực hạ tầng giao thông, thiếu hụt trường học, nhà trẻ, khu vui chơi…
Đặc biệt, theo cư dân, có một số lô đất điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, như lô đất ký hiệu ĐMKT1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) với quy mô 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Nay, chỗ này điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng + 2 tầng hầm.
Cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn căng băng rôn phản đối việc thay đổi quy hoạch tại khu đô thị. |
“Việc xây dựng bệnh viện ung bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn cư dân, giữa đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Khu đô thị Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu. Đồng thời, việc này gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của khu đô thị. Chưa kể nguy cơ rò rỉ các chất từ phòng xạ trị của bệnh viện ra khu vực”, đại diện cư dân cho biết.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.