Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru)-một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
|
Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó bão số 4 - Ảnh: VGP |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão. Với tinh thần phòng hơn chống, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu trong ứng phó bão.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.
Bão gây mưa lớn từ 150-300 mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum, một số trạm mưa rất lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 362 mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 344 mm, Việt An (Quảng Nam) 628 mm, An Long (Quảng Nam) 372 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337 mm.
Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm, nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9/2022 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa,…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.
Tính đến 10h ngày 28/9, có 04 người bị thương ở Quảng Trị, sập 03 nhà (Quảng Trị: 02, Thừa Thiên Huế: 01), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà). Chìm 03 ghe nhỏ (Đà Nẵng 02, Quảng Nam 01). Có 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 09 xã, Gia Lai: 06 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Ngoài ra, tại Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam) bị đổ 01 trụ antenna; 2 đồn biên phòng ở Quảng Nam bị hư hỏng... Gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai.
Ban chỉ đạo tiền phương cho hay, để khắc phục hậu quả sau bão, sẽ tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông. Khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.
Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn, sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân. Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng. Đồng thời, tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Quảng Ngãi rút ra kinh nghiệm: “Không đợi thiên tai xảy ra mới chống”
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kinh nghiệm là trong bão có mưa lớn nhưng sau bão mưa thường càng lớn, nguy cơ sạt lở và lũ lụt cao, đe dọa tính mạng người dân vùng núi; nên phải sơ tán người dân vùng có nguy cơ về nơi an toàn; thực hiện nghiêm, hiệu quả quy trình vận hành hồ chứa để điều tiết lũ… Kết quả ứng phó bão, đến giờ phút ngày, tỉnh chưa có thiệt hại về người, một số nhà cửa, công trình bị tốc mái. Tỉnh chủ động khắc phục hậu quả nhưng cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ công tác này.
3 bài học kinh nghiệm lớn của Đà Nẵng trong phòng chống thiên tai
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, qua công tác phòng chống bão số 4, Đà Nẵng rút ra 3 bài học kinh nghiệm lớn.
Thứ nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở bằng các biện pháp kiên quyết, kiên trì; cùng với bảo vệ tính mạng người dân là thực hiện tốt việc bảo đảm tài sản của người dân.
Thứ hai là thực hiện nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong công tác phòng chống bão lụt. Tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống lụt bão để giảm thấp nhất rủi ro, thiệt hại về người và tài sản.
Thứ ba là sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản về phòng chống bão lụt và tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án, kịch bản này trên tinh thần phương châm 4 tại chỗ.
Quảng Nam: Dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, về kinh nghiệm, Quảng Nam chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm, phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên tại các địa bàn. Theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc đi vào vùng an toàn. Tuy nhiên, khi có bão là có cá, nên nhiều tàu vẫn đánh bắt. Các hồ thủy điện phối hợp chặt chẽ, thống nhất rất cao với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp để vận hành nhịp nhàng.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Quảng Nam, Kon Tum gần đây có động đất, tỉnh kiến nghị nghiên cứu, đánh giá thêm về nguyên nhân gây động đất. Đồng thời, cần sự tham gia của các nhà khoa học để dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất tại các vùng núi để di dời người dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão Noru quét qua Quảng Nam khiến mái tôn bay khắp nơi, cây cối đổ rạp: