Ngày 8/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các nhà phân tích nhận định động thái này có thể sẽ làm thổi bùng căng thẳng giữa các cường quốc trong khu vực.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: China.org. |
Một nguồn tin Bắc Kinh tiết lộ với báo Hankuk Ilbo (Hàn Quốc) rằng Trung Quốc có thể sẽ tiến hành nhiều động thái khiêu khích hơn.
Gần đây, một phi đội gồm 13 chiến đấu cơ, máy bay ném bom hạng nặng cùng các loại máy bay quân sự khác của Trung Quốc đã bay qua Biển Đông. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng tính đến thời điểm hiện tại, đây là phi đội nước ngoài lớn nhất bay qua khu vực này, khiến máy bay quân sự của Nhật Bản phải cất cánh nhiều lần để ứng phó.
Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở các “địa điểm ngoài khơi”, liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định rằng những hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã cấu thành hành vi “vi phạm luật pháp”.
Theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng nhiều công trình phi pháp ở Biển Đông, bao gồm công trình có thể chứa tên lửa.
Những động thái của Bắc Kinh buộc Washington triển khai Ham đội 3 của Hải quân Mỹ tới Biển Đông để “gửi thông điệp” tới Trung Quốc.
Theo một bài báo của UPI, Bắc Kinh cũng thể hiện sự ủng hộ hành động cứng rắn hơn ở vùng Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu đã có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Washington ủng hộ Nhật Bản 100% về tuyên bố của nước này đối với quần đảo Senkaku theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1951.
Trước đó, năm 2014, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố hành động chiếm đảo bằng vũ lực của Trung Quốc sẽ phải đối diện với toàn sức mạnh của quân đội Mỹ.