Sau nhiều lần hẹn bất thành, cuối cùng tôi cũng gặp được nghệ sĩ Trần Hạnh. Ông ngồi ở quán nước, miệng cười hiền hậu, trên tay điếu thuốc lá Thăng Long đã cháy được quả nửa. Trong manh áo cũ, ngoài đời Trần Hạnh không khác những vai diễn nông dân là mấy: hiền lành, giản dị, chất phác. Biết tôi có ý định xin gặp để viết bài, ông xua tay, chối khéo: “Tôi uống cốc bia người lâng lâng nên không thể tiếp chuyện, mà tôi còn phải về nấu cơm nên hẹn cô hôm khác!”.
Sợ báo chí vì cứ viết...khổ quá
Qua lời cô Hồng – con dâu nghệ sĩ Trần Hạnh – tôi biết ông “sợ” báo chí, sợ những ánh nhìn soi mói lẫn thương hại của người đời, bởi có dạo báo chí rầm rộ đưa tin ông có cuộc cuộc sống khổ cực, nhất là thời điểm nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời.
Hiểu được căn nguyên, tôi kiên trì ngồi đợi. Đốt xong 3 điếu thuốc, uống cạn cốc bia, ông ra về và đồng ý tiếp chuyện tôi ngay tại tầng 1 của ngôi nhà trong ngõ Trần Quý Cáp – đây cũng là nơi "cất trữ" hàng hóa của cô Hồng - con dâu ông.
Nghệ sĩ Trần Hạnh trong ngôi nhà tại ngõ gần ga Trần Quý Cáp. |
85 tuổi vẫn rong ruổi phim trường
Ở tuổi 85, nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn rong ruổi theo đoàn phim đi quay tại các tỉnh khiến tôi không khỏi thán phục.
Nghệ sĩ Trần Hạnh kể, dạo này ông đang đi đóng phim ở tận Hưng Yên, mấy hôm nay trời mưa đoàn phim dừng quay nên ông mới ở nhà. Mà không chỉ một phim mà có tới 3 phim liên tục: Bão qua làng của đạo diễn Lê Mạnh, Ngoại tình của đạo diễn Trọng Trinh và Cao hơn bầu trời.
Trong 3 phim ông vào 3 vai khác nhau, một ông bố của đứa con gái ngoại tình (Ngoại tình), một ông bố của cậu con trai 35 tuổi mà chưa chịu lấy vợ (Bão qua làng) và một ông bảo vệ của nhà máy (Cao hơn bầu trời).
Ông cười hồ hởi: “Chính đi đóng phim tôi lại thấy mình khỏe ra mà ăn được nhiều cơm hơn. Bình thường mỗi bữa ăn được bát rưỡi, đi đóng phim ăn được ba bát. Đi giao lưu khắp nơi mình cũng biết được nhiều”.
Nói rồi ông chỉ vào chiếc xe 82 cũ kỹ để ở góc nhà: “Tôi vẫn tự đi xe mỗi lần đi diễn đấy. Đợt nào đi tỉnh quay liên tục thì tôi ở lại trường quay, không thì về. Thường thì xe của hãng đưa về đến Đê La Thành, từ đó tôi đi xe máy về. Nhiều hôm khoảng 11 rưỡi mới về đến nhà.
Cũng chính tự đi xe máy mà có lần ông bị tai nạn ngất đi trên đoạn đường Quốc Tử Giám. Lần ấy cách đây 3 năm, ông cũng đi quay ở Hưng Yên cho bộ phim của VFC. Khi đi về đến Văn Miếu bất ngờ có xe rác trong ngõ đi ra đâm vào xe ông. Không kịp tránh, nghệ sĩ Trần Hạnh bị ngã, ngất lịm nằm giữa đường. May thay lúc ấy có cậu hàng xóm đi qua trông thấy đã gọi người nhà ông đến đưa vào viện Xanh - Pôn.
“Bác sĩ bảo tôi bị gãy xương vai nhưng tuổi già không mổ được mà để tự nó liền thôi. Đợt ấy tôi phải nằm ở nhà 6 tháng trời. Giờ nhấc tay hay những lúc trở trời vẫn đau đấy. Hãng phim khi đó cũng tốt, họ đến thăm và còn cho tôi tiền chữa bệnh” – nghệ sĩ Trần Hạnh kể.
Lần tai nạn bất ngờ đó đã khiến các con của nghệ sĩ một phen hoảng sợ. Sau vụ tai nạn, mỗi lần có người đến mời nghệ sĩ Trần Hạnh đi đóng phim, cô Hồng lại nhờ đoàn phim đến tận nơi đón ông.
Trần Hạnh trong bộ phim Bão qua làng. |
Ông nông dân giữa thành phố
Mấy chục năm theo đuổi nghiệp diễn (sân khấu kịch và truyền hình), vốn liếng của Trần Hạnh có trong tay là hàng trăm vai diễn lớn nhỏ. Trong số đó phải kể đến: ông bí thư đảng ủy trong phim "Làng nổi", bố An trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em"....
Điểm chung của các vai ấy là hình ảnh một ông nông dân hay ông cán bộ về hưu hiền lành. Thậm chí, nhiều đạo diễn cầm kịch bản cứ vai nào là nông dân, cán bộ về hưu có hoàn cảnh khổ cực là nghĩ ngay đến Trần Hạnh.
“Có người bảo tôi là ông nông dân ở giữa thành phố. Mà đúng thế thật. Để làm tròn những vai ấy là do tôi tự nghiên cứu chứ thời gian tôi ở quê có mấy đâu. Thời kháng chiến chống Pháp tôi theo bố mẹ đi tản cư ở vùng Bình Lục - Hà Nam, ở đấy được hơn năm thì về Hà Nội. Cũng nhờ lần ấy mà những công việc nhà nông tôi đều trải qua, cũng biết đi cấy, đi cày, đi bừa, tát nước gàu đai, gầu sòng. Năm ấy tôi 18, ký ức từ thời trẻ nên khó phai lắm. Nhờ những kinh nghiệm đợt ấy nên bây giờ tôi diễn những vai này cứ ngon như không”.
Với nghệ sĩ Trần Hạnh, nghiệp diễn vất vả nhưng cũng mang lại không ít niềm vui và vinh dự cho ông. Trong đó phải kể đến vai diễn Nguyễn Trãi trong vở kịch “Lam Sơn tụ nghĩa” – vở diễn được Huy chương vàng Liên hoan kịch toàn quốc 1964, hay vai phản diện trong “Âm mưu và tình yêu” từng được Tổng bí thư Trường Chinh khen là romantic. Đặc biệt nhất, năm 1962, Bác Hồ cũng đã đến xem Trần Hạnh diễn kịch. Dù không được gặp Bác nhưng lời nhắn của người bảo vệ rằng “Bác rất khen vở diễn” cũng đủ khiến Trần Hạnh thấy vui mỗi lần nhớ lại.
Trần Hạnh tâm niệm, mỗi vai diễn đều cần phải đầu tư nghiêm túc. Đó là lý do, trước mỗi bộ phim ông đều dành thời gian nghiên cứu kịch bản một cách kỹ lưỡng dù ông có khả năng ghi nhớ lời thoại rất nhanh.
Ông cho biết, hiện tại ông vẫn hay xem các phim trẻ, xem để học ở họ, học cả những cái hay và cả những thất bại, để biết cái gì chưa được mà tránh. Theo ông nhiều diễn viên trẻ bây giờ diễn chưa tới là do chưa đầu tư đúng mức, chưa nghiêm túc trong nghề nghiệp chứ không phải do thiếu kinh nghiệm.
Thời gian khó đã qua
Với nghệ sĩ Trần Hạnh, đi diễn không chỉ mang đến nguồn thu nhập thêm để ông trang trải cuộc sống, bên cạnh xuất lương hưu 3 triệu/tháng, mà đây còn là niềm vui cho ông lúc tuổi già, bởi đi diễn ông được gặp anh em, bè bạn.
“Chỉ đi làm là vui nhất vì giờ bà nhà tôi thì mất rồi, thằng Kiên (người con trai áp út của Trần Hạnh – PV) thì bị bệnh, suốt ngày ngơ ngẩn, di chứng của lần tai nạn xe máy gây chấn thương sọ não…”.
Trần Hạnh lập gia đình năm 23 tuổi khi đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Khi đó, nhận tin báo mẹ ở nhà sắp mất ông vội vã xin nghỉ để về Hà Nội. Khi đến nhà ông mới biết cả gia đình “lập mưu” lừa ông về ép cưới vợ.
Không thể cãi lời, thế là chỉ trong vòng mấy ngày, cô hàng xóm ở cùng ngõ Phát Lộc xinh đẹp nức tiếng đã trở thành vợ ông. Tuy cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt nhưng Trần Hạnh vô cùng hạnh phúc và hài lòng với người vợ trẻ. Hai người sống đầm ấm và có với nhau 7 người con.
Cô Hồng – con dâu ông cũng phải trầm trồ trước tình cảm của bố mẹ. “Chiều 30 nào ông cũng chở bà đi chợ hoa để mua đào, quất và thể nào cũng có một lọ hoa cắm bàn thật đẹp”.
Những sáng không đi đóng phim, nghệ sĩ Trần Hạnh lại trông hàng cho cô con dâu từ 8-9h trong lúc cô Hồng đi chợ. |
Đó cũng là lý do năm 2011, khi bà mất vì bị tai biến sau nhiều năm nằm liệt giường, ông thấy buồn bã và trống trải.
“Đến bây giờ ông vẫn thương bà một đời vất vả. Dạo ấy tôi cứ đi tối ngày, sáng đi tập, tối đi diễn, bà thì ở nhà trông nom 7 đứa con, một tay chèo chống mà vẫn phải đảm bảo công việc ở công ty du lịch. Khi đấy lương của tôi chỉ được 72 đồng mà bát phở đã 2 đồng rưỡi. Thế mà bà ấy chẳng bao giờ ca thán lấy một lời, bà ấy bảo công việc của anh, anh cứ đi. Ngẫm lại, công của bà ấy không thể đếm xuể được”.
Hiện tại, tuổi già, một tay ông chăm sóc đứa con trai “có lớn mà chẳng có khôn”, lo lắng từ nấu cơm đến rửa bát nhưng không vì thế mà Trần Hạnh cảm thấy phiền lòng. “Ông giời bắt như thế thì phải chịu. Số phận đã thế có cưỡng lại cũng không được. Mình không sướng về tiền bạc nhưng cuộc sống vẫn còn hơn nhiều người. Có người ngồi trên đống tiền đấy nhưng mà phải lo nghĩ nhiều, còn tôi giờ không phải lo nghĩ gì nữa”.
Bù lại những vất vả ấy, những người con còn lại của ông đều có cuộc sống khá ổn định và đặc biệt ông có cô con dâu hiếu thảo hiếm có:
“Tôi thấy Hồng là người con dâu hiếm có, như con gái mình chứ không phải con dâu. Thời điểm tôi bị tai nạn, bà thì nằm liệt giường, con gái lấy chồng không phải lúc nào cũng qua được nên tất cả là nhờ con dâu. Người như thế ai mà chẳng quý”.
“Đến giờ tôi không ân hận gì cả. Ông trời cho sống bằng này tuổi, ngần ấy đứa con đều làm ăn được thì không có gì phải buồn”. Trần Hạnh cũng cười hồn hậu: “Mà tôi có chắt rồi đấy, cháu thì có 8 đứa. Chúng nó vẫn thường qua đây luôn. Gia đình cậu con trai thứ 3 Quân – Hồng thì ở ngay sát cạnh”.
Nhiều người đến thăm Trần Hạnh thương ông vất vả, thế nhưng với người nghệ sĩ ấy ông lại cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Ngày nào không đi diễn ông lại ra trông hàng phụ con dâu hay ngồi quán nước chuyện trò cùng những người hàng xóm. Trên gương mặt ông thường trực một nụ cười. Với ông, những vất vả, gian truân dường như đã qua hết rồi.