Chính thức được thiết lập vào năm 1973, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt nhất. Những năm gần đây, lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, đem tới nhiều cơ hội hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Việt Nam trong hai ngày 16-17/1 lại tiếp tục khẳng định sự phát triển của mối quan hệ này.
Nền tảng lợi ích chung vững chắc
Theo Tiến sĩ Phan Cao Nhật Anh, Phó giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, “tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng là một trong những nội dung được quan tâm trong các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước”.
Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn do sự đa dạng về chính trị và lợi ích của các quốc gia. Điều này khiến Nhật Bản và Việt Nam dễ dàng chia sẻ và có những quan điểm tương đồng về lợi ích.
Nhật Bản có nhiều hỗ trợ đối với Việt Nam trong việc nâng cao khả năng tuần tra, phòng vệ và đảm bảo an ninh biển.
Một trong những trụ cột chính của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là quan hệ kinh tế. Do cùng có đường bờ biển kéo dài, hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ biển, hai nước có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Từ đó thắt chặt và mở rộng hợp tác ra nhiều mảng khác.
Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai nước có nhiều cơ chế hợp tác kinh tế song phương, tạo tiền đề cho xuất khẩu hàng hóa luôn tăng bình quân 13,9% trong những năm gần đây.
Ngoài trụ cột kinh tế, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua trên hàng loạt lĩnh vực từ giáo dục cho đến nông nghiệp, du lịch, lao động, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác giữa các địa phương…
Chuyến thăm của Thủ tướng Abe – bước củng cố cần thiết
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Việt Nam và nhiều nước châu Á diễn ra trong bối cảnh đặc biệt.
“Sự trỗi dậy cùng những hành động cứng rắn trên biển Đông và Hoa Đông của một nước. Philippines có những động thái chuyển hướng xa rời đồng minh Mỹ, xích lại gần Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Donald Trump với những tuyên bố yêu cầu xem xét lại mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, thay đổi chiến lược với châu Á. Trong tình hình đó, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ củng cố và thúc đẩy hơn nữa mối Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á giữa hai nước”, Tiến sĩ Phan Cao Nhật Anh chia sẻ với Zing.vn.
Ông Abe cùng Thủ tướng Australia tại Sydney hôm 14/1. Chuyến đi của ông tới Philippines, Australia, Indonesia và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nhiều biến động của chính trị thế giới. Ảnh: Reuters. |
Kyodo dẫn lời quan chức Nhật Bản nói thông qua chuyến thăm, ông Abe muốn khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự do với 4 nước châu Á trong bối cảnh những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho thấy Mỹ có thể chuyển sang bảo hộ thương mại, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ "chết yểu".
"TPP là lợi ích chung, nếu TPP không được thông qua là thiệt hại cho cả Việt Nam và Nhật Bản. Nhưng không phải vì thế mà điều này có thể tác động tiêu cực tới quan hệ hai nước", Tiến sĩ Phan Cao Nhật Anh cho biết.
Theo tiến sĩ Anh, xu hướng gần đây cho thấy quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản được mở rộng sang các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, giáo dục, hợp tác nguồn nhân lực. Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản sẽ tạo tiền cho những sự hợp tác này trong tương lai.
Ông Abe: Người hết mình vì quan hệ Việt - Nhật
Ông Abe là một người có nhiều nỗ lực trong việc củng cố quan hệ Việt – Nhật suốt những năm qua. Vào năm 2013, sau khi nắm quyền thủ tướng, nước đầu tiên ông đi thăm chính thức là Việt Nam.
Từ đó, hai nước luôn tổ chức gặp gỡ cấp cao hàng năm. Đây là lần thứ 3 ông Abe đến Việt Nam với tư cách thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp G7 ở Tokyo năm 2016. Ảnh: TTXVN. |
Lần gần đây nhất, ông Abe là người mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp G7 ở Tokyo năm 2016.
Shinzo Abe là nhân vật có địa vị chính trị vững chắc trong nền chính trị Nhật Bản. Ông giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP), đảng chính trị lớn nhất của Nhật.
Ông Abe trở thành thủ tướng lần đầu vào năm 2006 và quay trở lại giữ chức từ năm 2012 tới nay. Nhiều người dự đoán ông sẽ tiếp tục nắm quyền và vượt ông Koizumi, trở thành thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại. Điều này khiến mối quan tâm của ông dành cho Việt Nam gặt hái nhiều thuận lợi và thành quả trong nhiều năm qua.
Nhật Bản có 3.242 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42,016 tỷ USD, đứng 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau Hàn Quốc). Nhật cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2015, Nhật Bản đã cam kết khoảng 29,5 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam.