Chiều 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát hiện trường và có cuộc làm việc với các bộ ngành, địa phương nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc tại sân bay này. Trong những năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tăng mạnh, gần gấp đôi công suất thiết kế. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang trải qua những ngày đông khách kỷ lục trong cao điểm du lịch hè.
Tính chung trên cả nước, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng ấn tượng 52,6%. Dự kiến năm 2022, các cảng sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Điều này cũng khiến các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị quá tải nhiều hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ ngành, địa phương nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2020, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết tình trạng quá tải sân bay này. Theo đó, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.
Đến nay, công tác chuẩn bị và phê duyệt dự án đã hoàn thành với các công đoạn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và tổ chức thực hiện các thủ tục rà phá bom mìn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án như việc bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan tới quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong sân bay.
Cùng với đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng hoàn thành hồi tháng 4, nhưng do vướng 12 ụ bê tông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay nên ảnh hưởng tới hoạt động khai thác các máy bay cỡ lớn.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng, đưa vào khai thác một số dự án giao thông kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất với bên ngoài, đang xây dựng một số dự án khác nhưng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngành hàng không đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều tuyến bay nội địa đã sôi động hơn cả trước khi bùng phát dịch; sắp tới, khi chúng ta mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế thì tình trạng quá tải có thể nhiều hơn; do đó, cần tính toán, lựa chọn phương án có lợi nhất cho dân, cho nước.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, cơ quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương giải quyết các vướng mắc kể trên và những phát sinh nếu có; góp phần giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tránh bức xúc cho nhân dân, nhất là sau đại dịch COVID-19 các hoạt động giao thương phục hồi, phát triển.
Các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hoàn thành các thủ tục bàn giao đất trong tháng 7/2022 , giải phóng 12 ụ bê tông trong quý III/2022, đồng thời phấn đấu hoàn thành việc xây dựng mới các ụ bê tông trong quý III/2022 theo tinh thần lưỡng dụng (vừa sử dụng cho quốc phòng, vừa sử dụng cho mục tiêu dân sự - kinh tế).
UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các dự án giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với bên ngoài; cùng các cơ quan bổ sung, sửa đổi các quy hoạch cần thiết theo thẩm quyền trong quý III/2022.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bắt tay ngay vào việc, thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng nhà ga T3. Phấn đấu hoàn thành các thủ tục để khởi công nhà ga T3 trong quý III/2022, chậm nhất tới tháng 9/2024 phải hoàn thành nhà ga này.
Thủ tướng nhấn mạnh, các công việc phải theo tinh thần "làm ngày làm đêm" để triển khai thủ tục nhanh nhất, tiết kiệm nhất, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, không vì thủ tục hành chính mà cản trở sự phát triển,
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ thông báo, hướng dẫn thủ tục và các nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên. Các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan tới thẩm quyền của Chính phủ sẽ được giải quyết trong phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật sắp tới.