Thông tin trái ngược về nguyên nhân gây ra thảm họa MH17
(Kiến Thức) - Sau một năm, kết luận về nguyên nhân gây ra thảm họa MH17 vẫn chưa được công bố, dẫn đến nhiều thông tin trái ngược lẫn nhau.
Nguyên nhân nào gây ra thảm kịch MH17?
Ngày 17/7/2014, chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala – Lumpur (Malaysia) đã bị bắn rơi xuống khu vực miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.
Mới đây, nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn các nguồn tin nói về việc đã nhìn thấy bản báo cáo về thảm họa MH17 xác định nguyên nhân máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine, song các chuyên gia điều tra vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây dẫn lời của các quan chức giấu tên và nguồn tin chưa xác nhận khẳng định, lực lượng chống chính phủ ở Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bằng tên lửa đất đối không.
Tuy nhiên, các quan chức ly khai liên tục bác bỏ cáo buộc này. Ngày 15/7, người phát ngôn của Hội đồng Quốc gia Donetsk Andrey Purgin cho biết trên hãng Interfax, Cộng hòa Nhân dân Donetsk không kiểm soát vùng lãnh thổ gần Torez ở Donetsk Obalast, nơi chiếc máy bay bị bắn rơi.
|
Khu vực chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 bị bắn rơi. (Ảnh Reuters) |
Mới đây, RT dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga, ông Vladimir Markin, cho biết rằng nguyên nhân khiến chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines trong chuyến bay mang số hiệu MH17 bị một tên lửa không đối không bắn hạ cách đây một năm là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông cho biết thêm, vụ phóng tên lửa không phải do Nga thực hiện.
Ủy ban Điều tra Nga đã tự tiến hành một cuộc điều tra vụ thảm họa MH17 khiến 298 người thiệt mạng.
Ông Markin nói: “Các chuyên gia cho rằng, loại tên lửa nói trên không được sản xuất ở Nga”. Ông nhấn mạnh, kết luận của các chuyên gia đã củng cố lời kể của nhân chứng Evegeny Agapov, một nhân viên kỹ thuật về các loại vũ khí hàng không trong Không quân Ukraine.
Nhân viên kỹ thuật Agapov kể lại rằng, vào ngày 17/7/2014, chiếc chiến đấu cơ phản lực Sukhoi Su-25 do “phi công Voloshin” điều khiển đã “thực hiện một nhiệm vụ quân sự” và trở về mà không còn đạn.
Hơn nữa, sau thảm kịch MH17, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố số liệu giám sát quân sự cho thấy, chiến đấu lực cơ Su-25 của Ukraine đã lấy độ cao so với chiếc Boeing 777, trước khi nó bị bắn rơi.
Sau vụ tai nạn, Hà Lan đã dẫn đầu cuộc điều tra về nguyên nhân cũng như điều tra hình sự về vụ tai nạn hàng không thảm khốc này.
Dự kiến, báo cáo về nguyên nhân trực tiếp của thảm kịch MH 17 chuẩn bị được công bố vào tuần đầu tiên của tháng 10, theo người phát ngôn của Ủy ban An toàn Hà Lan.
|
Nhân viên cứu hộ thu thập xác nạn nhân vụ MH17 ở miền Đông Ukraine. (Ảnh: CNN) |
Trong khi đó, ngày 15/7, hãng tin CNN dẫn nguồn tin riêng nói rằng báo cáo chính thức về vụ rơi máy bay MH17, vốn chưa được công bố, đã kết luận rằng chính lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines bằng tên lửa Buk.
Tên lửa được bắn đi từ một ngôi làng nằm trong vùng lãnh thổ do quân ly khai kiểm soát.
Theo một nguồn tin khác tiết lộ, báo cáo do Ủy ban An toàn Hà Lan - cơ quan lãnh đạo cuộc điều tra - không chỉ nêu chính xác nơi tên lửa được phóng đi mà còn nhận diện ai đang kiểm soát khu vực phóng tên lửa. Theo đó, quân ly khai ở miền đông Ukraine đã khiến chiếc máy bay gặp nạn.
Ngoài ra, các nguồn tin cũng nói với CNN rằng, báo cáo còn quy một số trách nhiệm cho hãng Malaysia Airlines, về cách điều hành các chuyến bay.
Khi đó, Malaysia Airlines đã không đọc thông báo của các quốc gia khác dành cho phi công (NOTAM) và tiếp tục cho máy bay đi qua vùng chiến sự.
Được biết, NOTAM là các văn bản được gửi tới cho các phi công trước một chuyến bay, khuyến cáo họ về các tình huống có thể xảy ra trong khi bay.
Các chuyên gia Nga "bị loại" khỏi cuộc điều tra thảm kịch MH17
Không hài lòng với cuộc điều tra kéo dài gần một năm của Hà Lan, ngày 14/7 vừa qua, Malaysia đã đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc thành lập một tòa án quốc tế để truy tố những người đứng sau vụ tai nạn.
Tuy nhiên, đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin ngày 15/7 cho hay, không có cơ sở để thiết lập một tòa án.
“Các chuyên gia của chúng tôi bị loại khỏi (cuộc điều tra thảm kịch MH17). Thỉnh thoảng họ mới được thông tin về cuộc điều tra được tiến hành như thế nào”, ông Churkin nói.
Churkin cho biết thêm, cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành theo một “cách thức bí mật giữa nhiều quốc gia”. Ông nói thêm: “Yêu cầu về việc thành lập một tòa án quốc tế là vô lý và sai lầm, sau khi một cuộc điều tra quốc gia trên thực tế đã được tiến hành”, ông nói.