Tổng thống Joe Biden đã dành ngày làm việc trọn vẹn cuối cùng của ông ở Nam Carolina, tiểu bang mà ông cho là đã giúp đưa ông tới Nhà Trắng. Ông trở lại tiểu bang này trong những giờ cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ để kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh vì một quốc gia công bằng hơn.
Trong các chuyến thăm đến nhà thờ lịch sử và bảo tàng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Nam Carolina, ông Biden đã hồi tưởng về những sự kiện quan trọng của ông ở đây, nơi mà ông cho là đóng vai trò quyết định trong cuộc đời và sự nghiệp của ông và đã thúc đẩy ông trong những nỗ lực phục hồi “linh hồn của quốc gia”.
“Chúng ta biết cuộc đấu tranh để phục hồi linh hồn của quốc gia này còn nhiều khó khăn và vẫn đang tiếp diễn. Nhưng niềm tin dạy chúng ta rằng nước Mỹ trong mơ của chúng ta luôn gần hơn những gì chúng ta nghĩ”, ông Biden nhấn mạnh hôm 19/1 khi phát biểu trước cộng đồng người da màu tại Nhà thờ Royal Missionary Baptist, nơi ông đã thăm trong chiến dịch tranh cử năm 2020.
“Chúng ta phải giữ hy vọng. Chúng ta phải luôn tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Tôi sẽ không đi đâu cả — tôi không đùa đâu. Người dân nam Carolina, cảm ơn các bạn đã giữ vững niềm tin. Được phục vụ các bạn trong vai trò tổng thống là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi”, ông Biden nói.
Ông Biden cho biết, ông đã tìm thấy “lòng tin và tình bạn” khi đến nhà thờ của người da màu ở Nam Carolina trong những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mình.
Một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của ông Biden tại Nam Carolina là sự ủng hộ của Hạ nghị sĩ James E. Clyburn vào năm 2020. Ông Clyburn, người bạn lâu năm và cố vấn thân cận của ông Biden, cũng đã đồng hành cùng Tổng thống sắp mãn nhiệm trong chuyến thăm tạm biệt ngày 19/1.
“Chắc chắn tôi sẽ không đứng trên bục phát biểu ở đây nếu không có Jim Clyburn”, ông Biden nói.
Ông Biden chia sẻ, chính tại Charleston, Nam Carolina, khi tìm kiếm sự ủng hộ từ Hạ nghị sĩ Clyburn trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông đã tuyên bố sẽ bổ nhiệm người phụ nữ da màu đầu tiên vào Tòa án Tối cao. Ông Biden sau đó giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang này nhờ vào sự ủng hộ từ cử tri da màu và đã trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Năm 2015, khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden đã tham dự lễ tang của Mục sư Clementa Pinckney, người bị sát hại cùng 8 người khác tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal. Đó cũng là thời điểm chưa đầy 1 tháng sau khi Beau, con trai ông qua đời.
Việc ông Biden tham dự và phát biểu tại lễ tang mục sư Clementa Pinckney đã gây bất ngờ cho cộng đồng người da màu, nhưng ông nói rằng điều này đã giúp ông tìm thấy sức mạnh trong lúc đau buồn.
“Tôi đã cầu nguyện với các bạn tại đây vào tháng 2/2020 khi tôi đang tranh cử tổng thống. Vào ngày cuối cùng trọn vẹn của tôi với tư cách tổng thống, một trong những nơi tôi muốn đến nhất là quay lại đây với các bạn”, ông Biden nhớ lại lúc ông thăm Nhà thờ Royal Missionary Baptist khi là ứng cử viên tổng thống.
Ông Biden đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ cộng đồng người da màu tại đây. Khi giới thiệu tổng thống, mục sư Isaac J. Holt Jr., của Nhà thờ Royal Missionary, cho biết mối quan hệ của ông Biden với người da màu sẽ là một phần không thể phủ nhận trong di sản của ông.
“Lịch sử sẽ nhắc nhở chúng ta rằng ông ấy quan tâm đến người da màu”, Mục sư Holt nói.
Trong chuyến thăm, ông Biden cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của người da màu. Ông Biden nói về tầm quan trọng của cộng đồng này, không chỉ đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông mà còn đối với lịch sử và tương lai của nước Mỹ.
“Tôi nợ các bạn rất nhiều,” ông nói.
Ông Biden cũng chia sẻ cộng đồng người da màu đã truyền cảm hứng để ông thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử trong việc hàn gắn những vết thương trong xã hội.
“Chúng ta biết rằng việc chữa lành và phục hồi sau tổn thương là con đường dẫn đến những cộng đồng mà chúng ta muốn sống trong đó, nơi có công bằng, công lý, và trách nhiệm, nơi mà những người chúng ta yêu thương trải qua những khó khăn, vấp ngã, mắc sai lầm, nhưng chúng ta luôn ở đó để giúp họ đứng dậy. Chúng ta không quay lưng lại với nhau. Chúng ta dựa vào nhau”, ông Biden nói về quyết định của mình.
Ông Biden kết thúc chuyến thăm tại bảo tàng của người da màu, được xây dựng trên một bến tàu cũ - nơi hàng nghìn người nô lệ đã đặt chân lên đất Mỹ. Ông nói rằng bảo tàng này là biểu tượng cho “nỗi đau và chiến thắng của người da màu, phản ánh sự thật rằng lịch sử của người da màu chính là lịch sử của nước Mỹ”.
“Hôm nay, đã có một hàng dài những người da màu yêu nước, những người đã giúp hiện thực hóa lời hứa nước Mỹ cho tất cả người dân Mỹ, những người đã giúp chúng ta trở thành quốc gia mà chúng ta muốn trở thành. Khi nhiệm kỳ tổng thống của tôi kết thúc, tôi luôn biết nó bắt đầu như thế nào nhờ vào phong trào này”, ông Biden nói.