Liên quan đến việc xây dựng tượng Xây dựng tượng đài các Dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La có kinh phí lên đến 1.400 tỷ đồng. Ngay sau khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, chiều ngày 5/8, Tỉnh Sơn La đã tổ chức buổi họp báo thông tin về những vấn đề liên quan đến vụ việc trên.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin, để khắc ghi sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm đồng bào, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Bắc. Năm trước, tỉnh Sơn La đã xin chủ trương của Ban Bí thư về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu. Qua đó, nâng cao và để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ.
Quang cảnh buổi họp báo. |
- Trả lời câu hỏi, UBND tỉnh Sơn La dựa vào đâu để lồng ghép Trung tâm hành chính và các hạng mục liền kề không bao gồm Tượng đài vào dự án này trong bối cảnh tình hình kinh tế địa phương còn khó khăn? Tỉnh chi kinh phí thế nào khi thực hiện dự án? Việc xã hội hoá thì cụ thể hoá như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, dựa vào các văn bản họp bàn và trình lên trung ương và trong qui trình xây dựng Nghị quyết, địa phương cũng đã tiến hành rất chặt chẽ. Quá trình đầu tư xây dựng dự án, không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.
Việc huy động nguồn vốn, dùng ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hoá. Phương án nguồn vốn được thực hiện từ khi lập dự án, chuẩn bị đầu tư. Nguồn vốn xã hội hoá: dựa theo kinh nghiệm học hỏi các tỉnh và sự ủng hộ của người dân. Vì dụ các công trình như Đền thờ, công trình công cộng, cây xanh… nhận được sự tham gia xã hội hoá của các đơn vị Doanh nghiệp.
- Dư luận đang băn khoăn việc, Chủ tịch tỉnh Sơn La nói rằng 1.400 tỷ là có cả việc di dời xây dựng Trung tâm hành chính của tỉnh kèm dự án Tượng đài và liền kề, bởi theo tài liệu phóng viên được cung cấp thì không thấy thể hiện điều này?
Ông Nguyễn Quốc Khánh lý giải, thể hiện ở điểm 1.2, tại mục II Công văn 127 NQ-HĐND có ghi: Nhóm tượng đài Bác Hồ với Đồng báo các Dân tộc Tây Bắc gắn liền với Lễ đài thuộc quy mô nhóm A2 (cao từ 5 đến 8m); Quảng trường có sức chứa 20.000 người; Đền thờ Bác Hồ; Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ; Bảo tàng tổng hợp; khuôn viên cây xanh… Tuy nhiên, Công văn 127 cũng không thể hiện của việc di dời hay xây dựng Trung tâm hành chính của tỉnh. Ông Khánh thừa nhận là không có trong công văn 127 và các văn bản báo cáo.
Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La thông qua đề án xây dựng công trình tượng đài. |
Ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Sơn La giải thích thêm: dựa vào 2 công văn trình Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Thủ tướng Chính phủ trả lời về vấn đề qui hoạch dự án.
Lý giải việc sẽ di dời thực hiện xây dựng đề án chủ trương về di dời Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La để thực hiện kết hợp qui hoạch với đề án Xây dựng tượng đài Bác Hồ. Đây là 2 dự án tỉnh đưa ra để xin chủ trương chứ chưa được phê duyệt hay quyết định. Đây là bước đề án xin triển khai chủ trương theo thủ tục đầu tư theo luật đầu tư công…
- Phóng viên hỏi, làm rõ về nguồn vốn 1.400 tỷ đồng là chỉ để xây dựng riêng hạng mục tượng đài hay bao gồm các hạng mục liền kề khác?
Ông Khánh cho hay, thực tế, đây mới chỉ là đề án bước đầu của việc thực hiện các qui định về quản lý đầu tư theo qui định pháp luật. Vừa qua có một số thông tin đề án “Xây dựng tượng đài các Dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La” tổng vốn đầu tư các hạng mục xin chủ trương là 1.400 tỷ đồng. Riêng hạng mục tượng đài là khoảng 200 tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, 20 ha dành cho cụm tượng đài, Trung ương cho phép xây dựng tượng đài Bác Hồ với Đồng bào, nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Theo đó, sẽ có thêm quảng trường, đền thờ… Dự án chủ trương di dời Trung tâm hành chính sẽ bao gồm các sở ban ngành liên quan, lộ trình thực hiện đến năm 2019. Dự kiến qui hoạch xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La là 5 ha, để thực hiện việc xây dựng các trung tâm hành chính tỉnh, còn 20 ha là để thực hiện dự án Tượng đài và các hạng mục liên kề. Thực tế hiện nay dự án Tượng đài và hạng mục liền kề không có qui hoạch về di dời Trung tâm hành chính mà Trung tâm hành chính sẽ nằm liền kề, trong diện tích 5ha chưa được cấp liên quan phê duyệt, ngoài việc 20 ha đã được Chính phủ đồng ý chủ trương.
Nói về quá trình dự kiến thực hiện đề án, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, hạng mục tượng đài khoảng 200 tỷ đồng; các hạng mục còn lại theo dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng. Hiện đề án di dời Trung tâm hành chính vẫn đang nằm trong các bước nghiên cứu tiếp theo để đảm bảo thực hiện đúng qui định về lập dự án đầu tư; đề án về cơ cấu nguồn vốn và diện tích chính thức đề án 5ha chưa được phê duyệt, hiện vẫn đang trong các bước nghiên cứu.
Đề án di dời Trung tâm hành chính không nằm trong dự kiến nguồn vốn 1.400 tỷ đồng của đề án xây dựng Tượng đài gắn với quảng trường và các thiết chế văn hoá TP Sơn La.Cân đối nguồn vốn thì phải thực hiện theo luật đầu tư công; dự án nào được huy động, được kêu gọi xã hội hoá thì địa phương chúng tôi thực hiện. Việc này địa phương chúng tôi vẫn đang thực hiện thực từng bước, theo chủ trương và theo qui trình. Đề án này của địa phương là có tính định hướng, để sau này dự án được báo cáo, phê duyệt thì địa phương sẽ thông tin cung cấp đến các cơ quan báo chí.
Nói về việc xã hội hóa, đại diện UBND tỉnh cho biết, liên quan đến việc tái định cư di dời người dân, các hộ gia đình ra khỏi khu vực thi công Công viên 26/10: đang được triển khai thực hiện để chống lãng phí theo qui định của Chính phủ. Hiện địa phương đang giao cho sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra, thực hiện để đảm bảo theo qui định pháp luật. Năm 2014 Chính phủ mới có chủ trương cho tỉnh Sơn La xây dựng tượng đài Bác Hồ, trước đó đã có dự án di dời dân tái định cư phục vụ dự án kè Nậm La và Công viên 26/10, nên việc thực hiện việc di dời để thực hiện dự án sau theo đúng trình tự chứ không bị chồng chéo.