Ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch VFF - giữa) sẽ thôi không còn làm việc ở VFF theo dạng "biệt phái" kể từ đại hội VFF khóa 8 - Ảnh: NAM KHÁNH |
Thông tin từ ông Thắng cho biết theo quy định, công chức nhà nước không được phép "biệt phái" sang làm việc hẳn ở các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Liên đoàn Bóng đá VN (VFF).
Vì vậy, trong thời gian tới Tổng cục Thể dục thể thao sẽ rút các cá nhân đang là công chức của Tổng cục Thể dục thể thao được biệt phái sang làm việc tại các liên đoàn thể thao quốc gia như VFF về lại Tổng cục Thể dục thể thao.
Mặc dù không còn làm việc chuyên trách tại VFF nhưng theo ông Thắng, việc này không có nghĩa là ông Trần Quốc Tuấn sẽ không thể tham gia ứng cử tại Đại hội VFF khóa 8.
Điều này tùy thuộc vào sự giới thiệu của các tổ chức thành viên với ông Tuấn và quan điểm của lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, hiện ở VFF có 7 cán bộ của Tổng cục Thể dục thể thao được biệt phái sang trong nhiều năm qua.
Trong đó có: ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch), ông Lê Hoài Anh (tổng thư ký), ông Trương Hải Tùng (giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ), ông Nguyễn Minh Ngọc (phó tổng giám đốc VPF), bà Nguyễn Thu Hà (trưởng phòng truyền thông VFF), bà Nguyễn Thúy Nga (cán bộ chuyên môn VFF) và một cán bộ thuộc văn phòng đại diện VFF tại TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao nói: "Theo quy định trước mắt, Tổng cục Thể dục thể thao rút 7 cán bộ này về.
Với những người được các tổ chức thành viên giới thiệu tham gia tranh cử các chức danh chủ chốt tại VFF khóa 8 thì vẫn có thể ra tranh cử nếu được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đồng ý.
Ông Lê Hoài Anh (tổng thư ký VFF - bìa trái) cũng sẽ phải lựa chọn ở hẳn VFF hoặc trở về Tổng cục TDTT - Ảnh: NAM KHÁNH |
Cụ thể, trường hợp ông Trần Quốc Tuấn sẽ vẫn ra tranh cử nếu như thời gian tới Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có văn bản đồng ý cho ông Tuấn ứng cử vào VFF khóa 8.
Tuy nhiên ông Tuấn sẽ làm việc theo diện kiêm nhiệm chứ không chuyển hẳn về VFF theo kiểu biệt phái như hiện nay.
Với 6 công chức còn lại, họ phải lựa chọn một là ở lại VFF làm hẳn, thôi không còn là công chức nhà nước, nếu không thì sẽ trở về Tổng cục Thể dục thể thao chứ không có chuyện là người của Tổng cục Thể dục thể thao nhưng lại làm việc ở VFF như hiện nay".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Tuấn cho biết đây là quy định của nhà nước, là người của tổ chức nên ông chấp hành mọi chỉ đạo của cấp trên.
Riêng về việc ra tranh cử chủ tịch và phó chủ tịch VFF khóa 8, ông Tuấn cho biết ông vẫn đang chờ văn bản chính thức của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có đồng ý cho ông ra tranh cử hay không.