Thời tiết âm u, ít vận động cũng như hạn chế ăn các thực phẩm nhiều vitamin khiến cơ thể giảm sức đề kháng. Vì thế, theo các chuyên gia, mùa đông là thời điểm con người dễ bị trầm cảm, căng thẳng.
Hội chứng trầm cảm theo mùa
Bà Nguyễn Thị Hà (Bạch Mai, Hà Nội) cho hay, vào mùa hè, thu ngày nào bà cũng tập thể dục vào buổi tối ở Công viên Tuổi trẻ hay đi chợ sớm để mua thức ăn. Vì vận động nhiều nên cơ thể luôn cảm thấy khoẻ mạnh, linh hoạt. Thế nhưng, khi bước vào những ngày lạnh, thói quen vận động, tập thể dục không được duy trì. Một phần do lạnh nên bà không dám ra khỏi nhà, nhưng một lý do khác là tâm lý lười vì lạnh.
"Cứ đến mùa đông, tôi thường bị bệnh nhiều hơn. Khi đi khám, bác sĩ bảo do sức đề kháng kém, ít vận động, tâm lý trì trệ...", bà Nguyễn Thị Hà, năm nay 67 tuổi chia sẻ.
Trong một tìm hiểu nhỏ của KH&ĐS đối với người cao tuổi về thói quen vận động mùa đông, khi hỏi 10 cụ về việc đi bộ, giao lưu cùng hàng xóm, bạn bè thì cả 10 đều cho rất ít. Có cụ, vì lạnh nên con cháu không cho ra khỏi nhà. Nếu tập thể dục cũng chỉ tập trong nhà hoặc ra ngoài một lúc rồi vào...
Theo ThS Nguyễn Hồng Vân, Trung tâm Giáo dục tâm lý Ánh sáng, mùa đông ảnh hưởng đến tâm trạng của cơ thể, khiến chúng ta cảm thấy bị ức chế, trầm cảm cao hơn mùa hè. Các nghiên cứu đã đưa ra giả thiết là do ánh sáng tác động. Đó là mùa đông, thời tiết âm u, thiếu ánh nắng, ngày ngắn hơn đêm khiến cơ thể chúng ta tiết ra hormon melatonin cao hơn. Chính chất này làm con người bị mệt mỏi, rã rời chân tay, buồn ngủ, buồn nôn... Đây là một trong những biểu hiện của trầm cảm hay còn gọi là trầm cảm theo mùa.
Ngoài ra, mùa đông lạnh, gió lùa nên chúng ta e ngại ra ngoài. Ngồi trong nhà nhiều, hoặc cuộn mình trong chăn suốt vài giờ đồng hồ khiến cơ thể bị trì trệ, giảm sức đề kháng. Cũng do đóng cửa liên tục nên khí tươi sẽ giảm, nguy cơ ô nhiễm trong nhà mùa này tăng cao khiến chúng ta dễ bị bệnh... Điều này thường xảy ra nhiều với người cao tuổi. Đây là lý do, mùa đông người cao tuổi ốm vặt nhiều hơn mùa hè.
Ảnh minh họa. |
Giải pháp đơn giản
Theo các chuyên gia, một trong các giải pháp để thoát khỏi chứng trầm cảm mùa đông là tiếp thu ánh sáng và âm nhạc. Hãy ra ngoài khi trời nắng ấm, hoặc gió nhẹ. Ra ngoài thường xuyên vào mùa đông sẽ giúp người cao tuổi và trẻ em tăng sức đề kháng với các bệnh mùa đông như cảm lạnh cao gấp bốn lần ngồi trong nhà. Nên ra ngoài khi trời đã sáng hẳn hoặc buổi trưa...
Với những ngày không ra ngoài, hãy ngồi bên cửa sổ kính. Điều này cũng giúp chúng ta tiếp nhận ánh sáng không kém gì ra ngoài. Đồng thời, hãy mở các bản nhạc vui vẻ khiến tinh thần phấn chấn. Nếu được, lắng nghe âm thanh tự nhiên là một liệu pháp tốt giúp thanh thản tâm hồn. Hãy bật đèn sáng trong nhà khi đóng kín cửa.
Bên cạnh đó, nên tăng cường các thực phẩm chứa axit béo omega 3, rau xanh, hoa quả như chuối, bưởi... Đây là các thực phẩm giúp cơ thể chống lại đột quỵ, tim mạch cũng như chống trầm cảm. Mùa đông nên hạn chế ăn các thực phẩm ăn nhanh và quá nhiều chất đạm. Do mùa đông cảm giác ngon miệng hơn mùa hè, vì thế, ăn các thực phẩm này vào nguy cơ béo phì tăng cân nhanh.
"Một biện pháp hữu hiệu để không e ngại mùa đông chính là tập thể dục. Hãy thoát mình khỏi các lớp áo dày hay chiếc chăn quấn quanh mình. Thay vào đó, hãy tập thể dục, vận động cơ thể giúp nóng lên, từ đó giảm tối đa chứng trầm cảm. Điều này rất cần thiết với người làm việc cường độ cao, nhiều áp lực".
ThS Nguyễn Hồng Vân