Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 105,14 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, giá trị đạt 213,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng thịt nhập về tăng 44,1% và giá trị tăng 38,8%.
Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 42 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 29,54% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của nước ta. Tính đến hết tháng 2/2024, nước ta đã chi 94,62 triệu USD để nhập 31,06 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt từ Ấn Độ, tăng 58,3% về lượng và tăng 72,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nước ta nhập chủ yếu các loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh... Đáng chú ý, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và thịt trâu có xu hướng tăng.
Riêng nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 8.460 tấn, giá trị đạt gần 18,7 triệu USD, tăng 4,3% về lượng, nhưng giá trị lại giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu trung bình thịt lợn về Việt Nam ở mức 2.209 USD/tấn (khoảng 55.000 đồng/kg), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thịt lợn được nhập khẩu từ 19 thị trường, trong đó Brazil chiếm 39,64% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước, sau đó là Nga chiếm 32,22% và Canada chiếm 9,5%...
Giá thịt lợn nhập khẩu rất rẻ, thịt lợn nội địa khó cạnh tranh. Ảnh: Anh Nguyễn |
Thực tế, với mức giá khoảng 55.000 đồng/kg, thịt lợn nhập khẩu còn rẻ hơn cả giá thịt lợn hơi xuất chuồng nội địa (58.000-62.000 đồng/kg), đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng sản phẩm.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước đáp ứng được 95% sức tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nguồn cung lợn ra thị trường đang tăng cao, nếu nhu cầu tiêu dùng thịt không tăng tương ứng, giá có thể quay đầu giảm trở lại.
Trước đó, 4 hiệp hội trong ngành chăn nuôi đưa ra những cảnh báo về việc nhập khẩu thịt giá siêu rẻ và hàng nhập lậu vẫn tràn về thị trường Việt.
Số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD. Ngoài ra, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập lậu.
Theo phản ánh của cơ quan chức năng và truyền thông, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000-8.000 con lợn thịt (khối lượng 100-120kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống...
Các hiệp hội cho rằng, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta là vấn đề hệ trọng, gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm.
Cùng với đó, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Bởi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm. Chưa kể, đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá trong nước cùng loại. Việc này cũng gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi nhận định, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.